(Baonghean) - Theo Quốc lộ 46, hành trình về những miền quê gắn với câu ca “Khi mô cho hết truông Dùng / Cho qua truông Rạng cho cùng truông Si”, du khách hãy ghé thăm làng Hạ, xã Thanh Đồng (Thanh Chương) bên tả ngạn sông Lam – một vùng quê non nước hữu tình, với những công trình cổ kính…
Sông Lam uốn lượn qua những bãi phù sa, ôm lấy mặt trước của làng. Phía sau là núi Bạc, núi Đền, núi Mửa, ruộng đồng, làng xóm đan xen, nương tựa vào nhau. Làng Hạ có lịch sử lâu đời, ngày trước còn gọi là Ngưu Tử. Chẳng rõ làng có tự bao giờ, chỉ biết từ thời nhà Mạc (thế kỷ XV) tổ tiên của dòng họ Nguyễn Hữu về đây lập nghiệp, đã có làng rồi.
Tại núi Chùa, bên bờ sông Lam, xưa kia là nơi tọa lạc của cả đền, đình và chùa, tạo nên một quần thể di tích, vừa đẹp về phong cảnh, vừa giữ vị trí linh thiêng trong đời sống tinh thần của người dân. Ngay chân núi, dưới bóng cây cổ thụ, là đền Bà Chúa, do dân lập nên từ mấy thế kỷ trước để thờ Tam toà Thánh Mẫu (chúa Liễu Hạnh, chúa Thượng Ngàn, Mẫu Thoải), Cao Sơn – Cao Các và Lê Quý Công. Đền có kiến trúc đăng đối, hài hoà, gồm cổng tứ trụ, hạ, trung, thượng điện, tả vu, hữu vu; là một trong những ngôi đền đẹp nhất xứ Nghệ. Đền Bà Chúa là nơi thành lập Ủy ban khởi nghĩa địa phương (7/1945); nơi sản xuất vũ khí của xưởng quân khí Quân khu IV (1947); nơi trường Quân chính Trung ương về đóng quân và huấn luyện (1953 -1954); nơi tập trung, cất giấu lương thực, vũ khí, đạn dược trên đường vận chuyển vào chiến trường miền Nam (1965 – 1966)… Hiện nay, đền Bà Chúa là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh; Lễ hội đền Bà Chúa được tổ chức hàng năm vào tháng 3 âm lịch.
Trên đỉnh núi Chùa, ngay sau đền Bà Chúa, là ngôi chùa cổ Ngưu Tử. Theo cụ Nguyễn Chí Tùng (93 tuổi) – cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, thì chùa Ngưu Tử có cổng to đẹp, hướng ra sông Lam; hạ điện 3 gian, bên phải, bên trái, mỗi bên đặt một bộ phản; thượng điện thờ 5 tượng phật… Sau hơn nửa thế kỷ, dấu tích chùa xưa chỉ còn lại những tảng đá kê chân cột, im lìm trong vạt cỏ; tháng 10/2014 chùa Ngưu Tử đã được khởi công khôi phục trên nền điện cũ.
Cạnh chùa Ngưu Tử là đình làng Hạ, cổng đình hướng về đền Cả giữa làng. Đình xưa bề thế: nhà thượng 2 gian, đặt 3 hương án; nhà hạ 5 gian, 24 cột, lát gạch, tường bao, lợp ngói âm dương. Bên trong đình, trên các vì kèo được chạm trổ, điêu khắc, nhẹ nhàng, thanh thoát. Xưa kia, đình có đủ trống, chiêng, võng lọng, long đao... Mỗi năm, tại đình, thường cúng tế 2 – 3 lần, cầu mong sức khoẻ, mùa màng tươi tốt. Theo các cụ cao niên trong làng, những ngày cách mạng, dân làng đã tập trung tại đình trước khi đi cướp chính quyền, sau đó, đình trở thành trường học trong phong trào “bình dân học vụ”. Mấy chục năm qua, đình làng không còn trên vị trí xưa, nhà thượng đã bị hư hỏng, nhà hạ từng được đưa về làm hội trường của xã, nay nằm trong khuôn viên của UBND xã Thanh Đồng.
Ở núi Đền, vẫn còn đó dấu tích đền Cả với những bức tường và trụ biểu rêu phong. Theo người già ở làng, xưa kia đền Cả uy linh lắm, có cổng tam quan, tượng voi chầu, ngựa hí, lính canh, 2 ngôi điện thường xuyên có người hương khói. Những năm Pháp thất thế, quân Nhật trên đường ngược Rạng vẫn ghé vào đây chiêm ngưỡng cảnh đền. Những người tham gia cách mạng, trong làng, trong tổng, cũng từng về đây hội họp, bàn bạc kế hoạch đấu tranh… Làng Hạ là nơi “đất lành”, nhiều dòng họ về sinh cơ lập nghiệp: Nguyễn Doãn, Nguyễn Đình, Trần Văn… Dòng họ Nguyễn Hữu nổi tiếng trong làng với 2 người con: Nguyễn Hữu Giai từng học Trường Quốc Tử Giám được bổ làm tri phủ Gia Viễn - Ninh Bình và Nguyễn Hữu Xưng (thời Nguyễn) từng là người đậu đạt, nhưng từ chối quan trường để về quê dạy học. Ông sống cuộc đời thanh bạch, có nhiều học trò và được dân làng nể trọng.
Ven làng, có cây đa hàng trăm năm tuổi, gốc xù xì bằng mấy người ôm. Trong cách mạng tháng Tám, người dân Đại Đồng đã tập trung dưới gốc đa này, trước lúc kéo về huyện đường Thanh Chương để cướp chính quyền. Khi thị trấn Dùng thành lập (1984), một phần đất đai của làng Hạ xưa, đã thuộc về thị trấn. Cây đa làng Hạ, qua bao mưa nắng, vẫn sum suê, tươi tốt, là chứng tích của bao sự đổi thay trên mảnh đất này. Từ cây đa, nhìn ra bờ sông là chợ Dùng xưa với bến Nhót tấp nập thuyền bè qua lại. Trên chợ, Pháp xây một ngôi đình to và những dãy nhà “muống” cho người buôn bán. Chợ Dùng là 1 trong 5 chợ lớn, có lịch sử lâu đời và nổi tiếng của Thanh Chương (Dùng, Phuống, Chùa, Rạng, Rộ). Mỗi tháng 6 phiên, người dân Đại Đồng và các vùng lân cận, kể cả Nam Đàn, Đô Lương… lại đưa sản vật muôn phương, về đây trao đổi, giao lưu. Qua mấy lần di chuyển, chợ đã dời về phía giữa làng. Chợ Dùng không chỉ là trung tâm buôn bán, mà còn là nơi gắn liền với bao ký ức vui buồn của những người con làng Hạ.
Trên vùng quê đang từng ngày hoá phố, vẫn còn đó những không gian yên bình, tĩnh lặng của cây đa, bến nước, sân đình. Về làng Hạ, thăm đền Bà Chúa, đi chùa Ngưu Tử… du khách sẽ được thưởng lãm cảnh sắc Lam giang. Nét duyên xưa đậm hồn quê Việt, làm sao không lưu luyến lòng người!
Bài, ảnh: Huy Thư