(Baonghean) - Sau lễ đón Bằng công nhận Di tích Lịch sử nhà thờ Tô Bá Ngọc, liệt sỹ của phong trào Cần Vương, tôi tìm về vùng chợ Rộc, xã Trung Thành (Yên Thành) gặp những nghệ nhân tham gia đội văn nghệ  trong  vở tuồng “Tô Bá Ngọc” nổi tiếng một thời. Trong số hơn 10 người dựng vở “Tô Bá Ngọc”, chỉ còn lại nghệ nhân Hoàng Thị Thìn còn minh mẫn. Nhà mẹ Thìn nằm cạnh Bàu Rộc. Mẹ năm nay đã gần 90 tuổi, tai hơi nghễnh ngãng nhưng trí nhớ còn thông tuệ.

images1126448_me_hoang_thi_thin_co_3_con_liet_sy_o_xa_trung_thanh.jpgMẹ Hoàng Thị Thìn. Ảnh: Hồ Các
 
 
Mẹ kể, khi mẹ lớn lên đã thấy phường tuồng chợ Rộc. Vốn đam mê văn nghệ, lại hát hay, múa dẻo, mẹ được thầy Cao Đình Hùng cho đóng các vai phụ. Dần dần mẹ được các nghệ nhân trong đội tuồng dẫn dắt, đóng các vai đào thương, đào lịch. Hồi ấy đội văn nghệ phường chợ Rộc diễn cả tuồng, cả chèo. Mẹ và các nghệ nhân từng được đi dự các buổi liên hoan, hội diễn ở huyện. Đội văn nghệ Trung Thành đang hoạt động sôi nổi thì không may vợ thầy Hùng - kép chính của đội bị bệnh qua đời phải sống cảnh gà trống nuôi con. Đội văn nghệ Trung Thành đứng trước nguy cơ tan vỡ vì không có người cầm trịch. Một số bạn diễn động viên mẹ chắp nối với thầy Hùng. Lúc đầu nghĩ mình là gái chưa chồng, sợ không gánh nổi vai người mẹ, người vợ nhưng rồi nhờ anh em gia đình hai bên vun vào, mẹ về ở với cha con thầy Hùng, giúp thầy nuôi người con trai 2 tuổi. Đội văn nghệ Trung Thành có người chèo lái, dẫn dắt tiếp tục dựng vở phục vụ bà con. Hai vợ chồng mẹ có với nhau 9 người con, cả con riêng, con chung đến 10 người. Thời bao cấp, qua chiến tranh trận mạc, nhà đông con cái đói nghèo kéo dài từ năm này qua năm khác, vậy mà cả nhà mẹ đều lần lượt tham gia đội văn nghệ xã, có những vở tuồng, chèo, cha mẹ đóng vai chính, con đóng vai phụ, có vở diễn mẹ ra sân khấu con đứng sau cánh gà nhắc vở.
 
Đến thời kỳ hợp tác hóa, đội văn nghệ xã Trung Thành tập hợp khá đông diễn viên, được đầu tư đèn măng sông, được sắm sửa phông màn, quần áo. Cả mấy đứa con đều theo nghiệp cha mẹ, vừa cày ruộng, vừa lên rú chặt củi, vừa gắn bó với phong trào văn nghệ . Rồi chiến tranh xẩy ra, các con của mẹ lần lượt lên đường bảo vệ Tổ quốc. Anh con đầu Cao Đình Hữu nhập ngũ năm 1971; con trai thứ hai Cao Đình Cựu vào chiến trường khu 5, gia nhập văn công giải phóng khu V, hy sinh ngày 29/5/1971 khi đang biểu diễn phục vụ bộ đội. Tiếp đó chị Cao Thị Cưu đi thanh niên xung phong, phục vụ ở chiến trường Quảng Trị. Anh Cao Đình Liên, đi B năm 1974, cũng vào chiến trường khu V gia nhập văn công giải phóng khu V, sau năm 1975 ở lại Quảng Nam phục vụ đoàn tuồng khu V, trở thành Nghệ sỹ Ưu tú. Con dâu mẹ, NSND Nguyễn Thị Thu Nhàn cũng là đồng đội cũ của Cao Đình Liên, nay cả hai vợ chồng là kép chính của Đoàn tuồng Nguyễn Hiễn Dĩnh (Đà Nẵng). Con trai thứ 6 của mẹ là anh Cao Đình Lợi, sau 1975 đi bộ đội vào chiến trường Tây Nguyên đánh giặc Phun-rô, bị thương nặng. Con gái thứ 7 của mẹ  Cao Thị Lý ở lại Nghệ An, theo chị Song Thao gia nhập Đoàn Văn công Nghệ An, thường sắm vai bà Hoàng Thị Loan. Con trai thứ 9 là Cao Đình Lương, khi đó học lớp 11, trúng tuyển vào Đoàn Văn công Nghệ An, đang chuẩn bị khăn gói gia nhập đoàn thì có lệnh gọi nhập ngũ. Anh Lương vào bộ đội Hải quân, được điều ra bảo vệ đảo Gạc Ma. Sau mấy tháng ra đảo, Lương có gửi về cho mẹ mấy bức ảnh, trong đó có ảnh Lương đang gảy đàn hát cho đồng đội nghe. Bao hy vọng mẹ dồn vào người con trai út, hát hay, đàn giỏi, đẹp trai, nào ngờ trong cuộc chiến đấu không cân sức với bọn xâm lược năm 1978, Cao Đình Lương đã anh dũng hy sinh tại đảo thiêng Gạc Ma.
Anh Cao Đình Lương (bên trái) và đồng đội tại đảo Gạc Ma (Quần đảo Trường Sa)
 
Mẹ bảo, đời mẹ đã trải qua nhiều chuyện vui, chuyện buồn. 7 lần tiễn 7 người con ra mặt trận; 2 người hy sinh ở chiến trường, 3 người là thương binh, nỗi đau chồng chất, có những lúc tưởng chừng như mẹ không gượng dậy được. Nhờ sự động viên của gia đình và bà con xóm giềng mẹ vững tâm cùng chồng nuôi dạy con cháu lần lượt trưởng thành. Dòng máu nghệ sỹ luôn thôi thúc mẹ lên sân khấu, tiếp tục hát Dân ca ví, giặm, diễn tuồng, chèo. 80 xuân, mẹ không còn hát ở nơi đông người nhưng khi có khách đến chơi, nhắc đến vai diễn trong các vở “Trưng Nữ Vương”, “Tống Trân Cúc Hoa”, nhắc đến Hoàng Thị Thìn, người từng làm say đắm thổn thức bao khán giả, từng làm nghiêng ngả sân đình, mẹ lại hào hứng hát mấy câu trong các bài: “Trông cây lại nhớ đến người”, “Phụ tử tình thâm”… Giọng mẹ đã khàn, tay mẹ rung rung nhưng ánh mắt lấp lánh niềm vui.
 
Ngày cuối năm tôi về thăm mẹ, nhìn mái tóc mẹ bạc phơ, vừa phúc hậu vừa điềm tĩnh của mẹ, nhìn những nếp nhăn trên vầng trán mẹ, tôi nghĩ đến hình ảnh của người mẹ Việt Nam trên các tượng đài dọc dài đất nước và trong những mái nhà ấm áp bình dị. Chia tay mẹ ra về, lòng vẫn bịn rịn những câu ca mẹ hát: “Rừng bao nhiêu cây mọc tôi lại ơn Người bấy nhiêu”.
 
Ngô Đức Tiến