(Baonghean) - Mưa rồi nắng xôn xao lên tiết trời nghiêng về quãng lập xuân, khiến lòng có được thứ cảm giác yên vui trải dài suốt con đường nông thôn mới. Cữ này, về Thanh Chi, thấy ấm áp trong tình làng, nghĩa xóm thuần nông bình dị, và hun hút mạch sử làng như một khúc tráng ca...

Mỗi lần về xã nhỏ anh hùng, tôi lại tìm đến gặp cụ bà Lê Thị Khóa- năm nay đã gần lắm với cái đốt bách niên. Tuổi tác và sự minh mẫn dường như đã giúp cụ trở thành người thạo sử làng, và bao năm nay, hầu như đoàn khách xa nào về thăm làng xã cũng đều xin ghé cụ để tham vấn. Cụ Lê Thị Khóa lập cập chống chiếc gậy trúc đã ngả bóng nâu, ngồi tiếp chuyện chúng tôi bên cữ trà tàu cuối ngày. Người già thường nuối chuyện xưa, và chuyện nào đi nữa, thì với cụ Khóa, vẫn quay về với những sự kiện son sắt trong cuộc đời. “Năm 1930, tui lúc đó mới hơn 10 tuổi. Làng xóm nghèo lắm nhưng bà con đoàn kết, bảo vệ nhau. Tối tối, men theo mấy con hói là “người của ta” lần tìm về, vào nhà dân ăn cơm, nghỉ ngơi, nói chuyện bí mật. Sau đó ít lâu thì nghe người lớn thì thào nói, đã thành lập Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam rồi”- cụ Lê Thị Khóa nối dòng ký ức.
images1127725_anh_tr_n___c_khi_ng_cham_s_c_m__ph_n_trong_nghia_trang..jpgAnh Trần Đức Khiếng chăm sóc mộ phần trong nghĩa trang.
 
Chuyện cụ kể, tôi có đọc được trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ, nhân dân xã Thanh Chi, 1930- 2010”. Sử chép: Sau thời gian các cán bộ huyện ủy về nắm tình hình và bắt mối liên lạc, tiến hành tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng, ngày 9/6/1930, chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở Thanh Chi. Nhà thờ cụ Cố San, xóm Liên Trì được chọn làm nơi diễn ra lễ thành lập và kết nạp 5 đảng viên đầu tiên... Mấy tháng sau đó, các kỳ sinh hoạt chi bộ lần lượt kết nạp thêm 7 đảng viên mới. Như vậy, năm 1930, Chi bộ ở Thanh Chi có 12 đảng viên. Dấu ấn hoạt động, lãnh đạo phong trào của chi bộ đầu tiên này rất rõ nét trong các mốc son đấu tranh, phát triển trên địa bàn xã Thanh Chi, được người dân phấn khởi đón nhận. Tuy nhiên, không lâu sau đó, có một sự kiện bi hùng diễn ra, đánh dấu sự thay đổi trong phương thức đấu tranh cách mạng quy mô của nhân dân xã nhà.
 
Về sự kiện bi hùng ấy, xin ghi lại đây những ký ức chân thực và quý giá của cụ bà Lê Thị Khóa: “Tui nhớ là ngày 6/10 nả. Sáng nớ, tui đi ra bến Rộ để tắm chơ mà mô có nước, năm nớ đại hạn. Đang đi thì đoàn ta đến (đoàn biểu tình) cuốn tui đi luôn. Ở trên hắn nhủ dân sắp hàng đôi lại để quân lính hiệu thị. Nỏ hay chơ sắp hàng đôi xong hắn lấy súng hắn quây bắn luôn. Ngày nớ chết vô kể, chết từ đoạn Cồn Gãy ra đến cửa Đình, người lủi dưới hói nhiều...”.
 
Chắp nối dòng ký ức của cụ Lê Thị Khóa và gắn kết với sự kiện ngày 6/10/1930 đã được lưu giữ trong “Lịch sử Đảng bộ nhân dân xã Thanh Chi, 1930- 2010”, tôi xin mạo muội và nôm na ghi lại đây sự kiện bi hùng vẫn còn tạc trong trí nhớ của bao thế hệ người dân xã Thanh Chi như một điều không thể lãng quên: Sự việc xuất phát điểm từ xóm Bàu, làng Ngọc Lâm. Rạng sáng ngày 15/8 năm Canh Ngọ, tức ngày 6/10/1930 Dương lịch, bọn lính lê dương ở đồn Thanh Quả lùng sục vào xóm Bàu, kéo vào nhà ông Nguyễn Viết Mân, bắt ông và cướp đi một số tài sản. Tiếng trống, tiếng mõ báo động vang lên, cả làng tập trung tại nhà ông Mân bao vây bọn lính. Không lâu sau, nhờ uy hiếp vũ khí, bọn lính đã phá vòng vây, trắng trợn bắt ông Nguyễn Viết Mân đi trong sự phẫn nộ của đông đảo nhân dân các làng Ngọc Lâm, Thanh Quả, Chi Nê...
 
