(Baonghean) -Đến các cộng đồng Thái, Khơ mú thấy nhiều người có tên gọi hoặc tên đệm là May. Có người được đặt tên là Xự hoăc Hai. Những tên gọi này, liên quan đến một phong tục cho và nhận con nuôi...
 
Tục cho và nhận con nuôi cũng có ở người Kinh và nhiều cộng đồng khác, không phải là chuyện phổ biến cho lắm. Thế nhưng, với nhiều bản người Thái ở Tây Nam Nghệ An, lại có rất nhiều đứa trẻ từ tấm bé đã phải làm “con nuôi”. Có nhiều gia đình vì hiếm muộn phải xin con nuôi, phần lớn thường chỉ nhận trên danh nghĩa mà thôi. Dù đã được coi là cho người khác làm con nuôi, kỳ thực đứa trẻ vẫn ăn ở, sinh sống tại nhà cha mẹ đẻ. Tục lệ này liên quan đến quan niệm của người Thái về ngày sinh của đứa trẻ. Nó sinh ra là mối nguy hại cho gia đình, cha mẹ phải mang cho đi nếu không đứa trẻ hoặc cha mẹ nó sẽ ốm đau thậm chí sẽ chết...
 
images955706_3mn.jpgLễ đặt tên trong ngày cho, nhận con nuôi.
 
Những bản người Thái, Tày, Mường ở huyện Con Cuông, hầu như đều có tập tục này. Khi đứa trẻ sinh ra vào một ngày nào đó, bị cho là khắc với cha mẹ. Biểu hiện là đứa trẻ thường xuyên khóc lóc, đau ốm. Cũng có thể chính cha mẹ hoặc một thành viên nào đó trong gia đình, đau ốm. Đứa trẻ cho là “xuống mường người” gây họa cho gia đình sẽ được chọn ngày và chọn một gia đình trong họ nội hoặc họ ngoại mà đem cho. Tất nhiên, trước đó, cha mẹ đứa trẻ sẽ đến đặt vấn đề xin “gửi” con. Vào ngày đã định, gia đình sẽ địu theo đứa trẻ đến nhà cha mẹ nuôi của nó. Lễ vật mang theo thường chỉ có 2 con gà, nếu nhà cha mẹ nuôi ở trong bản có thể là gà đã luộc chín. Ngoài ra, có thêm xôi, rượu. Tại nhà người nhận nuôi, một lễ cúng nhận con nuôi sẽ được tiến hành. Gia đình cha nuôi cũng sẽ mổ lợn hoặc gà để mừng gia đình có thành viên mới. Ngoài ra người cha nuôi sẽ có một món quà cho đứa con kết nghĩa, thường là một chiếc vòng bạc. Có được một đứa con nuôi cũng là một niềm vinh dự của gia đình.
 
Trong lễ nhận con nuôi, một cái tên mới cũng đươc đặt lại cho đứa trẻ. Sau này nó trở thành tên thường gọi cho đến khi lập gia đình. Cũng có trường hợp, tên gọi này được dùng làm tên khai sinh. Cái tên thường được dùng nhất là “May”, hoặc “Mày”, trong tiếng Thái cũng có nghĩa là con nuôi, hoặc là “Hai” (bán đi). Sau lễ cúng đó, đứa trẻ sẽ được mẹ nuôi sẽ làm thủ tục địu con nuôi về nhà mẹ đẻ của nó và nói rằng: “Bà cho con mình xin bú nhờ nhé”. Từ đó, đứa trẻ sẽ nghiễm nhiên được ở lại nhà mẹ đẻ.
 
Tục nhận con nuôi có một số điều kỵ nhất định. Trong quan hệ họ hàng ở các cộng đồng làng xã cũng như làng bản vốn rất phức tạp, nhiều khi đứa trẻ mới sinh lại là bậc “bề trên” của những người đã lập gia đình trong dòng họ. Vì họ không thể nhận nuôi đứa trẻ. Người chưa lập gia đình, hoặc đã có gia đình nhưng chưa sinh con cũng không được nhận con nuôi.
 
Nói như các cao niên vùng cao, tập tục này chỉ nhằm “đối phó” với các loại ma quỷ, thậm chí là ma nhà. Khi đã “xong việc ma”, tức là xong thủ tục, thì đứa trẻ đã là con nhà khác rồi, và thần linh không còn lý lẽ gì để làm khổ nó và gia đình nữa. Từ đó, mọi thành viên trong gia đình sẽ được khỏe mạnh. 
 
