(Baonghean) - Gia nhập muộn, Việt Nam hiện vẫn là nước có tỷ lệ người truy cập Internet - mạng thông tin điện tử vào tốp cao của khu vực và thế giới. Bên cạnh những mặt ưu điểm vượt trội, Internet cũng gây ra không ít phiền toái. Bởi, một khi Internet đã mang "cả thế giới đến với ngôi nhà của bạn" thì nó cũng không loại trừ những thứ độc hại.

Bên cạnh các báo điện tử, các trang web chính thức với nguồn thông tin tin cậy, chính xác, phục vụ tốt cho việc cung cấp thông tin, định hướng thông tin, phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn, thì việc xuất hiện của các blog, trang web, tài khoản (địa chỉ) cá nhân trên các mạng điện tử xã hội đã mở ra cơ hội giải phóng gần như tối đa các nhu cầu giãi bày, lưu giữ, kết nối, chia sẻ cảm xúc, thông tin, tri thức của các cá nhân trên cộng đồng mạng.

Trong xu thế đó, không ít blog cá nhân, các trang tin điện tử cá nhân đã vượt lên thành những địa chỉ nổi tiếng, có thương hiệu bởi số lượt truy cập lớn. Chủ nhân của các blog, web này đã chịu khó đầu tư nội dung thông tin, hình thức trình bày để đáp ứng, thoả mãn các nhu cầu nghe, nhìn, giải trí, nắm bắt thông tin, trong đó có nhiều thông tin hướng đến việc thõa mãn sự tò mò, hiếu kỳ, nên đã thu hút được số lượt truy cập lớn của các cư dân mạng.

Điều đáng nói là tuy số lượng người truy cập rất nhiều, ảnh hưởng xã hội và tác động đến cộng đồng mạng, đến công chúng là không hề nhỏ, nhưng tính chính xác, độ tin cậy... lại gần như không được cấp, ngành hay cơ quan chức năng nào trực tiếp đứng ra bảo đảm, chịu trách nhiệm? Bây giờ, không ít chủ nhân thể hiện "đẳng cấp", chứng tỏ "đẳng cấp" của mình thông qua việc khai thác các câu chuyện, thông tin liên quan đến các vấn đề lịch sử, về bộ máy lãnh đạo, cách điều hành quản lý xã hội, các vấn đề thời sự, chính trị, xã hội đang "nóng"... thu hút sự quan tâm, chú ý của người đọc. Những "sự thật" đó có phải là sự thật hay không, những thông tin đó có chính xác hay không, đúng đến mức nào, thì chỉ có chủ nhân mới biết, thậm chí có khi chủ nhân cũng chẳng biết!

Ban đầu chỉ là chuyện chơi, nhưng do không có nguồn tin chính xác đặt bên cạnh để đối chiếu, xác thực, không có thông tin chính thức đấu tranh phản bác, cộng với sự dễ dãi của người tiếp nhận, lâu dần không ít "tin vịt" được mặc nhiên thừa nhận như là những thông tin chính thức. Và những ảnh hưởng, tác động của nó thì rất khó lường, không thể xem nhẹ...

Sự hiếu kỳ, tò mò, thậm chí lợi dụng những thị hiếu lệch lạc, đã khai thác và đăng tải khá nhiều thông tin về các vấn đề lịch sử, về lãnh tụ, về bộ máy lãnh đạo, về các vấn đề thời sự, chính trị, các vấn đề "nóng" của xã hội... bằng thái độ thiếu nghiêm túc, với cái nhìn chủ quan cá nhân, phiến diện, với cách dựng chuyện và suy diễn vô lối, đã gây ra không ít bức xúc trong dư luận. Lợi dụng sự tò mò và tính hiếu kỳ của người đọc, một số blog, trang web tung ra những thông tin thiếu chính xác, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đưa ra những thông tin sai lệch chỉ cốt để giải quyết những tư thù, hiềm khích cá nhân, giải quyết mâu thuẫn trong quá khứ hoặc hiện tại, nhằm chia rẽ đoàn kết, gây ra sự hoài nghi, bào mòn niềm tin của đảng viên, quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ ta.

Vì thế, trong khi chưa thực hiện có hiệu quả việc quản lý và xử lý một cách nghiêm túc, phù hợp đối với các nội dung thông tin sai lệch đăng tải trên blog, các trang web cá nhân thì bản thân người đọc phải thực sự là người biết lựa chọn các địa chỉ tin cậy, cũng như cách tiếp cận, tiếp thu, sàng lọc thông tin.


Ngô Yên