(Baonghean) - “Kính trên, nhường dưới”, “Kính lão, đắc thọ” là truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Qua đó, để thế hệ sau có điều kiện tri ân những người đi trước, để con cháu thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, để cả xã hội có trách nhiệm chung tay giúp đỡ những người già, những người neo đơn, không nơi nương tựa. Và đó cũng chính là động lực để người già tiếp tục cống hiến, tiếp tục đóng góp tài, trí cho quê hương, đất nước…

images990173_m_n___ng_di_n_th__d_c_c_a_ng__i_cao_tu_i_x__nam_th_nh_y_n_th_nh.jpgMàn đồng diễn thể dục của Người cao tuổi xã Nam Thành, Yên Thành Ảnh: văn vinh
 
Qua một trận ốm thập tử nhất sinh, nhà nghiên cứu về Hán Nôm Bùi Văn Chất không còn nhanh nhẹn như một vài năm trước. Dù nằm trên giường, khó khăn đi lại nhưng một khi trí óc còn minh mẫn ông vẫn chuyên tâm với văn bia, thơ cổ. Mọi người khâm phục bởi dù phải điều trị dài ngày ở bệnh viện nhưng ngày nào ông cũng cố gắng đọc nhẩm một vài chữ Hán. Ông biết, như vậy vừa giúp mình không quên chữ lại để tự nhắc mình vẫn đang còn nhiều công trình dở dang chưa hoàn thành. Ra viện, dù hiện tại gia đình vẫn phải để một bình oxy cạnh giường đề phòng những lúc ông trở bệnh nặng nhưng đỡ đau là ông lại say sưa với từng con chữ, từng bản dịch. 
 
Những ngày ông nằm viện, bạn bè, đồng môn và một số ban ngành cũng đã đến thăm hỏi, động viên. Ông mừng bởi trong những ngày ốm đau, dù đôi lúc tất cả sinh hoạt đều phải thực hiện ở trên giường nhưng năm đứa con của ông đều kề cận bên bố, chăm sóc chu đáo. Sự quan tâm, lo lắng đó đã thôi thúc ông phải mạnh mẽ lên, phải nhanh khỏe để còn cùng những người bạn trong câu lạc bộ Hán Nôm tiếp tục thực hiện những công trình quan trọng như: nghiên cứu về Sắc phong Nghệ An, câu đối xứ Nghệ hay văn bia Nghệ An…
 
Ở tỉnh ta, hiện có rất nhiều người vốn trước đây giữ nhiều vị trí, trọng trách quan trọng, nay dù đã về hưu họ vẫn sẵn sàng cống hiến sức lực và trí tuệ đối với nhiều công việc trọng đại của tỉnh. Một số người trong này là nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, nghệ nhân. Một số khác lại là các thành viên tích cực của các hội như Hội Làm vườn, Hội Người cao tuổi, Hội Văn học dân gian, Hội Nhạc sỹ, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Cựu chiến binh. Ở các huyện vùng cao, người già được bà con dân bản tín nhiệm bầu làm già làng, trưởng bản. Cán bộ, đảng viên sau khi về hưu đều nhận trách nhiệm làm bí thư, xóm trưởng hay tham gia các đoàn thể, chi hội ở phường xã. Cũng có thể thấy, nhờ có lớp người đi trước này mà nhiều tổ chức, chính quyền đã dung hòa được với nhau, người già dạy bảo, truyền kinh nghiệm, kiến thức cho người trẻ. Và ngược lại, lớp người đi sau bằng một lòng “kính lão đắc thọ”, bằng sự trân trọng với lớp người đi trước đã tạo thêm động lực, tạo thêm sức mạnh để người già tiếp tục phấn đấu và cống hiến cho đến khi vẫn còn chút sức lực cuối cùng. 
 
Những năm qua, Dự án Thúc đẩy quyền của NCT thiệt thòi ở Việt Nam được triển khai tại tỉnh, trong đó, Thanh Chương là một trong những địa phương đi đầu và thực hiện hiệu quả nhất, đặc biệt hoạt động của đội ngũ những người trẻ trong câu lạc bộ liên thế hệ nhận giúp đỡ, chăm sóc người già, người neo đơn đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của đông đảo nhân dân.
 
Nói về việc chăm sóc cho người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ông Trần Hữu Ích, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh tự hào bởi trong năm vừa rồi Hội Người cao tuổi của tỉnh được nhận cờ thi đua của Trung ương hội với nhiều thành tích trong hoạt động. Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc tập hợp hội viên, xây dựng các phong trào thì Hội Người cao tuổi đã có nhiều nỗ lực trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Trung bình mỗi năm tỉnh đã tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho hơn 90.000 hội viên Hội Người cao tuổi.
 
Các địa phương đã huy động được hơn 2 tỷ đồng để tặng quà cho các cụ vào các ngày lễ, tết; hỗ trợ cho trên 5.000 người cao tuổi xóa được nhà tạm; xây dựng trên  3.365 câu lạc bộ các loại hình tại 447 xã, thu hút 169.998 NCT tham gia. Hầu hết hội viên Hội NCT đã tích cực luyện tập thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Ở một số địa phương như Nam Đàn tổ chức được “Tiếng hát người cao tuổi ” và Hội thả diều  người cao tuổi; Quỳ Hợp, Anh Sơn, Quỳnh Lưu tổ chức làm báo tường người cao tuổi,  nhiều Hội xã xuất bản sách thơ… Nhiều hội cơ sở rất quan tâm phối hợp với trung tâm y tế, các bệnh viện, công ty dược... tổ chức khám sức khỏe định kỳ, truyền thông, tư vấn sức khỏe; nhiều nơi  được cấp thuốc miễn phí. Toàn tỉnh có gần  60.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, theo đúng chủ trương và quy định của nhà nước.
 
Những kết quả trên cho thấy, dù còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua công tác chăm sóc người cao tuổi ở tỉnh ta đã thực sự được quan tâm. Điều đó, thể hiện truyền thống “kính lão đắc thọ”, bao đời nay vẫn được kết thừa, phát huy.
 
Mỹ Hà