(Baonghean) - Qua những đồi chuối sai trĩu quả, qua những vườn mía đang thời điểm lên cây, qua những vườn thanh long, vườn nhãn xanh tốt, qua những đồi cam, những thung lũng trù phú… cuối cùng tôi cũng đã đến được làng Kính, làng Mó, nơi xa xôi nhất của xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp. Để rồi, được mải mê trong điệu đu đu điềng điềng của người Thổ, được say sưa bên những cánh võng bằng đay, được nghe những lời kể về nỗ lực giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc Thổ của bà con nơi đây...
 
images982588_7c.jpgĐội văn nghệ làng Kính đang tập bài hát Ru em ngủ.
 
Chuyến đi này, chúng tôi thật may mắn được chính bác Trương Thanh Long, một người con của đồng bào Thổ và cũng chính là người có hơn 20 năm làm chuyên trách văn hóa xã Nghĩa Xuân dẫn đường… Nơi chúng tôi đến đầu tiên là căn nhà của bác Trương Công Huê, 79 tuổi, một trong những người nhiều tuổi nhất của làng Mó hiện nay. Tuổi đã cao nhưng ông vẫn rất minh mẫn và mạnh khỏe. Phải thế chăng, gần 10 năm nay kể từ khi làng Mó được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Làng văn hóa thuần Thổ, ông là một trong những người đi đầu trong việc tìm kiếm, bảo tồn và lưu giữ những đồ vật, dụng cụ truyền thống của dân tộc. Công việc thầm lặng, vậy mà nhờ đó, rất nhiều công cụ vốn là những vật dụng gắn với cuộc sống hàng ngày trước đây của bà con ngỡ đã bị lãng quên nay đã được tìm lại, phục chế… Căn nhà của ông một thời được ví là “bảo tàng thu nhỏ” là vì thế.
 
Bản thân ông thì xem đây là công việc bình thường và điều duy nhất thôi thúc ông tự nguyện làm công việc đó, không gì khác là “sợ một ngày những phong tục truyền thống của người Thổ không còn nữa”. Do đó, dù đơn giản chỉ là một cái ống phạ, được dùng cho phụ nữ Thổ dắt dao khi lên rừng không còn tìm lại được, ông cũng chăm chút làm lại cẩn thận: Ông tỉ mẩn vẽ hoa văn vào phía trong ống, sợi mây được tết khéo léo phía trong để dắt dao cũng được uốn cong rất công phu… Biết đến tay nghề của ông, nhiều người sưu tầm từ Thái Nguyên vào, có người lại lặn lội từ đường 7 sang xin về…
 
Ở làng Mó, giờ người già không còn nhiều. Nhưng đây lại là những người hiểu rõ nhất về phong tục tập quán của đồng bào Thổ. Vì thế, khi chủ trương khôi phục và gìn giữ lại những nét bản sắc văn hóa của đồng bào Thổ do xã triển khai, họ là lực lượng đi đầu. Đơn cử như việc làm võng gai. Trước đây, vùng đất đỏ này, gai là cây trồng chủ lực. Vậy nên, trong xã lớn lên phụ nữ chẳng mấy ai lại không biết đến công việc đan võng này. Trải qua thời gian, do nhiều nguyên nhân khác nhau, người làm võng ở làng Mó không còn nhiều, số người biết chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tiếc cho cái nghề truyền thống mà ở Quỳ Hợp hẳn chỉ có ở làng Mó nên bà Trương Thị Ngân và một số chị em lớn tuổi khác ở trong vùng như bà Bật, bà Mẫn, bà Tĩnh bàn nhau trồng đay, khôi phục lại nghề  truyền thống. Dù hiện tại phải phụ thuộc vào nguyên liệu nên số lượng làm mỗi năm không nhiều nhưng các bà vui vì một nghề truyền thống đã được giữ gìn và đang từng bước truyền lại cho thế hệ trẻ. Không chỉ thế, người dân hiện nay cũng đang quay trở lại với sản phẩm võng truyền  thống vì bền, sử dụng được lâu và mát, thoáng, phù hợp với khí hậu vùng miền núi.
 
Là một người con của dân tộc, lại là người làm công tác bảo tồn văn hóa, ông Trương Quang Thái nhận thấy văn hóa của dân tộc Thổ bị mai một rất nhiều. Không còn tiếng ngân vang của nhịp trống chiêng mỗi dịp lễ tết, không còn những làn điệu đu đu điềng điềng, không còn điệu múa rộn ràng… Không muốn mất đi những điều quý giá, sợ phải nhìn thấy một ngày những người biết và hiểu về phong tục của dân tộc ngày một xa dần, ông Thái cặm cụi đi sưu tầm từng thứ một. Vì có năng khiếu văn nghệ nên điều đầu tiên ông làm là tìm kiếm những làn điệu cổ, dân ca dân vũ của dân tộc; tích cực sưu tầm lại các nhạc cụ như đàn tính, đàn tang rồi tìm lại những nghệ nhân để mong họ truyền dạy lại. Lâu dần thành mê, ông cũng đã gặp được những thầy mo có kinh nghiệm như cụ Cao Văn Thược, Trương Văn Khang để ghi lại những bài cúng… Bền bỉ suốt một thời gian, nay tài sản ông giữ lại là hàng chục làn điệu cũ, viết được hơn 1.000 câu thơ của các thầy mo, sưu tầm lại được nhiều truyện kể dân gian… Ông cũng đã hình thành được nhiều tổ nhóm ở cộng đồng, mỗi tổ nhóm lưu trữ một giá trị riêng như lưu trữ dân ca dân vũ, lưu giữ các món ăn truyền thống, nhóm sưu tầm đồ dùng vật dụng, nhóm đan lát…
 
Về làng Kính, xem người nghệ sỹ già Trương Thanh Hải cùng với bà con làng Kính tập lại bài hát Ru ủn tay (ru em ngủ). Để rồi nghe các bà, các chị, nghe từ người già nhất trong đội văn nghệ là cụ Cảnh Thị Tâm (72 tuổi) đến người ít tuổi nhất là em Hồ Huyền Ly (21 tuổi) say sưa với làn điệu của đồng bào mình để thấy, bảo tồn văn hóa dân tộc đâu phải cứ gì xa xôi, đâu cần cứ phải chủ trương, chỉ thị mà cần nhất vẫn là tấm lòng nhiệt huyết của mỗi người dân.
 
Mỹ Hà