(Baonghean) Đầu tiên cần khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ không tách rời của cơ thể Việt Nam thống nhất, có ý nghĩa cực trọng đối với tiến trình phát triển của đất nước không chỉ ở quá khứ, hiện tại mà còn là tương lai.
Chúng tôi khảo sát một số SGK Địa lí và Lịch sử phổ thông cũ và mới xuất bản, ngoài cái tên Hoàng Sa và Trường Sa, còn dấu vết của ông cha ta từng vượt hàng trăm hải lý từ đất liền ra đây khai phá, xác lập chủ quyền như cắm cột mốc, dựng bia làm dấu, trồng cây... thì không được nhắc đến. Tất nhiên, với sự phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, những kiến thức đó không khó với người tự tìm hiểu, nhưng rõ ràng một khi được đưa vào chương trình dạy học thì hiệu quả giáo dục vẫn hơn!
Hậu quả không tránh khỏi là phần lãnh thổ biển đảo có khi bị phai nhạt trong ý thức của nhiều bạn trẻ, ý nghĩ của họ về lãnh thổ Việt Nam chỉ là một hình chữ S. Đến một số công ty, tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam, họ biết tận dụng hình ảnh đất nước để quảng bá hàng Việt (như hãng quần áo thể thao Motviet), nhưng trên sản phẩm cũng chỉ có hình chữ S (không có biển đảo). Thậm tệ hơn, có một số sinh viên (đại học và cao học) Việt Nam đang du học trên đất Trung Quốc, tham gia Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Bắc Kinh năm 2010 (do Việt Nam tổ chức tại một trường ĐH lớn), bản đồ Việt Nam là cái không thể thiếu trong những nội dung mà họ giới thiệu về đất nước, con người và văn hoá Việt Nam, thì cũng chỉ vẻn vẹn là hình chữ S, không hề có phần biển đảo?!
Tìm lại bằng chứng lịch sử để đối chất với thế lực đang tranh chấp chủ quyền của ta là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Song, sẽ là thiết thực hơn khi nó đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước, ngấm vào trí tuệ các thế hệ con người Việt Nam, giáo dục giới trẻ luôn trân trọng và thêm quyết tâm gìn giữ biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa như một phần máu thịt của mình. Nhân lên tình yêu và lòng tự hào về biển đảo ở mỗi công dân là việc làm có tính chiến lược, là yếu tố có tính bền vững lâu dài. Muốn vậy, rất cần đưa kiến thức về lịch sử chủ quyền biển đảo Việt Nam nói chung, quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa nói riêng vào chương trình dạy học trong nhà trường. Nội dung ấy, nên đưa trực tiếp vào SGK Lịch sử hoặc Địa lý Việt Nam, rồi giảng dạy trên lớp theo phân phối chương trình; cũng có thể tổ bộ môn Sử - Địa mỗi trường tuỳ theo tình hình mà biên soạn nội dung, triển khai dạy học dưới các hình thức phù hợp...
Hiểu biết đầy đủ lịch sử dân tộc là cơ sở làm nảy sinh và là mảnh đất nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước. Chỉ khi nào tình yêu ấy đi vào tiềm thức, ăn sâu bám rễ trong tư duy và luôn hiện hữu mỗi khi nhắc đến tên đất tên làng tên nước, thì khi đó chủ quyền biên giới lãnh thổ mới thực sự bền vững!