Mọi chuyện chưa phải đã xong xuôi. Khi đã kết nghĩa là cha con, người cha nuôi phải có nghĩa vụ dạy bảo đứa trẻ như cha mẹ đẻ, phải tham gia những ngày lễ quan trọng như gọi vía, lễ cưới sau này của đứa trẻ. Vào ngày tết, đứa trẻ phải đi tết cha mẹ nuôi bằng một mâm cơm giống như mâm cúng tổ tiên. Lễ vật gồm có 1 cặp bánh chưng, thịt lợn, rượu… Mối nghĩa tình này cũng như trách niệm của đứa con với cha mẹ nuôi chỉ kết thúc khi họ về với tổ tiên. Như vậy, có thể nói tục kết nghĩa cha con này không chỉ để “đánh lừa” ma quỷ, nó còn tạo mối gắn kết thực sự giữa “cha” và “con” nuôi, mặc dù trên danh nghĩa.
 
Cụ bà Vi Thị Chiến, 88 tuổi (bản Trung Đình - Chi Khê - Con Cuông), nhớ lại tuổi thơ của mình... Ngày ấy, vùng này gọi là Mường Chai. Bà sinh ra ốm yếu, thầy mo bảo bà phải mang đi cho nhà khác làm con nuôi. Bên họ ngoại của bà ngày ấy là người đứng đầu mường gọi là ông “chằm” Huyên. Gia đình cụ Chiến và ông chủ mường ngày ấy vốn là họ hàng xa nhưng họ vẫn nhiệt tình nhận lấy bà làm con nuôi. Tất nhiên, chỉ là trên danh nghĩa. Ngày ấy, chủ mường và dân bản vốn rất thân thiết. Họ làm quan mà lại rất thân thiện với người dân. Cụ cho biết những người được đem đi “cho” nhà khác rồi thường sẽ khỏe mạnh trở lại, không còn đau yếu nữa. Giải thích về điều này, cụ cho biết có thể do tinh thần của đứa trẻ đã được ổn được ổn định sau khi thành “con nuôi”.
 
Cũng như những cộng đồng khác, người Thái cũng có tục nhận con nuôi như người Kinh và các cộng đồng khác. Đây không phải chuyện để “lừa” ma như trường hợp nói trên. Những gia đình thực sự hiếm muộn, sẽ xin một đứa con nuôi, thường là con của một người trong dòng họ. Cũng có trường hợp nhận con nuôi như người miền xuôi, nghĩa là không hẳn cứ phải có quan hệ họ hàng. Đứa trẻ sẽ ở trong gia đình với cha mẹ nuôi, không chỉ trên danh nghĩa như đã nói ở phần trên.
 
Về thủ tục, trong ngày lễ nhận con nuôi, ngoài lễ cúng để “ma nhà” công nhận thành viên mới của gia đình, cha mẹ nhận nuôi phải công bố trước họ hàng cũng như cha mẹ đẻ của đứa trẻ về sự kiện này. Vì đứa trẻ sẽ ăn đời ở kiếp với gia đình, nên cha mẹ nuôi còn phải công bố số tài sản cha mẹ nuôi cho đứa trẻ. Ngoài ra, trách nhiệm của đứa trẻ về sau đối với gia đinh mới cũng được nói rõ. Trong lễ nhận con nuôi này, đôi khi đứa trẻ sẽ được đặt cho cái tên mới, thủ tục như lễ đặt tên (óc khọ) của người Thái. Có một cái tên trước đây thường được dùng cho những người con nuôi là Xự (hoặc Sự - tức con mua). Về sau, vì ý nghĩa phân biệt đối xử của cái tên này giữa con nuôi và con đẻ, các cộng đồng dần bỏ cái tên này. Về các cộng đồng Thái ngày nay, người ta dùng những cái tên hoa mỹ mang yêu tố Hán, thậm chí là yếu tố Hàn Quốc để đặt cho con cái. Cái tên Xự (Sự) hay May có thể dần dà đi vào quá vãng?!
 
Ở cộng đồng Khơ mú, cũng có những cái tên như May, Hai, Xự... như người Thái. Và tục cho và nhận con nuôi trong cộng đồng này, cũng có những nét tương tự người Thái. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi người Thái và Khơ mú đều ở nhà sàn và có nhiều quan niệm tương đồng nhau. Tại nhiều làng bản, 2 cộng đồng này sống xen kẽ với nhau, việc ảnh hưởng qua lại giữa các nét văn hóa cũng là điều dễ hiểu.
 
Hữu Vi