- Tại Hưng Nguyên bên cạnh những hoạt động tại Trung tâm phục hồi chức năng huyện, tại 23/23 xã, thị, Đoàn Thanh niên phối hợp với các trường học tổ chức Tết Trung thu, giao lưu văn nghệ, rước đèn đêm trăng. Dịp này tỉnh và huyện dành 100 suất quà cho trẻ em đặc biệt khó khăn và trẻ em nghèo vươn lên học giỏi toàn tỉnh huyện.

Ở vùng cao Quỳ Châu huyện chọn xã Châu Bình làm xã điểm tổ chức Tết Trung thu. Các xã còn lại huyện cũng giao cho Phòng Giáo dục, Đoàn Thanh niên và Phòng Lao động thương binh và xã hội phối hợp với các địa phương tổ chức.

Quế Phong cũng đã dành nhiều phần quà trao tặng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo vượt khó học giỏi. Các xã, thị đều phối hợp với các đoàn thể địa phương chuẩn bị quà, bánh tổ chức Trung thu. Đặc biệt các xã Quế Sơn, Tiền Phong, Thị trấn Kim Sơn đã tiến hành đặt mua đèn ông sao trước đêm rằm hàng tuần để tặng cho các cháu.

Kỳ Sơn, ngoài quà bánh, trẻ em còn được đón trăng bên những chiếc đèn lồng, đèn ông sao độc đáo từ tay các anh chị đoàn viên thanh niên tạo nên.

Quỳnh Lưu ngay từ trung tuần tháng 9, Phòng Lao động thương binh và xã hội huyện phối hợp với Đoàn Thanh niên đã có công văn gửi tất cả các huyện về kế hoạch tổ chức Tết Trung thu 2010 cho thiếu nhi với phương châm để tất cả các em đều được vui Tết.

763359_small_58080.jpgLãnh đạo huyện Quỳnh Lưu trao quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Thu Hương

Ngoài múa, hát, rước đèn sao, nêu sự tích về Tết Trung thu, Hội Khuyến học của một số địa phương còn tổ chức phối hợp trao phần thưởng cho các em con nhà nghèo đạt thành tích cao trong học tập. Năm nay, huyện tổ chức Tết Trung thu tại Khu điều trị bệnh viện phong Trung ương Quỳnh Lập  vào đêm 14 âm lịch. Ngoài vui Trung thu, tất cả các cháu con bệnh nhân phong được huyện tặng quà.

Trung tâm Giáo dục dạy nghề người tàn tật tỉnh có 233 em học theo học nghề và 144 em học văn hóa. Các em chủ yếu xa nhà (90% ở nội trú).

Thầy Trần Văn Mão - Giám đốc trung tâm cho biết: Mùa Trung thu cũng thường vào dịp mưa lụt Trung tâm thường xuyên bị ngập nước. Có những năm cô và trò luyện tập văn nghệ rất công phu, háo hức nhưng đến lúc khai hội trời đổ mưa to, văn nghệ phải dừng thương các em lắm. Đầu năm 2010, Trung tâm vinh dự được đồng chí Hồ Đức Việt - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Trưởng ban tổ chức Trung ương kêu gọi đầu tư cải tạo nâng cấp Trung tâm (trong đó có hội trường) trị giá trên 6 tỷ. Đến nay đang bắt đầu hoàn thiện. Trung thu này các em rất phấn khởi, chạy đi chạy lại xem khuôn viên, xem hội trường, em nào cũng tràn đầy háo hức, sẽ không còn mối lo về chuyện thời tiết nữa.

Hàng năm, công tác tổ chức đón Trung thu cho các cháu nơi đây do Đoàn Thanh niên chủ trì  được chuẩn bị chu đáo. Ngoài việc tăng khẩu phần ăn hàng ngày, Trung tâm còn phối hợp với địa phương tổ chức cho các cháu vui chơi, rước đèn, phá cỗ, biểu diễn văn nghệ. Năm nay, ngoài việc mua đèn ông sao cho các cháu, Trung tâm chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu để các cháu làm đèn ông sao cỡ lớn và cỡ nhỏ. Đúng đêm Rằm các cháu sẽ cùng nhau khoe tài.
Thu Hương

Đêm nay tại Trung tâm phục hồi chức năng chỉnh hình Vinh, "Đêm hội Trung thu ước mơ đêm rằm" sẽ được tổ chức với sự tham gia của các y, bác sỹ, cán bộ Trung tâm, phụ huynh của các cháu bị khuyết tật đang điều trị phục hồi tại đây. Các em được sum vầy bên mâm ngũ quả, được nhận quà đèn ông sao, món quà tuy nhỏ nhưng ý nghĩa vô cùng lớn lao bởi bản thân các em thuộc diện gia đình nghèo, gia đình hầu hết ở xa. 

- Tại xã Nghi Phú (Thành phố Vinh) ngoài việc tổ chức vui Tết Trung thu cho các em ở tất cả các khối xóm, BTV Đoàn xã còn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ xã tổ chức đêm hội trăng rằm cho hơn 30 trẻ khuyết tật, mồ côi trên địa bàn tạo động lực để các em nỗ lực vươn lên trong sinh hoạt, học tập, rèn luyện và hoà nhập cộng đồng.

Ở các địa phương khác, tùy vào tình hình thực tế, các cấp bộ Đoàn- Hội- Đội lựa chọn nội dung phù hợp tổ chức Vui tết Trung Thu cho thiếu nhi với nhiều nội dung phong phú như: Giao lưu văn nghệ, kể chuyện với chủ đề "Vui hội Trăng rằm", "Trung thu nhớ Bác", "Vầng trăng yêu thương", "Chia sẻ ước mơ tuổi thơ"... thi nấu ăn, làm bánh truyền thống, hội chợ ẩm thực... Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống phù hợp với vùng, miền; thi lồng đèn đẹp, thả đèn hoa đăng; múa lân, múa sư tử; thi bày mâm quả, trang trí mâm cỗ Trung thu; Tặng quà, sổ tiết kiệm, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, phương tiện đến trường cho thiếu nhi. 
 
Chị Nguyễn Lương Hồng- Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết: Các cấp bộ Đoàn- Hội- Đội sẽ phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp đi thăm, tặng quà trẻ em tại các địa phương, đặc biệt sẽ vui Trung thu cùng những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật, trẻ vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trẻ em vùng khó khăn sẽ được các anh, chị đoàn viên, thanh niên, thầy cô giáo tổ chức vui Tết Trung thu tại nhà trường và thôn, bản. Các đơn vị ở miền núi cao như Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong đều chọn các bản dân tộc thiểu số Đan Lai, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu.... còn nhiều khó khăn để tổ chức đêm hội trăng rằm tạo điều kiện cho trẻ em được vui đón Tết Trung thu theo truyền thống. Đồng thời nâng cao nhận thức cuả mọi người dân về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Múa lân đêm hội trăng rằm Ảnh: Mai Hoa

Năm nay, BTV Tỉnh đoàn- Hội đồng Đội tỉnh quyết định chọn xã Tam Hợp (huyện Tương Dương) để tổ chức chương trình đêm hội trăng rằm cấp tỉnh. Trẻ em dân tộc Mông ở Tam Hợp sẽ được đón một Trung thu đặc biệt ý nghĩa với nhiều hoạt động lý thú, bổ ích như rước đèn, phá cỗ, chơi trò chơi dân gian, giao lưu văn hoá, văn nghệ, xem hoạt cảnh sự tích trung thu, gặp cỡ các nhân vật trong chuyện cổ tích như chị Hằng, chú Cuội...
Thu Huơng - Khánh Ly