(Baonghean) - Những ngày qua, dư luận nóng lên trước thông tin Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa đề nghị Chính phủ tăng chế tài xử phạt với một số vi phạm về giao thông đường bộ. Theo đó, phương tiện sẽ bị tịch thu, tước giấy phép lái xe tới 2 năm nếu người điều khiển vi phạm ATGT ở mức độ nặng như có nồng độ cồn trên 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở hoặc cho xe máy, xe điện, xe thô sơ đi vào đường cao tốc. 
 
Có thể khẳng định, việc uống rượu, bia tham gia giao thông là hành vi vi phạm cần phải xử lý nghiêm nhằm răn đe, ngăn ngừa người vi phạm ở mức độ cao. Tuy nhiên, biện pháp tịch thu xe vi phạm lại có nhiều ý kiến trái chiều.
 
Phía những người ủng hộ cho rằng, biện pháp tịch thu xe là đúng và có căn cứ pháp lý được quy định tại Điều 26, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Còn bên phản đối lại khẳng định: Như thế là vi phạm quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản được quy định trong Luật Dân sự. Nhiều ý kiến còn viện dẫn trong thực tế có xe mượn, xe biển xanh, xe là phương tiện mưu sinh chủ yếu của gia đình nghèo thì xử lý ra sao? Lại nữa, nếu người vi phạm chưa đủ 16 tuổi thì xử lý thế nào?...
 
Trước dư luận trái chiều, một vị lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia giải thích với báo chí rằng: "Những người mượn xe hoặc thuê xe nếu vi phạm thì phải chịu nộp phạt số tiền tương đương với giá trị của xe; nếu việc tịch thu xe được thực hiện thì vấn nạn lái xe say xỉn gây TNGT có thể giảm".
 
Còn tại cuộc hội thảo "Tịch thu phương tiện - pháp lý và thực tiễn" vừa được tổ chức tại Hà Nội mới đây, một số vị luật sư cho rằng, “đề xuất trên tuy gây "sốc" nhưng mang thông điệp răn đe cao” cũng không làm dư luận bớt băn khoăn.
 
Nhiều nước trên thế giới cũng coi những hành vi trên là phạm tội và người ta phạt cũng rất nghiêm khắc; tuy nhiên, chưa có nước nào áp dụng biện pháp tịch thu xe. Ví như nước Anh, nếu bị phát hiện người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn quá mức cho phép thì mức phạt có thể lên tới 6 tháng tù giam, đóng 5.000 bảng; cấm lái xe trong vòng 1 năm. Nếu uống rượu, bia lái xe làm chết người, mức phạt có thể lên tới 14 năm tù giam, phạt tiền không giới hạn; và cấm lái xe từ 2 năm đến vĩnh viễn. Và, nếu muốn có bằng lái xe lại thì họ phải trải qua một cuộc sát hạch rất nghiêm khắc. Ở Trung Quốc, Nhật Bản với lỗi uống rượu, bia quá mức thì lái xe có thể bị phạt tù. Còn Singapore, người vi phạm Luật Giao thông còn có thể bị đánh bằng roi "gân" bò. Số roi tùy theo lỗi nặng nhẹ. Người vi phạm bị úp mặt vào tường và bị cảnh sát dùng roi đánh vào mông đến bật máu…
 
Đề xuất biện pháp tịch thu xe vi phạm của Ủy ban ATGT Quốc gia được đưa ra giữa lúc tình hình TNGT trên địa bàn cả nước đang ở mức báo động đỏ. Mỗi năm trung bình cả nước có đến 9.000 người chết vì tai nạn giao thông. Với con số “khủng” nói trên thì có lẽ đã đến lúc chúng ta cũng phải mạnh dạn dùng tới liệu pháp “sốc” mới mong giải quyết được vấn nạn người chết vì tai nạn giao thông không ngừng gia tăng.
 
 
Việt Long