(Baonghean) - Hồi còn là sinh viên Học viện Báo chí tuyên truyền, chúng tôi đã được nghe nhà báo Hồ Quang Lợi "đứng lớp" giảng về cách viết bài bình luận. Những bài giảng của ông luôn khiến các nhà báo tương lai nghe như nuốt lấy từng lời. Hồi đó, ông nổi tiếng, “ngôi sao” trong làng báo nên chúng tôi chỉ biết nghe, tìm báo đọc và ngưỡng mộ từ rất xa mà thôi. Và ít ai biết ông cũng là người dân xứ Nghệ, quê ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Rồi tình cờ sao, khi về công tác tại Nghệ An, tôi lại được “gặp” ông qua buổi nói chuyện vô cùng tâm huyết với đông đảo hội viên Hội Nhà báo tỉnh. Còn nhớ, lần đó, nhà báo Nguyễn Thanh Tiên, Chủ tịch Hội, người có sáng kiến mời Hồ Quang Lợi về quê nói chuyện, sau khi kết thúc và chia tay để ông về Hà Nội vì bận việc, cứ tấm tắc khen lấy khen để “Hồ Quang Lợi sắc sảo thật, giỏi thật…”

766316_small_63856.jpg

Và khi Báo Nghệ An khánh thành trụ sở làm việc mới, ông Hồ Quang Lợi bấy giờ là Tổng biên tập Báo Hà Nội mới đã về thăm và chúc mừng, mang theo rất nhiều tình cảm đồng chí, đồng nghiệp, đồng hương thân thiết. Kể từ đó, ông đã trở nên vô cùng gần gũi trong lòng lãnh đạo và phóng viên báo đảng quê nhà. Chúng tôi được biết, qua những lần trò chuyện trực tiếp ở Nghệ An, ở Hà Nội hay bất cứ đâu có thể, ai cũng học được ở Hồ Quang Lợi “những khoảnh khắc hoạt động căng thẳng và ráo riết của tư duy...”, cái cách để “chộp được một vấn đề, lóe sáng một ý tưởng trong hình hài đột ngột của câu chữ...” (chữ dùng của Nhà nghiên cứu Trần Tiêu Sơn).

Với một xuất phát điểm rất đáng tự hào: học sinh xuất sắc của Trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), được  đào tạo ở Trường Đại học Tổng hợp Bucaret- Rumani, được rèn luyện vốn sống và viết ở tờ báo hàng đầu Quân đội Nhân dân (8 năm làm phóng viên, 13 năm Phó phòng Thời sự Quốc tế, 5 năm làm Phó Tổng biên tập), Hồ Quang Lợi không chỉ nổi bật ở tư cách là một cây viết, một nhà bình luận quốc tế xuất sắc mà còn là một nhà quản lý nhiều kinh nghiệm, luôn biết khơi dậy và phát huy phẩm chất, năng lực của nhiều cây bút xuất sắc khác.

Được biết, ông đã 7 lần đoạt giải cao tại các cuộc thi báo chí quốc gia, trong đó có Giải A báo chí quốc gia năm 1991 dành cho loạt 14 bài bình luận về chiến tranh Vùng Vịnh. Ông đã xuất bản 2 tập sách, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt : “Cuộc bứt phá toàn cầu” (1997) và “ Ẩn số thời cuộc” ( 2004) .

Điều giúp mọi người thấy rõ nhất năng lực quản lý của  ông, chính là thời kỳ ông đảm trách cương vị Tổng biên tập Báo Hà Nội mới. Xem tờ báo đảng Thủ đô lúc bấy giờ, có thể thấy rõ dấu ấn, hồn cốt của một Tổng biên tập qua những vấn đề quốc kế, dân sinh (cách nói của nhà báo Hồ Quang Lợi khi làm việc với các trưởng ban để triển khai các số báo) được thể hiện qua từng chuyên mục, chuyên trang của báo.

Những vấn đề của Thủ đô hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội lúc bấy giờ được nêu ra trên Báo Hà Nội mới thực sự đã dấy lên một phong trào hành động trên khắp phố phường, tác động tích cực tới suy nghĩ và việc làm không chỉ đối với cán bộ và nhân dân Thủ đô…

Rất vui mừng cho Hồ Quang Lợi khi ông được tin tưởng bầu vào trọng trách Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo rồi đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội. Nhiều người tỏ ý tiếc cho một cây bút sắc sảo không có dịp “tung hoành” khi bận nhiều công việc lãnh đạo, quản lý vĩ mô. Nhưng rồi mọi người lại bất ngờ và thú  vị chuyền tay nhau đọc những bài viết mới của ông. Ấy là một bài phỏng vấn về tương lai của thế hệ trẻ mà Hồ Quang Lợi là người trả lời rất cơ bản mà cũng rất lạ, rất mới.

Ấy là bài viết “Dân chủ cho ai? Pháp quyền vì ai?” Tôi là người đã mạnh dạn nhắn tin cho ông khi được đọc bài báo ấy, khi lại được thấy “chân dung” đậm nét của Hồ Quang Lợi quen thuộc qua từng câu chữ, cách lập luận rất riêng của ngòi bút chính luận sắc sảo này. Tôi cũng được ông hồ hởi thông báo: “Đã có 10 báo giới thiệu lại trong dịp này đấy, đồng nghiệp ạ!”


Mừng cho ông, cho làng báo biết bao khi chúng ta lần giở trang báo, trang mạng và được đọc dòng chữ quen thuộc, đầy thu hút sau mỗi đầu đề đề tên tác giả: Nhà báo Hồ Quang Lợi!


P.T.V