(Baonghean) - Quỳnh Thuận là xã vùng bãi ven biển, cách trung tâm huyện lỵ 12 km về phía Đông Bắc, là một trong những cái nôi cách mạng của huyện Quỳnh Lưu. Nơi đây, từ năm 1927, một trong những cơ sở đầu tiên của Đảng được thành lập. Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Thuận phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Ngày 20/4/1930, Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu được thành lập, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Chi bộ đảng ở xã Quỳnh Thuận được thành lập 1 tháng sau đó (tháng 5/1930). Ngay sau khi thành lập, Chi bộ đã tập hợp lực lượng, lãnh đạo phong trào, tổ chức các lực lượng nhân dân tham gia đấu tranh đòi tăng giá muối, phối hợp với quần chúng công - nông Trường Thi, Bến Thủy (Vinh) đấu tranh, cải thiện đời sống. Điển hình là cuộc đấu tranh ngày 20/6/1930 hàng ngàn diêm dân các làng tập trung ở chợ Đình, làng Thanh Đoài biểu tình, phản đối sự bất công mà người làm muối phải chịu đựng.
Ngày 4/2/1931, khi Huyện ủy Quỳnh Lưu phát động tổ chức biểu tình toàn huyện, Quỳnh Thuận là 1 trong 4 điểm diễn ra biểu tình lớn, hàng ngàn diêm dân làng Thanh Đoài tập trung tại khu vực núi Bà Bà, biểu tình hô to khẩu hiệu “Chống thực dân phong kiến! Ủng hộ phong trào công nông Vinh – Trường Thi – Bến Thủy trong Xô viết Nghệ - Tĩnh!”. Sau cuộc đấu tranh này, kẻ thù ráo riết truy lùng và 60 người của Quỳnh Thuận bị đích bắt, tra khảo. Đồng chí Đào Quang và Đào Vĩ - 2 người con ưu tú của xã là lãnh đạo biểu tình bị địch mang xử bắn không qua xét xử (2 đồng chí được công nhận là liệt sỹ 1930 - 1931). Tháng 8 năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban khởi nghĩa huyện, hàng ngàn người tập trung với cờ đỏ sao vàng tiến về đình Đoài và đình Tám Mái, đến nhà lý trưởng thu ấn tín, Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, giành chính quyền về tay nhân dân.
Thực dân Pháp quay lại xâm chiếm, nhân dân Quỳnh Thuận tiếp tục đóng góp nhiều sức người sức của cho tiền tuyến. Cùng với xây dựng hậu phương vững mạnh, giúp đỡ dân công tập luyện, nuôi thương binh, ủng hộ kháng chiến hàng trăm lạng bạc, 18,6 tấn gạo, trái phiếu quốc gia; gần 1.500 con em tham gia bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. Ngoài đóng góp sức người, sức của, nhân dân xã Quỳnh Thuận đã mưu trí, anh dũng đánh địch đổ bộ vào cướp phá trên địa bàn. Trung đội du kích xã mặc dù mới thành lập 2 năm nhưng vào ngày 5/10/1949 đã đánh chặn hơn 1.000 quân Pháp đổ bộ vào Quỳnh Lưu qua Lạch Quèn.
Với lòng dũng cảm và mưu trí, quân và dân Quỳnh Thuận đã bắt hàng chục tên Pháp đền tội. Nhiều tấm gương chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng góp phần làm rạng danh truyền thống cách mạng của quê hương. Điển hình là Xã đội trưởng Hồ Trác, Trung đội trưởng dân quân Trần Tuất và 3 du kích – liệt sỹ Lê Kiều, Lê Điểm, Đàm Kiên. Trong trận chống càn và các chiến dịch của kháng chiến chống Pháp, 19 người Quỳnh Thuận đã hy sinh và 6 thương, bệnh binh...
