(Baonghean) - Quê mình vào mùa mưa rồi con ạ. Mẹ thao thức trằn trọc trên chiếc chõng tre, mấy lần trở dậy đội nón ra xem con gà mái vừa nhảy ổ đang gà gật ngủ ngon lành trong tiếng mưa lộp độp. Ánh sáng đèn điện mù mờ le lói hắt dài một bóng người lên vách nhà ẩm mùi hơi đất, khiến mẹ thảng thốt giật mình:
- Con, con đã về đấy ư?
Mẹ dang tay ra, bàng hoàng cay đắng khi bóng hình trên vách cũng dang tay, cũng còm cõi liêu xiêu như dáng mẹ. Nén hương trên bàn thờ vẫn lởn vởn khói mắt cay. Lần giở mấy lá thư con gửi về, hoá ra con đi đã lâu đến thế. Đọc thư con mẹ cứ ngỡ mới hôm nào ra đi con hẹn mẹ sớm về, mẹ vẫn mòn mỏi chờ mà ngày sum vầy nối dài mãi.
Ảnh minh họa
Bao năm rồi, biết có gặp được con? Con của mẹ đang ở đâu dưới muôn vàn nhành cây, bụi cỏ? Mẹ khăn gói đi qua những nẻo đường đạn bom xưa, những mong được áp trái tim với nhịp đập hấp hối của một linh hồn cằn cỗi lên nơi con mẹ đang nằm ngàn thu canh giữ từng viên đá nhỏ. Mẹ đi tìm con trong những nghĩa trang của trăm ngàn nấm mộ nghi ngút khói hương, mắt mẹ mờ mò mẫm đọc từng tấm bia, mặc kệ khói hương dâng lên cay nhoà nước mắt. Mỗi bước mẹ đi, cẩn thận, nhẹ nhàng, biết đâu dưới tầng đất đá kia con mẹ đang nằm - mẹ sợ con thức giấc. Những cái tên xa lạ của những linh hồn trẻ măng như đồng cảm với trái tim già bơ vơ, lạc nhịp, cũng tha thiết hỏi mẹ: “Có phải mẹ đi tìm chúng con không? Bao nhiêu người mẹ đến đây, bao người thổn thức ôm lấy nấm mồ xanh; bao người lầm lũi, cay đắng , mỏi mòn. Chúng con nằm xuống rồi mà sao đất nước vẫn chưa ngớt thương đau?”. Thương đau, có lẽ sẽ mãi quẩn quanh nơi khoé mắt của những lớp người như mẹ cho đến khi hoá bóng ma day dứt, tủi hờn mà vương vấn mãi thiên thu.
Con ạ, mẹ đã già rồi, đôi chân mẹ không còn bước lần được theo dấu chân con nối liền hai miền Tổ quốc nữa. Người ta gọi con mẹ là liệt sĩ vô danh, khiến lòng mẹ đau đến chết lặng. Sinh ra con, đặt cho con cái tên - mẹ đặt vào tất cả yêu thương và hi vọng. Mỗi lần gọi tên con là mẹ biết mình đã gieo vào đời một mầm sống tươi xanh, là mẹ biết rằng mình không lẻ loi khi nhìn vào đôi mắt sáng con thừa hưởng từ người cha cũng hi sinh vì bom đạn. Thế mà nay còn mình mẹ trên đời, mẹ không dám nghĩ đến cảnh tuổi già có khi nào khiến mẹ quên đi những cái tên, những con người. Liệu có khi nào mẹ cũng như bao người, lãng quên mà gọi con bằng cái danh xưng mơ hồ, lạnh lẽo? “Liệt sĩ vô danh”, nghe xa lạ đến quặn lòng, nên mẹ đọc đến thuộc nằm lòng những lá thư con, lì lợm ôm nỗi tang thương mà người ta cố quên đi để sống, vì mẹ sợ rằng rồi đây vết thương lành, mẹ sẽ quên mất tên con!
Con ở đâu, ở đâu, mẹ tìm con bạc cả mái đầu, đục ngầu đôi mắt! Tháng Bảy lại đến, lại đi, mẹ ngẩn ngơ nhìn tàn hương trên bàn thờ con - không còn nước mắt để rơi, những lá thư mực nhoè chẳng ai đọc được. Đất nước hoà bình rồi mà lòng mẹ đau, rạn vỡ. Mẹ như cây khô trơ trọi giữa dòng suối mát lành. Linh hồn héo hon của mẹ chỉ khẩn cầu với núi sông Tổ quốc một điều: Nếu không trả con mẹ về thì xin hãy ấp ôm con đến thiên thu vĩnh cửu. Hãy để da thịt con được làm những con đường ngang dọc, để dòng máu con hoà vào suối sông chảy khắp, để tấm thẻ bài khắc tên con hoá cột mốc hiên ngang một chiều biên giới, ghi tên vào sử sách ngàn đời. Và linh hồn con, xin hãy hoá chim trời để đậu bên hiên nhà hát cho mẹ nghe những bài ca về Tổ quốc!