(Baonghean.vn) - Tưởng như điều nói ấy sẽ thừa; bởi ở đâu mà không có vườn nhà. Nhưng vườn nhà trung du khác đấy! Ít nhất là ở miệt trung du Thanh Chương quê tôi. Ví như, nói đến Thanh Chương là nói đến đặc sản nhút mít. Nói đến vùng nguyên liệu chè Nghệ An là phải kể đến “thủ phủ” chè xanh Thanh Chương. Mà, nói đến vườn chè, sao không nói đến vườn tro (một loài cọ) nhỉ?

images1013951___i_ch__ng_c_l_m__thanh_chuong___nh_cao___ng.jpgĐồi chè Ngọc Lâm (Thanh Chương). Ảnh: Cao Đông

Vườn nhà trung du Thanh Chương “giàu” nắng gió với cữ hè này miên man gió Lào, đông Trường Sơn hun hút khí nóng; đất mấy tầng có sỏi đá, có bzan chia sẻ cái khắc nghiệt cùng người quê cần cù, lam lũ. Những mít, chè, tro ấy là những loài cây chịu nắng, thân thiết trong vườn nhà trung du quê tôi tự bao giờ, vừa giữ cái khí ẩm cho những đời cây, đời người kế tiếp sinh sôi. Chợt nhớ tựa đề ca khúc của nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn “Trung du miền quê em” viết về trung du phía Bắc; ca từ lai láng trữ tình ấy vận vào trung du quê tôi là ẩn đi những nhọc nhằn, vật lộn với thiên nhiên để hát lên khát vọng xanh sự sống. Vườn nhà trung du thuở đời bần dân sống trong chế độ phong kiến, thì sự nẩy lộc, đơm hoa kết trái của của mít, của tro, chè xanh đã gắn bó, mật thiết với mưu sinh hàng ngày rồi! Trái mít chín, bó chè xanh hay mớ quả tro mỗi sáng mẹ tôi tất tả về chợ quê, sẽ là những kim chỉ, dầu đèn, muối gạo, sách vở học hành… cho lũ con đông đúc. 

Và đâu chỉ có thế! Ấm chè xanh vườn nhà hãm mới là nơi để hàng xóm láng giềng quây quần thâm tình chuyện nông trang, nhắc nhớ đạo lý sống dân quê bao đời thuần hậu trong lũy tre làng. Ngả trái mít chín thơm mời khách quý, rồi hạt mít phơi khô thành lương thực ăn dè bù cái đói ngày Ba, tháng Tám, xơ mít dưới bàn tay tảo tần của người mẹ thành món nhút mà từ thức ăn kẻ nghèo nhà quê nay đã trở thành đặc sản trung  du trên những bàn tiệc phố phường. Và quả tro, cứ vào giữa tháng Tám âm lịch hàng năm, được hái xuống đem chà sạch vỏ rồi đem om hoặc muối để ăn dần. Những thức ấy từ cây lá vườn nhà mà mỗi lần đi xa hoài niệm lại nhớ thương đến thắt lòng, như một người con Thanh Chương đi xa từng viết “mộc mạc, dân dã nhưng chứa đầy tình cảm của người mẹ dành cho gia đình và con cái…”. 
 
Những kỳ lũ trẻ chúng tôi nghỉ hè, vườn nhà trung du râm ran tiếng ve. Nhựa mít gắn đầu cần tre là để bắt ve, đôi khi bẫy cả con sẻ sẻ. “Cọ (tro) xòe ô che nắng”, dưới bóng cây tro tốt vượt mái nhà, là nơi chúng tôi ngả giấc trưa, mơ màng về tuổi hoa niên đẹp đẽ. Vườn chè sóng sánh đêm trăng mẹ tranh thủ cắt hái cho gánh tảo tần sớm mai buổi chợ. Tiếng cười con trẻ đuổi bắt nhau loang trên vườn chè giục mẹ nhanh tay… Mỗi khi xa làng rồi về lại, từ tít đầu con đê dày vệ cỏ may mềm, đã nhận ra vườn nhà mình nhờ tán mít, tàu tro thân thiết. Cây cũng như người, biết lưu luyến tiễn đưa, biết vẫy gọi ta trở về…    
 
Quê hương đổi thay mấy bận. Tường bao xây mới thay cho những bìa rậm, khóm tre xanh. Vườn nhà lồ lộ lên nhà xây mái ngói có cả cao tầng, thưa dần bóng tro, bóng mít, không ít người tha hương chợt nhớ bầu không khí tình quê tối lửa tắt đèn quây quần bên ấm chè xanh vườn nhà thơm ngát, để gắng sống tốt lên nhằm báo đáp ơn quê nơi có mẹ cha, anh em, bạn hữu láng giềng. Và rồi, khi một ngày đi xa biền biệt mưu sinh về lại, bước vào con ngõ giữa vườn nhà mình xưa, rưng rưng nhớ mẹ cha đã khuất, chợt lại được an ủi phần nào khi nơi góc vườn vẫn có cây mít ngọt buông quả, có tán tro dường như đang ứ nhựa vươn cao; đến khi người thân kịp om ấm chè xanh mới, cất tiếng quê mời láng giềng có người là bạn bắt ve, bẫy sẻ xưa sang uống mừng đón ta trở về, thì nước mắt ta đã ròng trên má – dòng nước mắt xúc động, hạnh phúc như của tuổi thơ ta. Ấy là tôi đã có những khoảnh khắc hạnh phúc như thế, khi trở về với những hình bóng cảnh sắc thân thuộc của vườn nhà Thanh Chương trung du của tôi!
 
Anh Vũ