(Baonghean) - Khác với những năm trước, các hoạt động chung của xóm Tân Yên, xã Tân Phú (huyện Tân Kỳ) đều phải mượn nhà dân. Từ ngày nhà văn hóa xóm được khánh thành (cuối năm 2012), nhân dân xóm Tân Yên có địa điểm để tổ chức các hoạt động mang tính cộng đồng. Bí thư chi bộ xóm Tân Yên, xã Tân Phú - Nguyễn Tư Nguyên phấn khởi cho biết: “Chi bộ vận động nhân dân quyên góp ủng hộ xây dựng nhà văn hóa - một nhu cầu thiết yếu của xóm.

Năm 2012, Chi bộ và Ban Cán sự xóm Tân Yên thống nhất chủ trương xây dựng nhà văn hóa để làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Chủ trương của chi bộ được triển khai xuống các tổ liên gia, xóm tổ chức họp dân để bàn bạc, thảo luận lấy ý kiến của nhân dân một cách công khai, dân chủ. Chủ trương xây dựng nhà văn hóa xóm hợp lòng dân, bà con ai cũng thấy có lý và làm theo. Nhân dân trong xóm đóng góp mỗi khẩu 400.000đ, xã Tân Phú hỗ trợ 20 triệu đồng, Công ty Mía đường Sông Con 10 triệu đồng, xóm Tân Yên đã xây dựng hoàn thành nhà văn hóa cùng với trang bị cơ sở vật chất trị giá gần 500 triệu đồng. Đây là thành quả việc huy động, vận dụng nội lực sức dân mà chi bộ học tập ở tư tưởng của Người”.

Thực hiện tiết kiệm để xây dựng cơ sở vật chất, công trình dân sinh thiết yếu là việc làm được người dân ở các xóm của xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ  tự giác thực hiện. Năm học 2011-2012, Trường Mầm non Tân Phú đã huy động cán bộ, giáo viên quyên góp, ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất trên 15 triệu đồng. Hay như xóm Tân Thái huy động sức dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa trên 200 triệu đồng. Trong đó, các đảng viên trong chi bộ đóng góp trang bị bàn ghế trong hội trường. Xóm Tân Lương vận động nhân dân đóng góp tiền của và ngày công xây dựng nhà văn hóa xóm… Cùng với đó là nhiều hành động tình nghĩa như vận động nhân dân quyên góp trồng cây ở Đài tưởng niệm liệt sỹ của xã trị giá 8 triệu đồng. Toàn xã ủng hộ Quỹ Nghĩa tình trên 13 triệu đồng, Quỹ Vì người nghèo trên 10 triệu đồng, trên 200 ngày công… để sửa chữa một nhà đại đoàn kết, hỗ trợ học sinh nghèo, giúp người nghèo ổn định cuộc sống và từng bước vươn lên thoát nghèo…

Để việc “làm theo” Bác đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa, Đảng bộ xã Tân Phú, mỗi cán bộ, đảng viên cán bộ xã thực hiện tiết kiệm 1-2 ngày lương để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Các ban, ngành, đoàn thể đều đăng ký thực hiện “làm theo” với những việc làm thiết thực như: Hội Cựu chiến binh có mô hình góp vốn xoay vòng, Hội Phụ nữ có mô hình tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, xây dựng mái ấm tình thương, xây dựng 12 câu lạc bộ phân loại rác thải, chăm sóc bảo vệ môi trường được các chi hội thực hiện tốt. Hội Người cao tuổi vận động công tác tương trợ nhau. Đoàn Thanh niên thực hiện tốt việc đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên. Hội Nông dân với phong trào "Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi". Ngoài mô hình trồng cây cao su, nông dân xã còn nhân rộng mô hình trồng dưa xen cao su, trồng mía, phát triển chăn nuôi, dịch vụ… Nhiều cán bộ, đảng viên ở Tân Phú đã phát huy tính cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giúp nhiều hộ trong xã thoát nghèo, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương….

Đồng chí Nguyễn Thị Huệ - Bí thư Đảng bộ xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ cho biết: “Đảng bộ xã luôn chủ động đề ra các nghị quyết lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đồng thời phân công cho các đảng viên phụ trách các chi bộ, xóm luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giúp đỡ người dân giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong đời sống, tạo nên mối quan hệ thân thiết giữa đảng viên với nhân dân. Nhờ vậy, đời sống nhân dân Tân Phú không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2012  còn 3,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/ 1 năm, góp phần đưa xã Tân Phú trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong các phong trào của huyện Tân Kỳ trong những năm gần đây.


Bài, ảnh: Lê Thanh