(Baonghean) - Từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng thêm 4.800 đồng mỗi lít. Trừ ngành xăng dầu, ngoài ra chẳng một ai thích thú gì với điệp khúc tăng… tăng… tăng này!
 
Không thích! Nhưng phải chấp nhận. Và chấp nhận trong ấm ức. Vì rằng, mỗi lần xăng, điện tăng giá là cơ quan chủ quản hay những người có trọng trách vừa lên tiếng giải thích theo kiểu “tăng giá là bất khả kháng”, lại vừa ra giọng “ban ơn” kiểu lẽ ra phải tăng từ lâu rồi, nhưng rồi cố ghìm lại để “góp phần bảo đảm an sinh xã hội”. Hoặc tính đúng, tính đủ (nhưng như thế nào là đúng, là đủ thì lại không thấy công khai rõ ra  cho bàn dân thiên hạ biết, thế mới lạ chứ!) thì lẽ ra phải tăng đến, phải tăng lên ngần này, ngần này... nhưng vì để “chia sẻ khó khăn” với người dân nên chỉ mới tăng ngần này thôi (!)…
 
Còn nhớ, lần tăng giá điện gần đây nhất, lãnh đạo ngành Điện đã nói là đưa ra 3 mức 7,5%, 9% và 12% nhưng rồi chọn ở mức thấp nhất để giảm lỗ thôi, còn để có lãi thì phải trên 10%. Song vì lo tăng cao quá, dân khổ nên chỉ chọn mức thấp nhất. Rồi ở 2 đợt tăng giá xăng mới đây, người ta cũng nói là lẽ ra phải tăng tới hơn 3.300 đồng vì giá thế giới tăng quá cao. Nhưng vì nghĩ tới túi tiền của người dân nên đành “cắn răng” chấp nhận tăng ở mức đó thôi. Nếu đúng là như vậy thì mỗi lần điện, xăng tăng giá, người tiêu dùng không nên buồn lo hay cất tiếng phản đối mà nên vui vẻ bày tỏ sự biết ơn vì đã không tăng giá cao hơn thế nữa. Và mỗi lần tăng giá, người ta cũng thường hay so sánh với chung quanh để rồi đi đến kết luận là giá của ta vẫn thấp hơn giá các nước trong khu vực. Nên tăng giá là để lên cho ngang bằng, góp phần… kéo giảm nạn buôn lậu…
 
Cứ cho là đúng như vậy. Tăng giá vì giá thế giới bên ngoài tăng nên các bộ, ngành chuyên quản lĩnh vực này cũng buộc phải cho tăng theo để phù hợp. Ấy nhưng giá lúa, gạo, dưa hấu, hành tím…  của nông dân ta thấp lè tè so với thế giới, sao các bộ, ngành chuyên quản việc này không tìm cách tăng giá? Để cho giá nông sản của dân ta được nâng lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”? Cái lý của thường dân là vậy. Có ai nghe, ai hiểu, ai cảm thông mà làm theo như vậy cho dân được nhờ không?
 
Tri Kỷ