Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, được giới Sử học trong nước và loài người tiến bộ trên thế giới đánh giá là một trong những kỳ tích của thế kỷ XX. Nhưng cũng ngay vào thời điểm dễ chủ quan, lơ là đó, những yếu kém, thậm chí tiêu cực khá nặng nề về đạo đức, tư cách của một số cán bộ làm cách mạng đã bị phơi bày rất cụ thể, khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh và đông đảo nhân dân đi theo Người phải buồn phiền, lo lắng.

Thế là, chỉ sau Cách mạng tháng Tám thành công và bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời hơn một tháng, trên Báo Cứu Quốc, số 69, ra ngày 17 -10- 1945, Bác Hồ có gửi Thư cho Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng trong cả nước. Thư này, Bác chỉ ra bốn lỗi lầm nặng nề như sau:

763383_small_58587.jpgTranh cổ động của Lai Thành (Bột mày -1979). Ảnh tư liệu: K.H

1. Cậy thế: Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận không nghĩ đến dân quên rằng dân  bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân.

 2. Hủ hoá: Ăn muốn ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra? Thậm chí lấy của công dùng làm việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông uỷ viên đi xe hơi, rồi bà uỷ viên cho đến các cô các cậu uỷ viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi, những hao phí đó ai chịu?

3. Tư túng: Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng, việc là việc  công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai.

4. Kiêu ngạo: Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh nhân dân, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt "quan cách mạng" lên. Không biết rằng thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến uy tín của Chính phủ.(1)

Cách nói của Bác là rất cụ thể, rõ ràng, thẳng thắn, không sợ làm "mất mặt" ai vì những điều Người chỉ ra là hoàn toàn có thật và đang gây bức xúc.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, rõ ràng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra vấn đề phê bình và tự phê bình, ngay trong hàng ngũ cán bộ của chúng ta, bởi Người ý thức dứt khoát chủ nghĩa cá nhân  là một thứ giặc "nội xâm", dù dưới hình thức trơ tráo hay tinh vi nào cũng đi ngược lại với đạo đức cách mạng. Một khi còn lại trong mình, dù chỉ ít thôi, thì nó chờ dịp sẽ phát triển, để che lấp, thậm chí còn dìm đạo đức cách mạng xuống bùn đen. Nó ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp.

Cán bộ tồi, thiếu đạo đức thì dân ngày càng cơ cực, vận nước nguy nan, và như thế đất nước dẫu có độc lập rồi thì nền độc lập đó, theo Bác, cũng không mấy ít nghĩa!  65 năm đã trôi qua (1945 - 2010), ngày nay bên cạnh những thành tựu cực kỳ to lớn về nhiều mặt, vẫn còn đó: "Bộ phận không ít đảng viên, cán bộ của Đảng đã mang nặng chủ nghĩa cá nhân, xa rời lợi ích của Đảng, của nhân dân, lợi dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích gia đình,  bộ phận.

Biểu hiện suy thoái đạo đức nổi bật nhất hiện nay là nạn tham nhũng, lãng phí của công, ăn chơi sa đọa... và điều nghiêm trọng hơn là chúng ta chưa có đủ các biện pháp ngăn chặn một cách có hiệu quả."(2). Nhận chân và nói rõ thực trạng này thật không dễ. Nhưng cái quyết định không chỉ là nhận thức ra vấn đề và nói cho lâm li, xa xót. Cốt lõi tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh ngay từ khi hình thành đã là Nói đi đôi với Làm, thậm chí Làm nhiều cho nước cho dân mà không Nói một lời nào!
Chủ nghĩa Nhân văn Hồ Chí Minh rất thương yêu con người, tìm mọi cách cứu khổ cứu nạn cho con người, nhưng chủ nghĩa đó cũng luôn yêu cầu rất cao ở con người, nhất là khi những con người đó đang là "nô bộc của nhân dân".

Mục đích của chủ nghĩa Nhân văn ấy, suy cho cùng đối với chúng ta ngày nay, là xây đắp một chế độ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh! Nhà thơ Ô-xip Man-den-xtan (Liên Xô) từ năm 1923, sau khi tiếp xúc với thanh niên Nguyễn Ái Quốc lúc mới 33 tuổi, đã thốt lên một nhận xét nổi tiếng: "Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một nền văn hoá, không phải văn hoá Châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hoá của tương lai!? ". Có phải, chúng ta theo Bác đang xây đắp, nền văn hoá tương lai đó, ngay từ sau tháng Tám mùa Thu Cách mạng!?
-------------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 57 - 58.
(2) Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường Cách mạng Việt Nam. Tập thể soạn giả, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ biên. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 350 - 351.
Kim Hùng