Đồng chí Lê Minh Thông – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện Sở LĐTB & XH, Sở NN & PTNT, Hội LHPN tỉnh, các ban ngành liên quan...
Huy động gần 145 tỷ từ nguồn xã hội hóa
Báo cáo tại hội nghị do Phó Giám đốc Sở LĐTB & XH trình bày nêu: Thời gian qua công tác phối hợp giảm nghèo bền vững của các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Các thành viên Ban tổ chức Thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; các sở, ngành có liên quan đã bám sát các nội dung, mục tiêu chỉ tiêu và nhiệm vụ được giao trong Chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh.
Kết quả, năm 2017, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 3,456 ngàn tỷ đồng. Trong đó Ngân sách Trung ương đầu tư theo mục tiêu là hơn 3,301 ngàn tỷ đồng; ngân sách địa phương đầu tư hỗ trợ theo Quyết định số 56 của UBND tỉnh là 10 tỷ đồng. Nguồn xã hội hóa của các cơ quan doanh nghiệp gần 145 tỷ đồng.
Bà Hồ Thị Châu Loan - Phó Giám đốc Sở LĐTB & XH thông tin thêm: Từ nguồn vốn huy động được đã có rất nhiều chính sách, dự án giảm nghèo được triển khai. Đó là hỗ trợ nguồn vốn vay cho 38.437 lượt hộ vay với hơn 1,278 ngàn tỷ đồng. Hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho 18.000 lượt người thuộc hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng.
Toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 504 căn nhà với tổng kinh phí gần 16 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề cho 4.183 người; hỗ trợ cho 860 người tham gia XKLĐ.
Sở LĐTB & XH thông tin, thông qua cuộc vận động ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” và chương trình Tết vì người nghèo đã huy động gần 89 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ nghèo làm nhà mới, sửa chữa nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ giống cây con; thuốc chữa bệnh; cứu đói và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh thuộc diện hộ nghèo
Tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn mức bình quân cả nước
Tuy nhiên “Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao hơn mức bình quân chung của cả nước; nguồn vốn phân bổ còn chậm; mô hình giảm nghèo chưa nhiều, một số nơi còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại”, là ý kiến của các sở, ban ngành liên quan nêu ra tại cuộc họp.
Nguyên nhân của tình trạng này được Sở LĐTB &XH chỉ ra: Do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy chính quyền trong việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững chưa quyết liệt, chưa sâu sát. Nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân, nhất là một số hộ nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại để được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nhiều do thiên tai, bão lụt, hạn hán liên tục xảy ra.
Bên cạnh đó còn nhiều vướng mắc trong việc lập hồ sơ đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn chậm so với thời gian quy định.
Qua phân tích các nguyên nhân, hạn chế, Ban tổ chức đã đưa ra 7 giải pháp chính để triển khai nhiệm vụ năm 2018. Trong đó tập trung chỉ đạo cải thiện sinh kế và cải thiện cuộc sống cho người nghèo; bảo đảm 100% người nghèo được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ.
Tăng cường công tác kiểm tra giám sát
Đồng thời thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về vay vốn, hỗ trợ hộ nghèo về giáo dục y tế, nhà ở, tiền điện...; tăng cường công tác khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, hướng dẫn cách làm ăn nhằm giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.
Đặc biệt cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ tỉnh đến cơ sở; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo các cấp, nhằm đưa công tác xóa đói giảm nghèo đi vào nề nếp, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững.