Trong sản xuất nông nghiệp, vụ xuân là vụ sản xuất chính trong năm, quyết định trên 60% mục tiêu sản lượng lương thực cả năm. Tuy nhiên, vụ xuân cũng là vụ sản xuất chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, vụ xuân năm 2021 rét đậm, rét hại xảy ra sớm và kéo dài.
Các đợt rét đậm, rét hại tập trung trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 12/2020 đến tháng 02/2021, mỗi đợt có khả năng kéo dài từ 7 đến 10 ngày, cộng thêm nguy cơ tiềm ẩn một số dịch bệnh gây hại như: Chuột, bệnh đạo ôn,... hại lúa, sâu keo mùa thu hại ngô có khả năng phát sinh gây hại nặng trên diện rộng làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh trưởng, năng suất và sản lượng cây trồng.
Để sản xuất vụ xuân năm 2021 giành thắng lợi toàn diện, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở; thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. UBND các huyện, thành phố, thị xã:
- Trên cơ sở Đề án sản xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy hoạch, kế hoạch và đặc điểm địa hình, đất đai, khí hậu, trình độ thâm canh sản xuất của địa phương để xây dựng, triển khai chỉ đạo thực hiện kế hoạch, đề án sản xuất vụ xuân năm 2021 của địa phương mình đạt kết quả cao nhất.
- Thành lập Ban chỉ đạo sản xuất vụ xuân cấp huyện; phân công phụ trách chỉ đạo và chịu trách nhiệm cụ thể từng xã, cụm xã, phường, thị trấn. Phát động phong trào ra quân làm thủy lợi, vệ sinh đồng ruộng, đắp bờ giữ nước, làm đất sớm (làm dầm, làm ải), tổ chức diệt chuột; chuẩn bị tốt ruộng làm mạ.
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở để nông dân biết và thực hiện nghiêm lịch thời vụ, cơ cấu giống và áp dụng các giải pháp kỹ thuật hợp lý để lúa trổ trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn trên địa bàn thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính, dự báo và tham mưu chỉ đạo phòng trừ kịp thời hiệu quả các đối tượng dịch hại.
- Đối với sản xuất rau màu: Chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chăm sóc các loại rau màu vụ đông năm 2020, khẩn trương khắc phục các diện tích đã bị thiệt hại do mưa lũ, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện như giống, quỹ đất,... cho việc gieo trồng rau màu vụ xuân năm 2021.
- Rà soát lại nguồn nước tại các hồ, đập, sông, suối để xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, đặc biệt vùng đất cao cưỡng không đủ nước tưới suốt cả vụ chuyển sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả hơn.
- Tăng cường mở rộng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), quản lý dịch hại tổng hợp (TPM), VietGAP, ứng dụng công nghệ cao,... Sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy mô hàng hóa, theo chuỗi giá trị sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất.
- Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất ở địa phương. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng giống, vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng đưa vào phục vụ sản xuất.
- Trong quá trình chỉ đạo triển khai, nếu có những khó khăn, vướng mắc, phát sinh các địa phương phải báo cáo ngay cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu UBND tỉnh xử lý kịp thời.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng và sớm ban hành phương án phòng trừ dịch hại cây trồng, phương án chống hạn để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện.
- Chủ động phối hợp với UBND các huyện để thực hiện tốt công tác quản lý giống, vật tư nông nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp; ngăn chặn tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho sản xuất.
- Thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo các đơn vị chuyên môn và phòng chuyên môn thuộc Sở để phối hợp với UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nội dung Đề án sản xuất trồng trọt vụ xuân 2021, xử lý các vướng mắc, khó khăn ở cơ sở, giúp nông dân thuận lợi trong sản xuất.
- Chỉ đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các địa phương, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Nghệ An... xây dựng các chương trình tuyên truyền hướng dẫn, khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh hại do cơ quan chuyên môn đề ra.
- Thường xuyên phối hợp với Trung tâm Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ để theo dõi, nắm tình hình diễn biến của thời tiết, nhất là tình hình rét đậm, rét hại và các diễn biến bất thường khác ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Tham mưu, chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
- Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện cần thiết như: giống, vật tư phân bón, thuốc BVTV,.... Để phục vụ tốt cho sản xuất, tránh tình trạng khan hiếm, đội giá nguồn vật tư NN khi nhu cầu của người dân cao.
- Định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp tình hình và kết quả sản xuất vụ xuân năm 2021 báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu trình UBND tỉnh hỗ trợ kịp thời kinh phí cho các địa phương về các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo quy định hiện hành.
4. Sở Công Thương:
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thônchỉ đạo các công ty thủy điện trên địa bàn tỉnh điều tiết xả nước phù hợp, đảm bảo đủ nước tưới phục vụ sản xuất vụ xuân năm 2021.
- Chỉ đạo Điện lực Nghệ An căn cứ vào lịch thời vụ sản xuất vụ xuân năm 2021 để ưu tiên điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là những địa phương, các vùng không chủ động được nước, thời điểm cần điện để bơm nước chuẩn bị ruộng để gieo cấy lúa xuân.
5. Sở Khoa học và Công nghệ:Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương để chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tập trung những vùng lợi thế, vùng đã được quy hoạch công nghệ cao, giúp nông dân sản xuất ra sản phẩm ngày càng có chất lượng, hiệu quả kinh tế.
6. Các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội:Vận động các cấp Hội và hội viên thực hiện tốt các biện pháp, giải pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Quan tâm giúp nông dân thay đổi tư duy, nhận thức sản xuất nông nghiệp từ sản xuất kinh nghiệm sang sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, sản xuất hàng hóa có chất lượng phù hợp với thị trường trong nước và xuất khẩu nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
7. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An:
- Tăng cường thời lượng và thời điểm phát sóng thích hợp để tuyên truyền cho nông dân nắm bắt kịp thời lịch thời vụ, các biện pháp thâm canh, diễn biến của thời tiết, sâu bệnh hại trên cây trồng, từ đó giúp người dân chủ động phòng tránh và khắc phục những bất lợi do thời tiết, dịch bệnh gây ra.
- Xây dựng các phóng sự về những mô hình sản xuất nông nghiệp mới ứng dụng công nghệ cao, kịp thời đưa tin biểu dương những địa phương đã làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất, các tổ chức, cá nhân điển hình trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời có những phản ánh đối với những địa phương làm chưa tốt để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành.