(Baonghean) Những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám chưa có bài hát "Tiến quân ca". Chúng ta hát Quốc ca theo điệu kèn Tây bài hát có tên là "Dựng cờ dựng". Khi hát "Quốc ca", mọi người nắm chặt bàn tay lại rồi đưa tay lên phía trên mép tai bên phải và đứng nghiêm! Xem những người nông dân chân lấm tay bùn tập trung ở đình làng, miệng hát "Dựng cờ dựng!" tay đưa lên ngang tai để chào cờ, thật hết sức cảm động! Ngày đó, để ca ngợi lãnh tụ, mọi người hát bài "Đuốc gươm thiêng"- "Đuốc gươm thiêng vung cho nước nhà" là bài hát ca ngợi công ơn Bác Hồ.
Bài hát "Quốc ca", "Lãnh tụ ca" trong những ngày đầu cách mạng là hai bài hát tôi nói trên. Những người nông dân áo vải tập hợp ở đình làng hát các bài hát cách mạng. Họ suốt đời chân lấm tay bùn, gọi "lựu đạn" là "mựu đạn", nhưng lòng yêu nước của họ thì có thể nhìn thấy trên gương mặt, trong dáng đi đứng của mỗi người. Họ vác giáo mác trên vai, đeo bên mình cái mã tấu, cái kiếm dài với dáng vẻ nhanh nhẹn và tự hào lắm lắm! Nếu xem kỹ, ta sẽ thấy những cái vỏ kiếm, bao kiếm ấy được chế tác rất tinh xảo.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Ảnh: T.L
Đó là những cái bao bằng gỗ bào trơn chuốt nhẵn và uốn cong theo hình lưỡi kiếm một cách rất tự nhiên. Ngoài bao gỗ ấy là cái vỏ bọc lấy từ xác những con rắn hổ, rắn cạp nong rất đúng kích cỡ, óng ánh đẹp một cách mỹ thuật! Những người nông dân ấy làm lựu đạn và làm mìn "tự chế". Họ lấy gỗ hoặc gốc cây chuối đẽo gọt thành quả lựu đạn hay quả mìn, rồi dùng than củi bôi đen, trông cứ y như thật! Nhìn họ đeo "lựu đạn chuối", "mìn gốc chuối" quanh mình, bước đi trên đường làng có cái gì đó hồn nhiên, ngây thơ, nhưng cảm động đến không nói ra lời! Tôi đã từng lẽo đẽo đi theo "đội dân quân" ấy, xem họ tập luyện đi đều, quay trái, quay phải, lăn, lê, bò, toài, ném lựu đạn, bắn súng gỗ... mải mê từ sáng đến tối ngày. Đến nay, những hình ảnh ấy vẫn rõ mồn một. Tết Độc lập đầu tiên, những người nông dân ấy chưa ai có đủ "gan" để cầm quả lựu đạn mà ném cho nó nổ! Ngày ấy, muốn lựu đạn nổ, các chú dân quân đặt nó ở gò đất giữa đồng, chăng giây dài hàng chục mét rồi nằm bẹt người xuống đất mà dật giây cho nó nổ! Ấy thế mà chỉ mấy ngày sau, tháng sau, những con người ấy đã hăng hái lên đường tòng quân giết giặc...
Ngày đầu kháng chiến, chúng ta đã từng vát nhọn cọc tre cắm khắp đồng, khắp núi để khi "Tây nhảy dù xuống thì sẽ bị cọc tre đâm thủng ruột!". Chúng ta đào hầm, phá đường để Tây đến "không có chỗ mà đi!". Chúng ta phá sạch nhà cửa, phố xá để "Tây đến không có chỗ mà ở!". Trong bài thơ "Gạch vụn thành Vinh", tôi có viết:
Ta đi kháng chiến mười năm ròng
Gửi lại đường Trần Phú,
đường Quang Trung
Gạch và gạch
Mười năm sau gạch nhé!
Thành phố Vinh ngày xưa, trước khi tự tay ta tiêu thổ kháng chiến, là một thành phố vào loại to đẹp có cỡ, có hạng ở trong nước. Hoa kiều, Ấn kiều đông đúc, phố xá cửa hàng buôn bán tấp nập bậc nhất xứ Trung kỳ. Nhưng rồi kháng chiến dài lâu, thành phố đã hai lần bị phá hoại... Thế hệ chúng tôi, đôi khi nhớ, cũng muốn ghi lại đôi dòng kỷ niệm về những ngày tháng đã xa, ngõ hầu sẻ chia cùng các bạn trẻ!