(Baonghean) - Những ai đã từng đọc tiểu thuyết Số đỏ của “ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng, chắc khó có thể quên được nhân vật nhà mỹ thuật TYPN (tôi yêu phụ nữ). TYPN, mặc dù là “nhà cải cách xã hội”, tiên phong vận động thúc đẩy sự “tiến hóa”, khuyến khích phụ nữ ăn mặc theo lối “Âu hóa”, tân thời, nhưng khi nhìn thấy vợ mình ướm thử chiếc quần vải trắng, tóc để ngôi lệch, bôi môi hình quả tim, thì lập tức TYPN lại gầm lên chửi vào mặt vợ mình là đồ đĩ, là phong hóa suy đồi. Lý lẽ gã này áp chế, cấm đoán là: “Khi người ta cổ động đàn bà thì phải biết là cũng có năm bảy thứ đàn bà! Khi người ta nói phụ nữ... là nói vợ con chị em người khác, chứ không phải vợ con chị em của ta! Người khác thì được, mà mợ, mợ là vợ tôi, thì mợ không thể tân thời như người khác được!” 
 
Câu chuyện trên minh chứng sống động phản ánh khoảng cách giữa lời nói và hành động, giữa lý lẽ hô hào to tát và thực tiễn tư duy nhận thức cụ thể. Đồng thời, có thể thấy ở câu chuyện trên những dấu hiệu khó khăn của việc thực hiện bình đẳng giới: Mâu thuẫn và bất công thể hiện ngay trong cả những người luôn hô hào thực hiện, ngay cả những người luôn cho mình là tiến bộ nhất, thì thử hỏi những người khác còn ra sao? Vũ Trọng Phụng đã thể hiện khả năng dự báo tài tình, bởi trong thực tế hiện nay hiện tượng đó vẫn không hiếm. Không ít chị em chuyên trách công tác hội, đi đấu tranh đòi giải phóng nữ quyền, chống bạo hành, chống bất bình đẳng giới, nhưng bản thân lại lắm khi than thở “dao sắc không gọt được chuôi”?!
 
Các khái niệm, kiến thức trang bị về bình đẳng giới và chống bất bình đẳng giới thì nhiều, và với sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện, công cụ nghe nhìn, truy cập hiện nay thì cũng không khó để tìm. Ấy vậy nhưng, nhận thức và thực hiện về bình đẳng giới và chống bất bình đẳng giới vẫn tồn tại không ít những vấn đề, quan niệm thiếu sự thống nhất, thậm chí có khi trái ngược nhau. Ví như, có người quá nhấn mạnh đến đặc điểm giống nhau giữa nam giới và nữ giới nên có quan niệm thực hiện bình đẳng giới là tạo ra điều kiện, cơ hội, trách nhiệm và nghĩa vụ ngang bằng nhau. Lại có người quá nhấn mạnh đến đặc điểm khác nhau, dẫn đến quan niệm bình đẳng giới là phải luôn có
 
sự ưu tiên đối với nữ giới về các điều kiện, cơ hội lao động và phấn đấu; coi trọng và nhấn mạnh sự ưu ái đối với phụ nữ khi phân công thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ. Trong khi đó, bình đẳng giới luôn yêu cầu sự thừa nhận và coi trọng như nhau các đặc điểm giống và khác nhau giữa phụ nữ và nam giới. Điều này, có thể xuất hiện mọi nơi mọi lúc, trong nhiều lĩnh vực, nhưng đáng chú ý nhất vẫn là trong phân công lao động, bởi phân công lao động ảnh hưởng rõ rệt và trực tiếp tới sự đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm giữa nam và nữ, trong đó có cả yếu tố thường gây ra nhiều tranh cãi: phân chia quyền lực. 
 
Nếu vấn đề cơ cấu tỷ lệ nữ tham gia vào các bộ máy, tham gia các chức danh lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị đã sớm được đặt ra, và lâu nay vẫn kiên trì thể hiện sự quan tâm chỉ đạo thực hiện, cho dù trên thực tế thì hiệu quả còn rất “phập phù”, thì nay vấn đề độ tuổi về hưu của nữ giới lại đang trong quá trình trao đổi và nhận thức lại. Một quá trình dài độ tuổi lao động nam được tính là 60 tuổi, độ tuổi lao động nữ là 55 tuổi (chưa tính những ngành, nghề, vị trí đặc thù), và coi đó là thành công lớn, thể hiện sự tiến bộ, văn minh, vừa mang tính khoa học, vừa thể hiện tinh thần nhân văn.
 
Ấy vậy nhưng gần đây, lại có ý kiến đề xuất “nâng trần” độ tuổi lao động nữ đến 60. Dù sao, đây cũng là đòi hỏi xuất phát từ thực tiễn, ít ra là đề cập đến sự điều chỉnh để đáp ứng phù hợp quyền và lợi ích của một bộ phận. Tuy nhiên, đó chưa hẳn đã là ý kiến của số đông nên đề xuất mới chỉ được xem xét, tiếp thu, điều chỉnh mức độ. Lao động nữ trên 55 tuổi, được nghỉ hưu hay bị nghỉ hưu, được đi làm tiếp hay bị đi làm tiếp, sự đấu tranh “nâng trần” này vì quyền lợi hay vì quyền lực, dư luận vẫn đang quan tâm. Và có lẽ cũng cần nghe thêm nhiều tiếng nói từ những viên chức, người đang lao động hoạt động chuyên môn trực tiếp, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh – những người vốn ít có điều kiện trực tiếp nói lên chính kiến của mình trước công luận, trước số đông.
 
Một vấn đề muôn thuở khác là vị trí người phụ nữ trong  mối quan hệ gia đình và xã hội. Rõ ràng, nữ giới đang có những bước tiến dài từ gia đình ra xã hội một cách đồng đều hơn so với trước (trước đó người phụ nữ giỏi việc xã hội đã xuất hiện nhưng chủ yếu nổi bật với tư cách cá nhân). Nhưng càng nói sâu, nói nhiều về câu chuyện “việc nước, việc nhà” lại càng thấy bất bình đẳng nặng nề hơn thì phải.
 
Rõ ràng, việc tôn vinh phụ nữ “giỏi việc nước đảm việc nhà” là một chủ trương đúng, việc làm hay, đã thực sự tạo được hiệu ứng xã hội tốt, tiếp tục thể hiện sự ghi nhận và khẳng định vai trò, vị trí của người phụ nữ. Nhưng càng nhìn rộng ra, đối sánh với các nước phát triển, lại cứ thấy hình như phụ nữ ta đang “bị” nhân lên những thiệt thòi nhiều hơn? Về thiên chức người phụ nữ, theo quan niệm truyền thống của người Á Đông, về “công dung ngôn hạnh” là tứ đức tạo nên giá trị bền vững, thì “giỏi việc nước đảm việc nhà” thực sự là vương miện đẹp tôn vinh xứng đáng thiên chức, gắn liền với đó là sự hy sinh của người phụ nữ.
 
Nhưng trên phương diện “bình quyền”, bình đẳng, hình như xã hội đã đặt lên vai người phụ nữ gánh nặng hai vai “việc nước, việc nhà” quá lớn! Thế nên, khó tránh khỏi những lúc vương miện phản chiếu hình hài và sức nặng của vòng kim cô. Tại một cuộc hội thảo khoa học về bình đẳng giới, một vị giáo sư khả kính đã đề cập rằng “giỏi việc nước, đảm việc nhà” về ý nghĩa xã hội là rất tích cực, tiến bộ, nhưng xét trên góc độ “bình đẳng giới” thì có vẻ như còn chưa thỏa đáng. Ý kiến này chưa hẳn đúng, nhưng cũng gợi ra những suy nghĩ nghiêm túc, sâu sắc. Đã “giỏi việc nước”, còn phải “đảm việc nhà”, thì người phụ nữ còn giây phút nào được thảnh thơi, được nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, được chăm sóc,  được nhận những gì xứng với điều họ đã cho? 
 
Dù động viên, tôn vinh “cho” cũng là “nhận”, nhưng có bất công không khi người phụ nữ cứ phải dốc toàn tâm toàn lực, phải vắt kiệt toàn bộ thời gian vật lý để “cho”, để hy sinh, vì người khác, vì trước vì sau, vì trên vì dưới... Nếu giải quyết hài hòa, cùng chia sẻ gánh nặng quyền lợi và trách nhiệm để đảm bảo mỗi cá nhân được đầy đủ năng lượng, thời lượng, trí lực, tâm lực để lao động và cống hiến trong trạng thái tự do thoải mái, tràn đầy cảm hứng, thì chắc chắn hiệu quả đóng góp và cống hiến sẽ lâu dài và thuyết phục hơn nhiều. 
 
Ở hoàn cảnh xã hội thời bình đang hướng đến sự văn minh, phát triển, thiết nghĩ cũng cần nhìn nhận và giải quyết mối quan hệ “cho” và “nhận” cân đối, hài hòa, để thực hiện thực chất và thuyết phục hơn về vấn đề bình đẳng giới. Với đức tính nhường nhịn, cam chịu, người phụ nữ Việt Nam xứng đáng được xã hội tôn vinh. Nhưng đồng thời, xã hội cũng phải có trách nhiệm để thực hiện đầy đủ quyền lợi chính đáng mà người phụ nữ cần có, phải có. Đồng thời, sẽ là rất khó, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được bình đẳng giới, nếu bản thân người phụ nữ không tự giải thoát mình bằng cách vượt lên chính mình, tự giải thoát cho mình...
 
Ngô Kiên