(Baonghean.vn) - Hầu đồng ở Đền Hoàng Mười từ lâu vẫn được xem là nét văn hóa tín ngưỡng dân gian để cầu sức khỏe, bình an. Vào dịp Lễ đại tế - Lễ hội Đền Hoàng Mười năm 2016, các hoạt động hầu đồng diễn ra thường xuyên với hàng trăm nghìn du khách tới cúng viếng.
Ghé thăm Đền Hoàng Mười vào dịp này, du khách thập phương có thể nghe những tiếng nhạc rộn ràng, những tiếng nỉ non của bài hát văn... Đây là nghi lễ không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ Phủ… Trước mỗi buổi hầu đồng, các "con nhang" sẽ chuẩn bị trước đồ ở nhà. Việc chuẩn bị mất từ 1, 2 ngày với số tiền có thể giao động từ vài chục đến vài trăm triệu cho các lễ mặn và lễ chay. Tùy vào yêu cầu của các "con nhang", đệ tử, các buổi hầu đồng diễn ra khoảng từ 4 - 8 tiếng. Những đồ vàng mã, hình nhân thế mạng, ngựa... là những đồ vật không thể thiếu trong các buổi lễ hầu đồng. Trên các vật này thường có đề tên gia chủ và có giá dao động từ 200.000 đến 500.000 nghìn đồng. Ngoài "ông đồng", "bà đồng" thì còn có từ 2 đến 4 người "phụ đồng" hay còn được gọi là nhị trụ, tứ trụ hầu đồng để chuẩn bị trang phục, lễ lạt. Những người này cũng phải là những người có căn duyên được các ông đồng, bà đồng chỉ dẫn. Các phụ đồng đi theo ông đồng, bà đồng trong thời gian 3 đến 12 năm sau đó có thể đứng ra tự mở phủ. Về trang phục của các "ông đồng", "bà đồng" thường rất nhiều bộ với nhiều màu sắc khác nhau. Theo quan niệm dân gian thì có bao nhiêu giá đồng thì tương ứng và phải chuẩn bị đầy đủ những trang phục tùy theo định hầu mấy giá. Những trang phục này thường gồm khăn đỏ phủ diện, nhiều chiếc áo dài với màu sắc khác nhau, thắt lừng mầu, thẻ ngà, kiềng bạc, vòng, hoa, son phấn… Thế nên, mỗi chuyến hầu đồng, các ông đồng, bà đồng thường mang theo 4 -5 vali to chứa đồ. Hoạt động không thể thiếu trong các buổi hầu đồng là múa đồng. Múa đồng được xem là một hình thức diễn xướng đã được cách điểm hóa, khẳng định sự ứng nhập của thần linh. Mỗi động tác múa khác nhau tùy theo từng vị thánh. Một thứ không thể thiếu trong buổi lễ hầu đồng là hát chầu văn kể sự tích lại lịch các vị thánh khi đang giá. Và sẽ có 1 dàn nhạc gồm có đàn nguyệt, sáo, trống lớn nhỏ, phách… tấu lên các bản nhạc như một chất xúc tác giúp các ông, bà đồng dễ thăng. Anh Lâm Đình Huy ở Gia Lâm, Hà Nội, chơi nhạc cụ trong lễ hầu đồng 15 năm cho hay, đa số người chơi nhạc đều phải qua đào tạo. Dàn nhạc sẽ được trả từ 1 - 2 triệu và có thể được thưởng thêm nếu trong quá trình hầu đồng, các ông đồng, bà đồng vỗ gối khoái chí. Sau các màn lên đồng, hát văn còn có màn thưởng tiền, phát lộc gồm các thứ như tiền, hoa quả, bánh trái… Những người ngồi dự xung quanh sẽ đến cầu xin hoặc nghe "thánh" phán truyền trước khi "thánh thăng". Hầu đồng là một nét văn hóa dân gian tín ngưỡng nhưng ngày nay bắt đầu có nhiều biểu hiện biến tướng khi ngày càng xuất hiện nhiều "ông đồng", "bà đồng" giả mạo. Việc phung phí quá nhiều tiền bạc vào các mâm cúng, đốt đồ vàng mã gây ô nhiễm...cũng đang làm mất đi những giá trị linh thiêng vốn có của tín ngưỡng thờ Mẫu. Do đó, cần có những quy định, quản lý chặt chẽ hơn để gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa tâm linh xưa. Chu Thanh - Thành Cường