bna_017138794719_1842018.jpgTham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo thành phố Vinh, Sở Văn hóa & Thể thao cùng đông đảo người dân địa phương. Ảnh: Thành Cường
Theo truyền thuyết dân gian Việt Nam, Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một vị thánh trong Tứ Bất Tử. Thánh Mẫu là con gái của Ngọc Hoàng, đã 3 lần giáng sinh phàm trần, hiển linh giúp dân giúp nước. Thánh Mẫu từng được triều đại phong kiến từ thời Lê đến thời Nguyễn cấp nhiều sắc, tôn phong là "Mẫu nghi thiên hạ" và được nhân dân cả nước thờ phụng, tôn vinh. 
Ông Đậu Vĩnh Thịnh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh đánh trống khai lễ. Ảnh: Thành Cường
Lễ tế Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ảnh: Thành Cường
Lễ giỗ Đức Thánh Mẫu được tổ chức hàng năm vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm tại Đền Hồng Sơn là hoạt động văn hóa tâm linh đặc biệt của nhân dân thành phố Vinh hướng về cội nguồn dân tộc; đồng thời cũng là dịp nhắc nhở cháu con thế hệ hôm nay và mai sau phải khắc ghi ơn sâu các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. 
Diễn xướng hầu đồng - một nghi lễ quan trọng của đạo Mẫu tại lễ giỗ. Ảnh: Thành Cường

Tại đền Đức Sơn, hay còn gọi là đền Thánh Mẫu ở xóm Bắc Sơn, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, lễ giỗ Mẫu năm nay diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính. Lễ giỗ gồm lễ yết cáo (đêm mồng 2) và lễ đại tế (sáng mồng 3) do UBND xã Vân Diên tổ chức. Ban hành lễ là các chị em phụ nữ với trang phục truyền thống chỉnh tề thực hiện các nghi lễ dâng hương, dâng hoa, lễ cúng theo đúng phong tục địa phương. 

Ngay từ sáng sớm người dân đã mang cỗ lễ đi đền giỗ Mẫu. Ảnh: Huy Thư
Tại Đền Bà Chúa - Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh ở xóm 3, xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương, lễ giỗ Mẫu được bắt đầu từ sáng ngày mồng 2 tháng 3 âm lịch với lễ khai quang, sau đó là lễ yết cáo (buổi chiều); sáng mồng 3/3 tổ chức lễ đại tế.
Ngay từ sáng sớm, rất đông người dân địa phương đã thành kính mang lễ vật đến bày biện chu tất trên các bàn thờ trong đền. Lễ giỗ Mẫu tại Đền Bà Chúa được xem là một kỳ lễ trọng tại địa phương.
Một con gà cỗ độc đáo của người dân đi dâng lễ tại đền Bà Chúa (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư

Dịp này, không chỉ ở Đền Đức Sơn, Đền Bà Chúa mà nhiều đền, phủ khác trong tỉnh như Đền Cờn (TX Hoàng Mai), Đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên), Phủ Nhà Bà (Thanh Chương)… đều long trọng tổ chức lễ giỗ Mẫu. Từ lâu, lễ giỗ Mẫu đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

Cúng đại tế trong lễ giỗ Mẫu tại đền bà Chúa (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư

Theo các tài liệu, lễ giỗ Mẫu có nguồn gốc lịch sử và xã hội sâu xa, là một phần trong tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam. Việc thờ các nữ thần, đặc biệt là Tam tòa thánh Mẫu (mẫu Liễu Hạnh, mẫu Thượng Ngàn, mẫu Thoải) hiện khá phổ biến trong các đền, phủ ở Nghệ An (có thể thờ chung hoặc thờ riêng) với nhiều nghi thức linh thiêng, trong đó thực hành diễn xướng hầu đồng là một hoạt động đặc biệt.

Tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2016./.