Đến nay, huyện Nam Đàn đã gieo được khoảng 40% diện tích mạ vụ xuân, dự kiến việc ra mạ và gieo cấy đều đảm bảo lịch khung thời vụ đã đề ra. Phần lớn diện tích mạ vụ xuân ở đây được che phủ ni lông chống rét nên dù nhiệt độ những ngày qua xuống thấp nhưng cơ bản không bị thiệt hại.
Tại huyện Nam Đàn, các đồng chí lãnh đạo cũng đã đi kiểm tra mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với dịch vụ du lịch sinh thái của xã Nam Nghĩa.
Thăm mô hình bắc mạ khay và cấy bằng máy đã được triển khai hiệu quả từ 4 năm nay tại xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá rất cao hiệu quả của mô hình và đề nghị huyện Thanh Chương tiếp tục có giải pháp nhân rộng, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân trên địa bàn.
Cũng trong sáng nay, các đồng chí lãnh đạo cũng đã đi kiểm tra một số mô hình chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng nhà màng đem lại hiệu quả kinh tế cao tại các xã Thanh Lĩnh, Thanh Liên và Thanh Nho.
Sau khi đi kiểm tra tình hình thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu chỉ đạo: Cùng với việc nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp; tăng cường ứng dụng tiến bộ KHCN gắn với tiêu thụ và chế biến nông sản, tạo đầu ra bền vững cho nông sản; thì trước mắt, theo dự báo, từ nay đến tháng 2/2021, các đợt rét sẽ còn tiếp tục xảy ra bởi vậy ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tăng cường thực hiện các biện pháp chống rét cũng như quản lý các loại dịch bệnh hại, đảm bảo an toàn cho cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.
"Hướng dẫn nông dân chăm sóc và bảo vệ rau màu trong trường hợp xảy ra rét đậm, rét hại và sương giá như che phủ ni lông, tăng cường lân, kali...Chuẩn bị nguồn giống dự phòng để chủ động gieo lại khi có thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra. Thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu yêu cầu thêm.