Từ sự kiện này, nhân dân các tổng Võ Liệt, Bích Hào, Cát Ngạn như được nhen lên ngọn lửa căm thù, yêu nước, dưới sự dẫn dắt của Chi bộ Đảng Cộng sản và lực lượng tự vệ đỏ, hàng ngàn người dân đã dấy nên một cuộc biểu tình, phản đối hành động ngang ngược của bọn lính và đưa ra một số yêu cầu với bọn cai đồn Thanh Quả. Cũng từ đây, bọn lính nảy ra âm mưu, vận động đoàn biểu tình dừng lại ở phía cầu Ô Rô để nghe quan lớn hiệu thị. Khi tiếng la hét đã lắng xuống, từ trên núi, bọn lính dùng súng cối xay xả xuống dồn dập, đàn áp đẫm máu đoàn người biểu tình. Buổi sáng ngày 6/10/1930 ấy, 142 người đã vĩnh viễn nằm xuống, trong đó có 32 người con của xã Thanh Chi.
 
Cuộc biểu tình quy mô này, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng đánh dấu bước chuyển đấu tranh đầu tiên ở Thanh Chi, được xem là sự kiện tạo nên “hòn than” âm ỉ bùng lên ngọn lửa cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931 sau này. Cụ bà Lê Thị Khóa là nhân chứng hiếm hoi còn sống sau cái ngày 6/10 định mệnh của 85 năm về trước. Thời gian, tuổi tác, gánh nặng mưu sinh làm nhạt phai đi nhiều thứ trong tâm trí cụ, nhưng buổi sáng hôm ấy, tiếng súng cối xay rền rã và những dáng người quần nâu, áo vải bình dị đã ngã xuống ấy, mãi mãi chẳng thể là điều có thể nguôi quên. Trong số những người ngã xuống, có nhiều đảng viên lẫm liệt, có cả những người thân yêu của cụ, cả bao người làng lầm lũi, chưa từng biết đến một ngày vui sướng dưới chế độ áp bức, bóc lột thực dân.
 
Đã gần một thế kỷ trôi qua, chúng ta không thể biết được, sáng hôm ấy, trước khi diễn ra sự kiện biểu tình rầm rộ và sự hy sinh quả cảm ấy, 142 con người của mảnh đất Xô viết kiên cường đã nghĩ gì? Có thể là một gánh nước tảo tần vời vợi mùa đại hạn? Cũng có thể là dải khoai, dải sắn cọc còi ngoài đồng làm ấm bụng con thơ? Hay vượt lên đói nghèo, áp bức, là ý chí quật cường và lòng yêu nước được hun đúc bao năm, chỉ chờ dịp bùng lên dữ dội? Trong suốt chặng đường nhọc nhằn trở về ký ức, cụ Khóa nhiều lần không nén nổi lòng mình. Bàn tay khô ráp nhăn nheo những đường gân, chầm chậm gạt đi giọt nước mắt chắt chiu trên gương mặt già cỗi, tưởng như, cụ đã bao lần cạn khô tiếng khóc khi nghĩ về ngày đau thương trong quá khứ. Cụ bảo: “Không nhắc thì thôi, chơ dân đây quên răng được mà quên. Từ đây ra đình (đình Thanh Quả) có một đoạn, dừ đình không còn nhưng đất đai còn, cứ nhìn đó mà nhớ”.
 
Sau buổi sáng bi thương ấy, quân lính ở đồn Thanh Quả còn bắn súng cầm canh mãi đến chiều muộn. Trời xâm xẩm tối, các đảng viên ở chi bộ tại Thanh Quả - Chi Nê đi đầu, theo sau là thân nhân và bà con các làng lân cận bí mật lần ra cánh đồng để tìm kiếm thi thể những người ngã xuống. Hình ảnh cánh đồng bát ngát xanh đã thẫm đỏ màu chết chóc, mùi tử khí lẫn với nỗi đớn đau câm lặng của những người trực tiếp đi nhặt tìm từng mảnh xác, lật từng khuôn mặt nằm vùi trong đồng đất quê nhà, tất cả tạo nên ám ảnh lưu niên, hun đúc ý chí bước tiếp và tri ân, ngay đối với cả thế hệ hậu sinh chỉ biết đến sự kiện ấy qua lời kể của những người đi trước. 
 
Anh Trần Đức Khiếng - cán bộ văn hóa xã Thanh Chi, một người con nặng lòng với quê hương, có người bác là liệt sỹ Trần Đức Dớc - Bí thư Chi bộ Thanh Quả - Chi Nê, một trong những người hy sinh vào buổi sáng 6/10/1930 ấy, luôn mang trong mình nỗi trăn trở về sự tri ân quá khứ như vậy. Anh bảo, cũng như bao thế hệ hậu sinh ở Thanh Chi, chuyện sử làng thấm đẫm tuổi thơ anh qua lời kể của bà, của mẹ và ngày càng thôi thúc hơn khi cơ duyên đã dẫn anh “lãnh” vai cán bộ văn hóa xã. Anh dẫn tôi ra cánh đồng làng năm nao, nay đã được quy tập thành khu vực Nghĩa trang liệt sỹ xã Thanh Chi - nơi an nghỉ của 32 người con xã nhà đã ngã xuống trong buổi sáng định mệnh năm 1930. Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1961 trên chính nền đình làng Thanh Quả trước đây, bằng nguồn ngân sách của địa phương. Chúng tôi đứng giữa cánh đồng làng lộng gió, với một bên là thơi thới đất nâu đang chờ mùa cấy mới, và bên này, nghi ngút khói hương trên những mộ chí ấm tình đồng đội, đồng bào, thấy lòng dậy lên những xúc cảm nghẹn ngào khôn xiết. Anh Khiếng trầm tư kể: “Tôi là con cháu dòng họ Trần Đức, ông cố là nhà nho yêu nước Trần Tấn - thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất cuối thế kỷ XIX chống thực dân Pháp và triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Bác tôi là Trần Đức Dớc - một trong những thủ lĩnh của cuộc biểu tình ngày 6/10/1930. Mộ bác tôi nằm đây, bên cạnh những đồng đội của người, trên mảnh đất chôn rau, cắt rốn...”. 
 
85 năm, gần trọn một vòng đời. Ngần ấy năm, người ta có thể lãng quên đi nhiều điều, nhưng với người dân xã Thanh Chi, quá khứ bi hùng ấy, sự hy sinh của những đảng viên bất khuất “đi đầu, dậy trước...” ấy, mãi mãi là điều chẳng thể nguôi quên. Sự sắt son ấy, một phần nhờ đến quyết tâm của đảng bộ, chính quyền xã, như ông Nguyễn Duy Minh, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Chi chia sẻ, thì “không chờ đến các dịp lễ, tết trọng đại, mà cả những sinh hoạt đảng bộ, chi bộ hay các cuộc họp thôn, xóm, chúng tôi vẫn khéo léo lồng ghép nội dung này. Có thể là phát động các đợt quyên góp, ủng hộ thân nhân gia đình liệt sỹ gặp hoàn cảnh khó khăn, có thể là giúp đỡ các gia đình đảng viên neo đơn... Chúng tôi nghĩ rằng, tất cả những việc làm nhỏ nhoi ấy cũng góp phần làm ấm lòng những người ngã xuống, cũng là để khắc ghi một biểu tượng lịch sử oai hùng của quê hương cho thế hệ con cháu mai sau biết và nhớ đến”.
 
Và cũng với mong muốn khắc ghi biểu tượng ấy, Đảng bộ, chính quyền xã Thanh Chi đang xây dựng kế hoạch nâng cấp Nghĩa trang Liệt sỹ xã, để sự khang trang xứng đáng với tầm vóc lịch sử của những con người anh dũng. “Nội lực không xong thì sẽ cậy đến ngoại lực. Việc tâm linh tưởng nhớ đâu thể thờ ơ!”- ông Nguyễn Duy Minh khẳng định. Và ông bảo, với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, ngoài chờ đợi sự hỗ trợ từ các cấp và đóng góp tâm nguyện của bà con địa phương, thì dịp gần Tết Nguyên đán này, xã nhà đang lên ý tưởng huy động nguồn lực xã hội hóa từ con em Thanh Chi xa quê, làm ăn thành đạt, tấn tới, mà mở đầu đợt phát động có thể là “hội” những người con Thanh Chi ở Thủ đô Hà Nội. “Là người con Thanh Chi, không ai là không biết đến sự kiện ngày 6/10/1930. Tri ân những người ngã xuống cho sự thanh bình hôm nay là việc nên làm, cần làm”- ông Nguyễn Duy Minh khẳng định. 
 
Sự tri ân ấy, mấy mươi năm nay, đã khởi tâm từ những nén hương ấm áp ngày lễ, tết. Tôi tạm biệt mảnh đất anh hùng, mang theo kỷ niệm lấp lánh và niềm tin của anh Trần Đức Khiếng: “Đêm kỷ niệm Ngày TBLS 27/7/2014, chúng tôi thắp nến vòng quanh khu vực nghĩa trang. Dễ có đến ngàn người dân Thanh Chi trở về cánh đồng này đêm hôm ấy, đứng vòng trong, vòng ngoài đăm đắm tưởng niệm những liệt sỹ của quê hương. Ngay lúc ấy, tôi biết chắc rằng, dẫu đã gần một thế kỷ trôi qua với bao biến động, thì rốt cuộc, những giá trị lịch sử chân chính chắc chắn sẽ vĩnh hằng cùng thời gian...”!
 
 
Phương Chi