Năm 1999, Lễ hội Làng Vạc được tổ chức lần đầu tiên tại Khu di chỉ khảo cổ quốc gia Làng Vạc và đến nay đã trở thành một lễ hội truyền thống hàng năm. Đây là lễ hội thể hiện lòng hiếu nghĩa của con cháu Lạc Việt nhớ về cội nguồn tổ tiên đã có công khai phá, xây dựng, bảo vệ non sông đất nước.


Truyền thuyết xưa


Tương truyền, ngày xưa, xưa lắm, Thái Hoà là một thung sâu, xanh tươi màu mỡ, bốn bề có núi bao bọc, mặt đất uốn lượn tạo ra nhiều con khe, con suối. Có 3 con suối lớn gặp nhau ở chân núi Đại Vạn (xã Nghĩa Hoà ngày nay). Bỗng một năm mưa lớn chưa từng thấy, nước ngập nhà, ngập cửa, ba con suối lớn đổi dòng nhập thành con sông lớn. Sông mỗi ngày một sâu, nước chảy hiền hoà, dưới sông cơ man nào là tôm, cá, rùa...

763058_small_54352.jpgKhẩn trương hoàn thành các hạng mục chuẩn bị lễ hội. Ảnh: S.M

Từ đó, làng bản ngày một ấm no, có thêm nhiều nghề như làm gốm, đúc đồng. Dân làng biết ơn dòng sông Cả nên làm lễ tạ ơn và xin thần sông đặt tên sông là Hiếu. Các già làng họp lại để tổ chức làm lễ tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ cho dân làng làm ăn khấm khá. Một đêm nọ, thần linh báo mộng cho trưởng làng tập trung dân làng bên đầm làng, ngài sẽ trao báu vật của trời đất để làng tổ chức lễ hội.

Sáng ra, khi dân làng đã tụ hội đông đủ, bỗng thấy giữa đầm nổi lên chiếc vạc đồng to như một gian nhà, trong vạc to lại có 10 Vạc nhỏ và cơ man nào là bát, đĩa, âu... Dân làng tưng bừng mở lễ hội, tổ chức suốt trong ba ngày ba đêm. Những ngày ấy trời thật đẹp, nắng tràn trên thung lũng, lóng lánh dưới dòng sông Hiếu.

Sau ba ngày mở tiệc, dân làng làm lễ tạ ơn và trả báu vật lại cho thần linh. Con trai, con gái rước vạc về đầm, đang sụp lạy thì vạc đồng từ từ trôi ra giữa đầm rồi chìm xuống. Từ đó, để nhớ thần linh, tạ ơn trời đất, làng đặt tên đầm là đầm Vạc, rồi làng cũng được gọi tên là làng Vạc. Hằng năm, cứ đến ngày đã định, dân làng lại tổ chức lễ hội để nhớ thần sông, thần núi đã mang lại cuộc sống ấm no cho bản làng.


Lễ hội nay


Đầu năm 1972, trong lúc đào đất xây dựng đập nước Đại Vạn ở làng Vạc, người dân đã tình cờ phát hiện được một số hiện vật đồ đồng, như thạp đồng, trống đồng cùng một số đồ đồng, đồ đá khác. Từ đó đến nay, đã có 5 đợt tiến hành khai quật tại di tích Làng Vạc và đã phát hiện được 1228 hiện vật có giá trị. Trong đó, có 665 hiện vật bằng đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn hết sức phong phú.

Bắt đầu từ năm 1999, sau khi được công nhận và cấp bằng Di chỉ khảo cổ cấp quốc gia, Lễ hội Làng Vạc được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức thu hút hàng vạn khách thập phương đến hành lễ. Trong các kỳ lễ hội, ngoài những nghi lễ tâm linh còn có các hoạt động văn hóa sôi nổi như thi cắm trại, đấu bóng chuyền, thi giọng hát hay, kéo co, bắn nỏ, đấu vật, đẩy gậy,... với sự tham gia của đông đảo người dân đến từ các xã, phường.

Đặc biệt, lễ hội còn có liên hoan văn hóa cồng chiêng đưa lại không khí hào hứng, sôi nổi trong suốt những ngày diễn ra lễ hội. Ngoài ra, lễ hội còn có nghi thức lễ rước trống đồng, rước các linh vật Làng Vạc từ nơi phát tích huyền thoại Làng Vạc đến nơi để tế lễ.


Để Lễ hội Làng Vạc trở thành điểm văn hóa tâm linh của vùng Tây Bắc, ngoài đền Làng Vạc đã được đầu tư năm 2006 làm nơi thờ cúng và tiến hành các nghi lễ, năm nay Thị xã Thái Hòa đã đầu tư trên 4 tỷ đồng để xây dựng, tôn tạo lại khu Điện thờ Làng Vạc.

Đến thời điểm này, các công việc xây dựng, tôn tạo đã cơ bản được hoàn tất. Tại các bản làng, không khí luyện tập văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian đang diễn ra một cách sôi nổi.

Theo ông Tô Thanh Sơn- Trưởng Phòng văn hóa Thị xã Thái Hòa thì Lễ hội Làng Vạc năm nay sẽ được tổ chức một cách trang nghiêm và có ý nghĩa, xứng tầm với giá trị văn hóa và lịch sử của Khu di chỉ Làng Vạc, thực sự là một hoạt động văn hóa mang đậm tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ An.


Mạnh Hùng