Trong kháng chiến chống Mỹ, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ tất cả vì tiền tuyến lớn, cùng với thi đua lao động, sản xuất đảm bảo “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Đảng bộ xã đã có nhiều chủ trương, giải pháp để chủ động phòng tránh và đánh trả địch trong chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trung đội Dân quân trực chiến xã với 25 người được chia thành 2 khẩu đội và 1 tiểu đội cấp cứu, tải thương đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Song song với giúp đỡ nhân dân chủ động phòng tránh bom đạn Mỹ, xã chỉ đạo nhân dân đào hầm trú ẩn dọc đường giao thông liên thôn, liên xã; tổ chức sơ tán nhân dân thời kỳ cao điểm. Tổng cộng, xã huy động được hàng ngàn ngày công đào đắp giao thông hào dọc 2 bên đường dài 12 km, xây gần 1.000 hầm chữ A kiên cố và 185 hầm chữ A dọc đường, trên đồng, xung quanh trường học; đào 2 địa đạo trên núi, đắp 15 hệ thống công sự để lực lượng dân quân xã trực chiến phòng không…
Nhờ thế trận phòng thủ vững chắc, quân và dân Quỳnh Thuận đã lập được nhiều chiến công vang dội. Là địa bàn cửa biển, nơi nhiều máy bay địch “qua lại”, từ năm 1964 đến tháng 12/1972, Quỳnh Thuận phải hứng chịu 378 trận pháo kích, hàng trăm tấn bom oach tạc và hàng ngàn loạt đạn pháo của Mỹ, làm 149 người chết, 66 người bị thương; làng mạc bị tàn phá, tài sản hoa màu bị mất… Với tinh thần nhằm thẳng quân thù mà bắn, vào ngày 20/7/1966, chỉ bằng vũ khí là các khẩu đại liên nhưng Trung đội trực chiến xã đã bắn tan xác máy bay AD6; hợp đồng tác chiến với các đơn vị ở Hoàng Mai bắn rơi máy bay A4D của Mỹ; rà phá hàng chục quả bom, mìn. Đặc biệt, ngày 29/10/1972, Trung đội dân quân xã với súng 12,7 mm đã mưu trí và dũng cảm bắn cháy 1 máy bay phản lực F8 của Mỹ và 1 chiếc bị thương ngay trên bầu trời quê hương, làm nức lòng quân và dân thời bấy giờ.
Với chiến công đặc biệt xuất sắc trên, Trung đội dân quân xã đã 2 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì; các đồng chí Bùi Huy Vương, Tô Huy Đôn, Đào Kim được Chính phủ thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, 13 người khác được Ủy ban Hành chính tỉnh tặng Bằng khen. Trong kháng chiến chống Mỹ, 109 người con của xã đã anh dũng hy sinh và hàng trăm người bị thương; có 17 gia đình có 2 con là liệt sỹ.
Trong thời kỳ xây dựng quê hương sau chiến tranh, cùng với các giải pháp hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế cải thiện đời sống nhân dân, xã tiếp tục có đóng góp vào chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc. Để bảo vệ Tổ quốc, có 7 chiến sỹ con em của xã đã hy sinh anh dũng. Trải qua các thời kỳ, quân dân Quỳnh Thuận đều đoàn kết một lòng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chiến lược do cấp trên giao. Đặc biệt, trong vòng 5 năm lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 14,9 %; bình quân thu nhập đầu người năm 2015 đạt gần 22,43 triệu đồng.
Toàn xã 25% hộ giàu, gần 70% hộ khá và trung bình và hộ nghèo giảm còn 6%. Ngoài nghề sản xuất muối truyền thống, xã đã hình thành được một số ngành nghề, cây, con mang lại thu nhập cao như mô hình nuôi ngao, tôm; kinh tế biển và năng lực dịch vụ hậu cần nghề cá từng bước được tăng cường. Được sự quan tâm của Nhà nước và nguồn lực ủng hộ từ nhân dân, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của xã như điện, đường, trường, trụ sở chính quyền và thôn xóm không ngừng được cải thiện và nâng cấp. Cùng với Đảng bộ xã nhiều năm liền được công nhận trong sạch vững mạnh, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và hệ thống chính trị thôn xóm liên tục dẫn đầu phong trào thi đua của cụm và huyện.
Đến nay, 9/9 thôn được công nhận Làng Văn hóa; 3 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, trong đó trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2; năm 2014 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020. Đến nay, xã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới. Bên cạnh giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo cơ sở an toàn làm chủ sẵn sàng chiến đấu, đời sống văn hóa tinh thần và trình độ dân trí của người dân ngày càng được nâng cao. Sau chiến tranh, xã có 13 mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 1 Anh hùng LLVT. Đến nay, xã có 1 người được phong Thiếu tướng và hàng chục sỹ quan cao cấp khác, 11 tiến sỹ và trên 500 con em là cán bộ, bác sỹ, kỹ sư, cử nhân…
Với những đóng góp to lớn trong 2 cuộc kháng chiến; đồng thời tiếp tục giữ vững truyền thống đoàn kết, nhất trí trong xây dựng quê hương thời kỳ đổi mới, tháng 12/2014, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quỳnh Thuận đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Đồng chí Trần Văn Trung, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Thuận cho biết: Xã được phong tặng và tổ chức Lễ đón nhận Anh hùng LLVT nhân dân đúng vào dịp kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng bộ xã (tháng 5/2015) là sự kiện chính trị lớn của xã; đồng thời là nguồn động viên tinh thần vô cùng to lớn. Nó không chỉ là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước mà còn là dịp để ôn lại truyền thống cách mạng của quê hương để giáo dục lý tưởng, lòng tự hào cho thế hệ con em Quỳnh Thuận. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đang quyết tâm phấn đấu, khắc phục khó khăn thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 -2020 đã đề ra; vươn lên trở thành xã khá của huyện Quỳnh Lưu và sớm hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới.
Phương Hà