(Baonghean) - Xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi là một chủ trương đúng. Thế nhưng hàng chục năm nay, bài toán trồng cây gì, nuôi con gì để bà con các dân tộc thiểu số miền núi thoát nghèo vẫn chưa tìm ra lời giải…
 
Những năm 70 của thế kỷ trước, chúng ta bắt đầu thử nghiệm một số cây trồng để giúp bà con các dân tộc thiểu số thoát nghèo. Bắt đầu từ cây cà phê rồi cây tiêu đến xoài, hồng, vải, nhãn… cứ thế khi cây này bén rễ, cây khác lại được đem về thử nghiệm. Không ít địa phương xảy ra tình trạng nhổ cây trồng trước để thử nghiệm cây sau. Để đến bây giờ không có cây nào đứng vững để cho bà con có thu nhập. Sau cây trồng đến vật nuôi, từ nuôi lợn lai có năng suất cao, trọng lượng xuất chuồng lớn, thời gian nuôi rút ngắn cho giá trị thu nhập cao. 
 
Sau lợn lai đến bò lai sind, vịt siêu trứng, thỏ, gà siêu thịt… cứ thế thay thế nhau. Mục đích không đạt được, ngân sách đầu tư bị lãng phí nghiêm trọng, lòng tin của nhân dân bị giảm sút.
 
Nghiên cứu kỹ về thất bại trên cho thấy, do chúng ta quá nóng vội, không nghiên cứu sâu về chất đất, khí hậu, chế độ gió, chế độ nắng, mưa và môi trường. Sự nóng vội đốt cháy giai đoạn, chưa nghiên cứu phong tục, tập quán, chưa làm thay đổi nhận thức về tập quán sản xuất của từng vùng, từng miền tạo sự thích nghi, làm quen để đưa cây trồng, vật nuôi vào thành công được. Đa số khi đem cây trồng về, dân cứ cho rằng trồng cho huyện, cho tỉnh, cho Nhà nước, không phải trồng cho họ. Trồng xong không chăm bón, không bảo vệ, để trâu, bò thả rông vào phá phách, dẫm nát. 
 
Một lần nữa phải khẳng định, muốn trồng cây gì, nuôi con gì để có kết quả thành công đạt được mục đích xóa đói, giảm nghèo bền vững cho bà con miền núi, trước hết phải tìm hiểu tập quán, phải nghiên cứu kỹ về quy luật tự nhiên của cây trồng, vật nuôi. Người miền núi có thể đổ mồ hôi quần quật cả ngày chặt hạ một cây to để hái quả, chặt đốt cả khu rừng làm rẫy nhưng họ không chịu khó cày cuốc một mảnh đất bằng để trồng trỉa. Gần đây phong trào trồng rừng nguyên liệu giấy như keo, mét… xem ra phù hợp với tập quán của họ và trở thành phong trào rầm rộ thu được kết quả  cao. Vừa cung cấp nguyên liệu, tăng thu nhập cho bà con lại phủ xanh được đất trống, đồi núi trọc.
 
Nếu như trước đây chúng ta đưa cây chè thay cho cà phê, tiêu, xoài, hồng thì nay chúng ta có hàng ngàn ha chè công nghiệp phục vụ cho xuất khẩu. Nếu như trước đây chúng ta quan tâm phát triển cây ăn quả bản địa như: mít, bưởi, quất, hoàng bì hay cây cọ... thì bây giờ chúng ta có hàng hóa xuất khẩu nhiều hơn. Chè, keo, mét và các loại cây ăn quả đã quen với khí hậu môi trường và quan trọng là phù hợp với phong tục, tập quán của bà con, giúp họ thoát nghèo bền vững. Bây giờ thương hiệu lợn đen, lợn cỏ, gà cỏ, gà đồi, dê núi, bò đồi, me núi… trở thành thực phẩm sạch, ngon, thu hút du khách, giúp nhiều hộ thoát nghèo trở thành giàu có.
 
Chủ trương phát triển kinh tế miền núi, đầu tư xây dựng để bà con các dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững là một chủ trương đúng. Để miền núi tiến kịp miền xuôi, tất yếu phải đầu tư và phải đầu tư lớn. Nhưng trong cơ cấu đầu tư phải nghiên cứu kỹ, phải tuân thủ quy luật, không được nóng vội. Phải lấy cây trồng, vật nuôi đã quen đất, quen người, quen tập quán sản xuất, chăn nuôi của bà con để đầu tư có hiệu quả, đạt được mục đích. Điều không thể thiếu là chủ đầu tư và chủ dự án phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân về tính hiệu quả, mục đích thoát nghèo cho bà con các dân tộc miền núi. Tránh tình trạng chạy dự án, chạy công trình để hưởng hoa hồng, làm giàu cho một số người, còn hiệu quả hay thất bại đã có Nhà nước và nhân dân chịu…
 
 
Phùng Văn Mùi
Huyện ủy Con Cuông