Ngày 26/5, ông Kha Văn Ót – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An), cho biết, trong tuần tới, huyện sẽ thành lập đoàn để kiểm tra việc thực hiện dự án cấp bò giống Chương trình 30a trên địa bàn. Động thái này được đưa ra sau khi một số hộ dân phản ánh việc bò giống của dự án bị lở mồm long móng chỉ vài ngày sau cấp phát.
Ông Ót cho hay, thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo (Chương trình 30a), năm 2017, huyện Tương Dương có 331 hộ đăng ký và tự nguyện đóng góp thêm tiền để được nhận bò giống. Mỗi con bò giống có trọng lượng 125 kg trở lên với giá 14,250 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng mỗi con. Phần còn lại là người dân góp.
Theo UBND huyện Tương Dương, từ tháng 1/2018 đến tháng 4/2018, huyện đã cấp 170 bò giống cho người dân trên địa bàn 8 xã. Tuy nhiên, ngày 12/4, chỉ vài ngày sau khi nhận bò giống đợt 2, một số hộ dân ở xã Lưu Kiền, Tam Thái phát hiện bò bị lở mồm long móng. Sau đó, tính đến ngày 7/5, có đến 18 con bò giống của dự án này được xác định bị lở mồm long móng. Ngoài ra, còn có gần 100 con bò khác của người dân cũng mang bệnh dịch này.
“UBND huyện sau đó đã công bố dịch đồng thời lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh. Tổ chức tiêm phòng, khử trùng vùng dịch. Từ ngày 18/5 đến nay, chưa ghi nhận con bò nào phát sinh bệnh”, ông Kha Văn Ót nói.
UBND huyện Tương Dương thừa nhận, trong quá trình nhận bò giống về cho người dân, đã có 2 thiếu sót trong việc thực hiện quy trình phòng dịch và cấp giống.
Theo quy định, bò giống phải được tiêm vắcxin phòng dịch 2 đợt. Đợt 1 gồm một mũi vắcxin tụ huyết trùng và một mũi vắcxin lở mồm long móng. 21 đến 28 ngày sau thì tiêm mũi vắcxin lở mồm long móng thứ hai. Sau khi tiêm mũi thứ hai khoảng 14 đến 21 ngày mới lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra hàm lượng kháng thể lở mồm long móng. Tuy nhiên, đàn bò giống cấp về huyện Tương Dương sau khi tiêm mũi vắcxin thứ 2 chưa đủ ngày nhưng đã vội lấy mẫu xét nghiệm là không đúng quy định.
Ngoài ra, huyện Tương Dương cũng thừa nhận, thời điểm cấp bò giống về địa phương là không phù hợp. Đây là thời điểm giao mùa, trên địa bàn một số xã lại đang tổ chức tiêm phòng chưa đạt tỷ lệ bảo hộ trên đàn gia súc nhưng đã nhập bò giống về.
Lãnh đạo huyện cho rằng, vì thế rất khó xác định bò giống của dự án lây bệnh lở mồm long móng cho bò tại địa phương hay bò địa phương lây bệnh qua bò dự án.
Về những thiếu sót này, lãnh đạo UBND huyện Tương Dương cho biết, sẽ kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các xã tập trung dập dịch, khắc phục hậu quả, không để người dân thiệt thòi.