(Baonghean) - Mặc dù đã có hẹn trước nhưng khi đến nhà thì ông lại vắng mặt vì bận “chỉ huy” đoàn xe đổ đất ở đầu làng. Gặp ông lúc đang tất bật quần ống cao, ống thấp đứng giữa mưa để hướng dẫn xe tải đổ đất san lấp mặt bằng làm đường giao thông nông thôn. Vừa vẫy tay ra hiệu điều chỉnh tay lái cho tài xế, ông Bạch Quang Vinh - Xóm trưởng xóm Phong Anh, xã Nghi Phong (Nghi Lộc) cho chúng tôi biết: “Phải tranh thủ lúc tuyến đường 534 đoạn đi qua xã đang thi công, tôi phải liên hệ với họ vừa giúp họ có chỗ đổ đất, xóm lại đang cần đất để nâng cao, mở rộng đường chuẩn bị mặt bằng làm đường bê tông đạt chuẩn nông thôn mới.

Là người con của mảnh đất Nghi Phong anh hùng, năm 1975, Bạch Quang Vinh lên đường nhập ngũ, năm 1981 hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương. Với ý chí anh Bộ đội Cụ Hồ, không chịu khuất phục trước đói nghèo, Bạch Quang Vinh quyết tâm làm giàu từ mảnh đất quê hương bằng việc mở ki ốt buôn bán dịch vụ ở chợ Vinh vừa phát triển chăn nuôi, dịch vụ xe tải chuyên chở hàng hóa. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của gia đình từng bước được nâng lên. Năm 2004, ông được bà con tín nhiệm bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân xã và Xóm trưởng xóm Phong Anh từ năm 2005 đến nay, vừa giữ chức Phó Ban giáo lý của Giáo xứ Làng Anh.

Trước đây, Phong Anh là một xóm nghèo, với 113 hộ, 503 khẩu, trong đó bà con giáo dân chiếm 95%, các phong trào của xóm đều xếp loại yếu kém của xã. Ông nghĩ muốn phong trào của xóm đi lên trước hết cần làm cho đời sống kinh tế của bà con khá lên. Từ thực tiễn của gia đình, ông truyền đạt kinh nghiệm cho bà con vừa hỗ trợ cho một số hộ vay vốn để phát triển kinh tế. Mặt khác, ông kết hợp ban giáo hội cùng ban cán sự xóm, các đảng viên tăng cường về sinh hoạt tại xóm vận động nhân dân, áp dụng khoa học vào sản xuất, kết hợp trồng trọt với phát triển chăn nuôi, đưa các giống mới vào sản xuất để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Đồng thời mở rộng ngành nghề buôn bán dịch vụ, phát triển nghề mây tre đan xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu lao động… nhờ vậy đời sống nhân dân trong xóm từng bước được nâng lên.

Bên cạnh đó, ông bàn với ban cán sự vận động nhân dân ra quân làm mặt bằng  xây dựng nhà văn hóa xóm. Mặt bằng hoàn thành, ông lại vận động nhân dân đóng góp ngày công và tiền của để xây dựng và  mua sắm trang thiết bị phục vụ  sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa.

Để thành công trong vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, phương pháp vận động của CCB, Xóm trưởng Bạch Quang Vinh là  thông qua các cuộc họp dân, các buổi đi lễ ở nhà thờ, đều phát huy uy tín, vai trò gương mẫu của cán bộ, chức sắc vận động bà con đóng góp tiền mua vật liệu cát, sỏi đóng góp ngày công làm đường GTNT. Gia đình ông đã tự nguyện hiến hơn 300m2 đất vườn. Từ sự gương mẫu đi đầu của ông, trong xóm có nhiều hộ tự nguyện hiến hàng trăm  m2 đất mà không đòi hỏi tiền đền bù như gia đình anh Nguyễn Văn Báu, Bạch Quang Yến, Nguyễn Minh  Nhâm…

Ông tiếp tục vận động nhân dân đóng góp làm đường điện thắp sáng trị giá 25 triệu đồng, vận động nhân dân thành lập quỹ khuyến học, phát động phong trào quyên góp ủng hộ giúp đỡ các gia đình ốm đau hoạn nạn về tiền của,  góp phần động viên, vừa thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Nhờ vậy, từ một xóm yếu kém về mọi mặt, năm 2011, xóm Phong Anh vinh dự được đón nhận danh hiệu Làng Văn hóa, nhiều năm liền trên địa bàn xóm không có tệ nạn xã hội, an ninh trật tự được giữ vững, bà con lương, giáo đoàn kết chăm lo xây dựng xóm.

Ông Vinh chia sẻ: “Tôi học tập Bác ở đức tính quý báu giản dị, gần dân, trọng dân. Cán bộ xóm là những người gần gũi, sâu sát với người dân nhất, như Bác Hồ từng dạy phải “lấy dân làm gốc”, nên trong mọi công việc của xóm, tôi luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, nên mọi chủ trương của xóm đều được người dân ủng hộ”.


Thanh Lê