(Baonghean) - Tốc độ xây dựng mặt phố dường như không kịp với những dịch vụ bán mua được mở ra đáp ứng nhu cầu của dân cư đông đúc, nên dẫu vẫn còn nhiều quãng trống vẻ “hoang hóa”, thì đường Đốc Thiết (TP. Vinh) vẫn “lấp đầy” cảm giác về một con phố đông vui…
Mấy mươi năm về trước, đường Đốc Thiết (TP. Vinh) đang là một lối xóm xuyên khu dân cư “gốc” của phường Hưng Bình chủ yếu làm nông nghiệp và các nghề lao động phổ thông khác. Con đường vốn là lối đi cát dày bụi bặm về mùa hè và lầy lội về mùa mưa rét ấy, gắn bó với những lam lũ của đại bộ phận cư dân trú trong những ngôi nhà ngói lè tè giữa những khu vườn rộng, cây cối um tùm rủ bóng những ao chuôm. Từ khi đường được nâng cấp mở rộng, người có tiền về mua đất mặt phố xây nhà, thì kiến thiết đổi dạng nhanh chóng.
Đường Đốc Thiết dài khoảng một cây số, nối đường Lê Lợi với đường Nguyễn Văn Cừ. Phố vừa có cái vẻ cũ càng của một tuyến giao thông nội đô sớm hình thành gắn với tuổi phố, lại vừa tươi mới bởi những kiến trúc nhà dân hiện đại, sang trọng cùng các kiến thiết cho dịch vụ nhỏ đến các khách sạn, nhà hàng lớn thi nhau mọc lên trong thời gian gần đây. Nhịp mua bán mặt phố nhanh chóng được lan tỏa từ hai con phố dịch vụ lớn là Lê Lợi và Nguyễn Văn Cừ vào hai đầu đường, tạo nên sự đa dạng phong phú của các loại hình kinh doanh đang tạm nếp phố chợ.
Đến đường Đốc Thiết, có thể dễ dàng tìm mua bất cứ món hàng tiêu dùng nào từ lọ nước mắm, gói dầu gội đầu, viên thuốc tây đến chai rượu ngoại đắt tiền và các sản phẩm điện lạnh cao cấp, phần mềm công nghệ thông tin với các nhãn hiệu uy tín, dù không gian các dịch vụ ấy mở ra không lớn, đôi khi chỉ khiêm nhường kín đáo trong nhà ở của dân cư. Ở đây còn có 2 điểm thu mua sắt thép phế liệu lớn, nhưng vẫn không có sự nhộm nhoạm thường thấy và dần trở thành điểm chợ mua bán những động cơ xe, máy cũ siêu trọng.
Kiến trúc nhà dân mặt phố hứa hẹn để đường Đốc Thiết trong tương lai sẽ là một tuyến phố dáng dấp hiện đại nhưng chỉn chu, bề thế nhưng không hào nhoáng; và có lẽ các dịch vụ nhỏ sẽ dần lùi vào các ngõ phố nhường chỗ cho những không gian trang nhã của những shop, restaurant... phong cách văn minh. Nói thế, bởi bên cạnh những biệt thự đơn độc mọc lên trước đây với kiến trúc độc đáo nay đã kịp phủ kín những thảo mộc, rêu phong nhân tạo, là những vi-la mới kèm dịch vụ không những không phá vỡ nhịp điệu phố cũ mà còn tôn lên giá trị “dẫn dắt” sức phát triển có chọn lựa của đô thị trẻ.
Dân cư “gốc” ở đây phần nhiều lùi vào sau mặt phố, vốn chủ yếu là xã viên hợp tác xã dịch vụ - nông nghiệp trải mấy thời, không nhiễm sự hoang phí đổi đời nhờ bán đất đai như các nơi khác, mà thận trọng bắt nhịp phát triển mới trong sinh kế. Ông xích lô lên đời công nông cải hoán, bà hàng rau bỏ tiền mua ốt chợ kinh doanh... và nhất là biết đầu tư cho con cái học hành đi ra thành đạt, hay chọn nghề làm ăn ổn định nhờ phát huy được truyền thống cần cù. Bởi thế, nếp sống phố không có sự bức bối nhiều tệ nạn xã hội tiềm ẩn như nhiều vùng dân “gốc” khác, nên là một sức hút lớn cho người nơi khác về đây mở mang dịch vụ làm ăn, vừa cộng hưởng được vào đó nét văn hóa đa dạng, vừa tạo hướng mở thuận lợi để phố chọn lọc, tiếp thụ những tác động phát triển mới. Không ngạc nhiên, nhiều người phố cũ xa xứ nay thành đạt, gắng quay trở về mua lại đất định cư, thêm phần gắn bó trách nhiệm với phố. Lớp trẻ con cư dân “gốc” được đào tạo học hành bài bản, cơ hội xứ người không nhỏ, một số nay cũng về phố quen để làm ăn tạo dựng cuộc sống. Mỗi cụm dân cư, mỗi ngõ phố đều dù người mới, người cũ, dần vượt lên những vị kỷ, xa cách, đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa mới, ngõ phố văn minh. Đó là tình tương thân tương ái lúc “tối lửa tắt đèn”, tích cực đóng góp kiến thiết công trình công cộng.
Vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề giải phóng mặt bằng, quãng phố phía Đông đường Đốc Thiết chưa được hoàn thiện, dịch vụ mở ra có phần dè dặt hơn, nhưng vẫn nếp chỉn chu như thế. Và những “khoảng trống” ấy, có thể là điều kiện để sau này phố được kiến thiết hài hòa, tạo thêm những ấn tượng mới để trở thành một con phố mua bán hướng mục tiêu Thành phố Vinh xây dựng trở thành một trọng điểm du lịch của tỉnh. Đó sẽ là những khách sạn nhỏ bên những siêu thị mi-ni, những dịch vụ giải trí như sân trượt patin, karaoke “thế hệ mới”... kèm với ẩm thực đêm. Cũng quãng phố này, dân cư hai bên sẽ được quy hoạch ô bàn cờ với những ngõ phố thoáng rộng xen giữa những dự án sinh thái hướng mục đích tạo thiên nhiên xanh giữa phố.
Ẩm thực phố của đường Đốc Thiết là một điều đáng kể. Nếu như phía Đông phố có nhà hàng các món gà sạch nổi tiếng, thì tiếp đó đầu phía Tây là hàng cháo lươn được coi là một trong những đại diện cho ẩm thực cháo lươn Vinh mà gần đây nhà hàng này được các liên hoan ẩm thực khu vực mời tham gia gian hàng quảng bá. Bây giờ, phố đã có thêm nhà hàng đặc sản vịt, chả nướng Hà Nội. Các hàng cháo lòng, lươn ốc ếch cũ cũng đổi mới không gian khang trang và cách chế biến dù vẫn phục vụ giá bình dân, tạo không gian ẩm thực cho khách ưa sự dân dã, thân tình. Các bà, các chị nhà hàng cũ ấy, cứ dăm bảy năm gặp lại, dường như thấy họ không già, vẫn nhớ tên thuộc tính mỗi khách!
Mới hay, một nhịp phố phát triển hài hòa, không đánh mất đi nét bản sắc riêng nhưng vẫn hướng mạnh hiện đại và văn minh, không chỉ bắt đầu từ tầm nhìn quy hoạch, mà còn ở những âm thầm nhưng mãnh liệt một phong cách con người phố ấy, ở những âm hưởng cũ được nhân lên qua chọn lọc những điều tốt đẹp mới mẻ, ở ý thức xây dựng nên một tình nghĩa phố phường. Nhịp sống phố ở đường Đốc Thiết vì thế xứng đáng tầm phát triển của đô thị Vinh loại 1.
Đốc Thiết tên thật là Lang Văn Thiết, người dân tộc Thái, ở bản Chiềng, làng Gia Hội thuộc tổng Đồng Lạc xưa (nay thuộc xã Châu Hội, Quỳ Châu). Lang Văn Thiết từ nhỏ đã được người cha huấn luyện võ nghệ; lớn lên ông nổi tiếng về tài bắn cung, múa kiếm, được cậu ruột là quan Tri phủ Quỳ Châu giao chức Đốc binh nên thường được gọi là Đốc Thiết. Vào khoảng năm 1874, ở vùng đất Châu Kim (nay thuộc xã Châu Kim, huyện Quế Phong) xảy ra loạn giặc Xá. Đốc Thiết đã đứng ra tập hợp lực lượng, chỉ huy đội quân khoảng 1.000 người đuổi giặc ra khỏi ba tổng… Từ sau năm 1883, loạn giặc Xá được dẹp xong, Đốc Thiết có thêm kinh nghiệm chiến đấu, chuẩn bị tổ chức chống Pháp hưởng ứng phong trào Cần Vương những năm sau đó ở miền Tây Bắc Nghệ An. Sau khi lập nhiều chiến công, vào năm 1897, Đốc Thiết bị địch vây đánh và ông đã bị thương. Do mất nhiều máu, Đốc Thiết hy sinh anh dũng ở tuổi 47. Nhân dân nhiều nơi đã lập đền miếu thờ ông. Cho đến nay, tên Đốc Thiết mới chỉ được đặt tên đường ở TP. Vinh. |
Đình Sâm