(Baonghean) - Đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội về việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động có trình độ chuyên môn cao, cán bộ quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác với lý do tránh vỡ quỹ bảo hiểm xã hội đang thu hút sự quan tâm xã hội và gây nên những luồng dư luận trái chiều.

Những người nhất trí với đề xuất trên thì cho rằng, như thế là cần thiết. Bởi, nếu những người vào diện về nghỉ hưu ở độ tuổi như hiện nay (nam 60, nữ 55) là ta đang lãng phí “chất xám”. Những người “phản đối” thì khẳng định, nếu tăng tuổi hưu lên 5 năm thì lớp trẻ sẽ bị chậm cơ hội có việc làm, người có năng lực khó trở thành cán bộ quản lý khi đang “sung sức”. Như ở Nghệ An, chưa tăng tuổi hưu mà đã có tới trên 12 nghìn người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học chưa có việc làm. Thi tuyển công chức năm 2012, chỉ tiêu là 120 người nhưng có đến gần 2.000 người nộp hồ sơ. Do đó, muốn giảm được sức ép “việc làm” thì nên giữ tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Số khác thì cho rằng, nếu cần thì nên tăng tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm đối với phụ nữ có trình độ chuyên môn cao, hoặc làm công tác quản lý. Như thế vừa tạo điều kiện để phụ nữ cống hiến, đồng thời góp phần thực hiện chính sách bình đẳng giới.

Xem ra “phái” nào cũng lập luận có lý cả. Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra trong xã hội ta mà ai cũng nhận thấy là tuổi thọ của người Việt Nam đang ngày càng tăng.  Trước đây, ở tuổi 55 hay 60, người ta đã tổ chức “mừng thọ”;  nay nhiều người tuổi 70 nhưng con cháu bảo mừng thọ thì tỏ ra chần chừ. Số người được mừng “thượng thọ”, “thượng thượng thọ” hoặc “đại thọ” càng nhiều. Trong khi đó, theo thống kê thì mức đóng bảo hiểm xã hội trung bình cả nam lẫn nữ ở nước ta là 29 năm, với mức đó chỉ đủ chi trả trong khoảng 10 năm. Cũng theo thông kê này thì số người hưởng lương hưu đang tăng trong khi số người đóng bảo hiểm xã hội có xu hướng giảm mạnh. Năm 2000, cứ 1 người hưởng lương hưu thì có 34 người đóng bảo hiểm xã hội, đến năm 2010 tỷ lệ này chỉ còn 1/10,7. Như thế, có nghĩa là, quỹ lương hưu đang bị sức ép và việc Bộ LĐ – TB & XH đề xuất tăng tuổi hưu thêm 5 năm là một trong những biện pháp để giải tỏa gánh nặng đó.

Vẫn biết khi một chủ trương, chính sách dù đúng đến đâu cũng khó đạt đến sự công bằng, hợp lý hoàn toàn; chủ trương tăng tuổi hưu vừa nêu trên của Bộ LĐ – TB & XH cũng vậy. Có điều, làm sao vận dụng được chủ trương chính sách cho hợp lý không chỉ đối với xã hội, mà đối với từng nhóm người cụ thể mới là điều quan trọng. Vẫn cứ thấy tiếc cho xã hội khi có những vị chính khách đang có uy tín với dân, đang có những đóng góp to lớn cho đất nước và đang có sức khỏe thì phải về hưu vì… tuổi.


Việt Long