Thần tích ở đình làng Thanh Liệt, nơi thờ Chu Văn An làm Thành Hoàng, có ghi lại rằng, cụ sinh năm Nhâm Thìn (1292) và mất năm Canh Tuất (1370); quê thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là huyện Thanh Trì), Hà Nội.

763381_small_58348.jpgTranh Chu Văn An trong miếu thờ ở Hà Nội. Ảnh: AV (st)
Thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), Chu Văn An về mở trường dạy học, học sinh của cụ nhiều người thành đạt, giữ trọng trách ở triều đình như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát... Đến đời vua Trần Minh Tông (1314-1329), cụ được mời ra giữ chức Tư nghiệp của Trường Quốc Tử Giám, dạy Thái tử Trần Vượng học hành. Tuy gần gũi vương triều, nhưng về chính sự, cụ không có quyền hành gì. Và khi không dạy Thái tử nữa, cụ chuyển sang làm Tế tửu Quốc Tử Giám - theo cách nói ngày xưa là chức nhàn quan. Càng về sau, Chu Văn An càng lưu tâm nhiều đến chính sự. Đã có lúc, cụ "Kính họa thơ vua" (Cung họa ngự chế động chương), bài thơ tứ tuyệt qua bản dịch của Trần Lê Sáng:

Hạc múa ngoài sân, mây cửa lồng,
Sương hoa nhắp chén, thảnh thơi lòng.
Ẩn bên đào biếc đời vô sự,
Quét thạch đàn, ta mượn gió Đông.(1)

Tuy vậy, trong triều đình, cụ đã ngầm có sự đánh giá về phẩm chất các quan cao cấp, phân biệt kẻ chính người tà, loại trung loại nịnh. Bước sang đời Đại Trị (1358-1369), khi đó Minh Vương đã mất (1329), Dụ Vương thì chìm đắm vào hoan lạc, chơi bời. Không nén nổi lòng mình, cụ cầm thẳng bút mà viết "Sớ thất trảm" gửi lên Trần Dụ Tông, công khai đòi chém 7 kẻ gian thần, với mong muốn cứu vãn tình thế bê bối của vương triều nhà Trần. Quả đúng như Lê Trung nhận xét: "Thất trảm chi sớ, nghĩa động quỷ thần" (Tờ sớ đòi chém 7 tên, nghĩa khí chấn động cả quỷ thần). Xin lưu ý, có bản lại chép là "Thất trảm chi sớ, nghĩa động càn khôn" (Tờ sớ đòi chém bảy tên, nghĩa khí chấn động cả đất trời). Tờ sớ làm rung động dư luận đương thời, hơn nữa còn kéo dài ảnh hưởng tới nhiều thế hệ nhà nho nước ta. Bất cứ ai, ở đâu, nhắc đến tên tuổi Chu Văn An đều không quên nhắc đến, ca ngợi, thán phục "Sớ thất trảm". Xin dẫn lại bài thơ chữ Hán "Vịnh Chu An" của nhà thơ Cao Bá Quát (1809-1854) qua bản dịch thơ của Vũ Mộng Hùng:

Tiết ứng lòng trung khí phách hùng,
Một tay muốn kéo lại vầng hồng.
Cô trung sấm sét không chồn chí,
Thất trảm yêu ma phải rợn lòng.
Trời đất soi chung vầng hào khí,
Nước non còn mãi nếp cao phong.
Suối vàng nơi ẩn nay đâu tá,
Văn Miếu còn tên, hương khói nồng! (2)

Nghe truyền lại, do vua nhu nhược không dám phê chuẩn "Sớ thất trảm", Chu Văn An liền xin nghỉ việc quan, tìm về núi Phượng Hoàng (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay) có cảnh đẹp u nhã, dựng nhà dạy học và bốc thuốc cứu dân. Thời gian này, cụ lấy hiệu là Tiều Ẩn. Ngoài bốc thuốc, Chu Văn An còn tìm hiểu, viết sách về Đông y.

Cuốn Y học yếu giải tập chú di biên, tương truyền là do cụ biên soạn, có giá trị, góp phần xây dựng nền y học nước nhà. Theo GS. Vũ Ngọc Khánh, bên cạnh cuốn Y học yếu giải tập chú di biên thì sách Thanh Trị Quang Liệt Chu thị di thư cũng có những ghi chép về y học, thiên văn, phong thủy của cụ. Tuy vậy, những tài liệu này còn phải đợi xác minh mới có thể khẳng định là của Chu Văn An. (3)

Ở ẩn để giữ mình, tu tâm luyện đức, bốc thuốc dạy học, nhưng tấm lòng Chu Văn An đối với nhà Trần, với đất nước và giống nòi thì vẫn tha thiết khôn nguôi. Sử sách còn ghi, năm 1369, Trần Dụ Tông mất, con nuôi của Cung Túc Vương là Dương Nhật Lễ muốn chấm dứt họ Trần, dựng nghiệp đế cho họ Dương.

Trần Phủ và tôn thất họ Trần đã hội nhau khởi binh, bắt Dương Nhật Lễ giết chết, rồi rước Cung Tĩnh Vương - em của Dụ Tông - đưa lên ngôi, tức Trần Nghệ Tông.

Bấy giờ đã ở tuổi 77, Chu Văn An hay tin triều đình diệt được âm mưu phản loạn; giữ được nghiệp đế cho nhà Trần, nên cụ đã không quản ngại tuổi già sức yếu, chống gậy lọ mọ về kinh chúc mừng... Trần Nghệ Tông mời cụ ở lại làm quan, nhưng cụ một mực từ chối(3). Chỉ chưa đầy một năm sau, ngày 28-11 năm Canh Tuất (1370), cụ Chu Văn An trút hơi thở cuối cùng, để lại cho hậu thế một tấm gương sáng về nhiều mặt!

Một nhà nho tiết tháo cương trực, một ẩn sĩ thanh cao không vướng bụi trần, một nhà sư phạm đạo cao đức trọng, một thi sĩ của thiên nhiên tìm tòi độc đáo - Chu Văn An là thế đó. Bởi vậy, hình hài cụ đã mất, mà danh thơm còn truyền mãi qua sử sách, thơ văn, đền miếu, giai thoại dân gian...

Người từng viết những câu thơ Thiền:

Thân nhàn tựa áng mây trôi,
Gió trăng nửa gối, việc đời nhẹ tênh.
Cõi trần xa, cõi Phật thanh,
Sân, hoa như máu, chim oanh líu lường.
(Bản dịch thơ của Đào Thái Tôn)

cũng là người viết "Sớ thất trảm", viết "Y học yếu giải". Thì ra, con người ấy, thân nhàn mà tâm không nhàn. Làm thơ, dâng sớ, dạy học hay bốc thuốc chữa bệnh, đều là để cứu người cả!

(1)- (2): Dẫn theo Trần Lê Sáng, trong cuốn Cuộc đời và thơ văn Chu Văn An, NXB Hà Nội, 1981, tr187.
(2): Từ điển văn hoá Việt Nam, GS. Vũ Ngọc Khánh chủ biên, NXB văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2009, tr-53.
(3): Xem Đặng Duy Phúc, sách Thăng Long - Đông kinh - Hà Nội, quê hương và nơi hội tụ nhân tài, NXB Hà Nội, 1996, tr175.


K.H