Quá trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội gắn liền với quá trình hội tụ tinh hoa văn hoá cả nước. Một trong những miền đất góp phần làm nên nền Văn hiến nghìn năm, đó là xứ Nghệ. Vùng đất nổi tiếng "đất xám, dân nghèo, tập tục cần kiệm, nhà nông chăm chỉ ruộng nương, học trò ưa chuộng học hành" (Đại Nam nhất thống chí) nên được gọi là "đất danh tiếng hơn cả năm châu... sinh ra nhiều bậc danh hiền" (Lịch triều hiến chương loại chí).

Đặc biệt, từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII, ở Nghệ An đã xuất hiện một số tác gia ưu tú với nhiều tác phẩm có giá trị làm phong phú văn hoá xứ Nghệ và đóng góp quan trọng cho Văn hiến nghìn năm Thăng Long của nước Đại Việt.

763365_small_58120.jpgKhuê văn các - quốc tử giám (Hà Nội)
Đó là Hồ Sỹ Dương (1622-1681), người làng Hoàn Hậu, nay thuộc xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu). Ông đỗ tiến sỹ năm 1652, làm quan tới Thượng thư bộ Công. Ông được đánh giá là học giả uyên bác, có tài năng trên nhiều lĩnh vực, gần xa ca ngợi. Tác phẩm của Hồ Sỹ Dương gồm: Trùng Lam Sơn thực lục; Hoan Châu phong thổ ký; Hồ thượng thư gia lễ; Đại Việt triều đế vương công nghiệp thực lục. Ngoài ra, ông còn tham gia biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư và một số sáng tác văn thơ khác.

Hương Hải Thiền sư (1628-1715), tục gọi Tổ Cầu, nguyên quán làng Áng Độ, huỵên Chân Phúc (nay là huyện Nghi Lộc). Năm 18 tuổi, ông thi đỗ Hương tiến và được bổ làm Tri phủ Triệu Phong. Năm 30 tuổi, ông từ quan, xuất gia đi tu, pháp tự Minh Châu Hương Hải, tu hành đạt đến độ điều khiển và làm chủ được các năng lực tiềm ẩn của con người.

Phật tử Việt Nam coi Hương Hải là một trong những cây đại thụ của Thiền phái Trúc Lâm. Tư tưởng của ông cũng giống với tư tưởng của nhiều trí thức lớn thời bấy giờ. "Phật giáo vốn không bằng lòng với hiện thực, cho hiện thực khách quan là đau khổ; Nho giáo chấp nhận hiện thực, dấn thân cho hiện thực. Cả hai như là bất tương dung cùng tồn tại trong nhà sư Hương Hải-một nhà sư lớn, linh hoạt về tư tưởng." (Lịch sử tư tưởng Việt Nam).

ĐỗBá Công Đạo, người thôn Cẩm Nang, xã Bích Triều (nay là xã Thanh Mai, Thanh Chương). Ông đỗ Hương giải, được bổ làm Tri phủ huyện Thạch Hà khoảng những năm 1680-1705. Ông từng từ quan, giả dạng lái buôn 2 lần vượt biển vào Nam xem xét núi, sông, biển, đảo để hoàn thành bộ Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư. Trong phần "Tứ chí lộ đồ" (Bản đồ đường đi 4 phía), quyển 1 đã thể hiện đường đi từ Thăng Long tới Chiêm Thành...

Phạm Nguyễn Du, người làng Đặng Điền, nay thuộc xã Nghi Thạch (Nghi Lộc), đỗ Hoàng Giáp năm 1779, làm quan Giám sát ngự sử đạo Hải Dương, Đốc đồng Nghệ An... Tác phẩm của ông gồm có: Luận ngữ văn ngu án, Chu huấn toàn yếu, Nam hành ký đắc lục, Thạch động tiên sinh thi tập, cùng nhiều bài thơ, văn được chép lại trong Nghệ An ký. Trong đó đáng chú ý nhất là tập Đoạn trường lục nói về "nỗi đau đứt ruột của người chồng mất vợ, người tình nhân mất tình nhân đã làm nên tiếng khóc lạ trên thi đàn Việt Nam trung đại" (Nhà nho và tài tử Việt Nam trung đại). Văn chương của Phạm Nguyễn Du thể hiện tư tưởng phóng khoáng, tính cách cứng rắn của một nho sỹ xứ Nghệ lúc bấy giờ.

Nguyễn Hữu Chỉnh, người làng Cổ Đan, xã Đông Hải, nay thuộc huyện Nghi Lộc. 16 tuổi đỗ Hương cống, sau đỗ Trường tam khoa thi võ, làm môn khách cho Huy Quận công Hoàng Đình Bảo. Khi Bảo bị giết, ông bỏ vào Nam theo nghĩa quân Tây Sơn. Sau giúp vua Lê Chiêu Thống diệt Trịnh Bồng và được phong Bình chương quân quốc trọng sự, Đại tư đồ, tước bằng Quận công. Ông là người giỏi việc quân cơ, nhất là thuỷ chiến, lại có sở trường về thi ca, văn Nôm. Nhiều tác gia đương thời đều nể phục tài năng của ông.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, người Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu. Cha là ông đồ Nghệ, mẹ là người xứ Quan họ (Bắc Ninh), nhờ đó đã hun đúc nên kỳ nữ Xuân Hương có tài hoa xứ Bắc lẫn cái thâm nho xứ Nghệ. Bà đã được tắm mình trong chiếc nôi văn hoá Thăng Long-Kẻ Chợ, trong trào lưu nhân đạo chủ nghĩa của thời đại, nên thơ bà thấm đẫm chất nhân bản độc đáo! Thơ bà giản dị, gần gũi, được dân gian ưa thích và lưu truyền rộng rãi tới nay. Bà được mệnh danh là "Bà chúa thơ Nôm"...

Những tác gia tiêu biểu trên đều quê Nghệ An, họ nhiều năm sinh sống và gắn bó với mảnh đất Thăng Long. Tài năng và nhân cách của họ được cọ xát, thanh lọc, nâng cao trong nền văn hoá, văn hiến Thăng Long, và những tác phẩm của họ đã góp phần làm nên sự đa dạng, phong phú cho nền Văn hiến nghìn năm chốn Kinh kỳ !


Thanh Phúc (tổng hợp)