(Baonghean) - Kỳ Sơn là huyện có diện tích tự nhiên lớn thứ hai của tỉnh sau huyện Tương Dương với 2.094,84km2, nhưng diện tích đất bằng chỉ có 1%, còn lại là đồi núi dốc hiểm trở, việc sản xuất lương thực để đáp ứng nhu cầu của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nương rẫy. Trong khi đó nương rẫy chỉ sản xuất được 1 vụ trong năm nên tình trạng thiếu đói xẩy ra thường xuyên. Những năm gần đây với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, Mặt trận, các đoàn thể và sự nỗ lực của đồng bào trong việc khai hoang ruộng nước đã cung cấp một lượng lương thực không nhỏ cho bà con, làm giảm việc phát rừng làm rẫy và góp phần quan trọng trong bảo vệ rừng trên địa bàn. 

Theo thống kê, trước năm 2000 diện tích trồng lúa nước của huyện chỉ có 190 ha. Nhận thấy tiềm năng số diện tích có thể khai hoang được là rất lớn, năm 2001, UBND huyện đã lập “Đề án khai hoang và xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất”. Từ 2002 đến 2010 toàn huyện đã khai hoang được 651,4 ha, nhưng do ảnh hưởng của lũ quét số diện tích bị cuốn trôi, san lấp là 41 ha, nên đến thời điểm này chỉ còn 800,4 ha. 
 
Để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, trong những năm qua huyện đã đầu tư xây dựng mới nâng cấp 43 công trình thủy lợi, cung cấp 66 km đường ống nhựa để tưới nhỏ lẻ, đưa diện tích được tưới lên 500ha. Song song với sản xuất đại trà, từ năm 2009 - 2013 Kỳ Sơn xây dựng 9 mô hình lúa nước vụ xuân ở vùng sâu, vùng xa và nhân ra diện rộng. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm như bón phân hóa học, phân chuồng, nhất là đưa giống lúa lai vào gieo cấy thay thế các giống lúa cũ đạt trên 50% diện tích. Điển hình trong phong trào là các xã Chiêu Lưu, Hữu Kiệm, Hữu Lập, Na Loi, Tà Cạ, Mỹ Lý, Mường Ải và Na Ngoi. Năng suất, sản lượng lúa nước tuy đạt thấp, bình quân đạt 35 tạ/ha, nhưng sản lượng lúa hàng năm đạt 3.819,9 tấn đã đảm bảo 21% nhu cầu lương thực của nhân dân. 
 
images902945_img_1263.jpgChăm sóc lúa nước tại xã Mường Ải (Kỳ Sơn).
 
Tuy nhiên, diện tích khai hoang không tập trung nên rất khó khăn cho việc xây dựng các công trình thủy lợi, chủ yếu tưới bằng ống nước nhỏ lẻ, diện tích gieo cấy hàng năm chỉ đạt 68%, trong đó diện tích gieo cấy 2 vụ thường xuyên dao động từ 250 - 300 ha, còn lại là diện tích 1 vụ do một số xã có khí hậu lạnh không sản xuất được vụ đông - xuân….
 
Đồng chí Mùa Dua Thái - Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi cho biết: “Na Ngoi có diện tích lúa nước lớn nhất huyện với 332 ha, ban đầu bà con chưa quen với việc trồng cây lúa nước nên năng suất thấp, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế như việc bón phân chuồng trước đây bà con không chú trọng. Đảng ủy đã phân công các đồng chí trong cấp ủy tiên phong làm mẫu, thấy cây lúa cho năng suất cao là bà con làm theo ngay. Lúa nước không chỉ góp phần giúp cho người dân có cái ăn mà qua đó bà con đã tự ý thức được không chặt phá rừng đầu nguồn để rừng cung cấp nước tưới cho lúa nên rừng được bảo vệ rất tốt. Từ nay đến năm 2015 chúng tôi vận động nhân dân phấn đấu khai hoang thêm 168ha, đi đôi với đó là tăng cường công tác tập huấn phổ biến khoa học kỹ thuật cho bàn con nhân dân, xóa bỏ các tập quán sản xuất lạc hậu….”. 
 
Việc sản xuất lương thực từ canh tác cây lúa nước đã giảm được việc phát nương làm rẫy trong nhân dân từ 3.000 - 3.500 ha. Đến thời điểm này cả huyện có 350 hộ không phát rẫy để sản xuất lương thực. Trong thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các xã vận động nhân dân tiếp tục khai hoang ở những nơi có điều kiện thuận lợi, phấn đấu đến năm 2015 đưa diện tích ruộng nước toàn huyện lên 1.024 ha.
 
Để phát huy hiệu quả số diện tích được khai hoang, Kỳ Sơn đưa ra một số giải pháp như thành lập Ban chỉ đạo từ cấp huyện đến cấp xã. Ở cấp huyện do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách nông lâm làm trưởng ban, các phòng ban, Mặt trận và các đoàn thể là thành viên thường xuyên tuyên truyền khuyến cáo bà con áp dụng các tiến bộ khoa học, đưa giống mới năng suất cao, chất lượng tốt và phù hợp chất đất, khí hậu, có tính chịu rét, chịu hạn vào sản xuất, xây dựng và nhân rộng mô hình, chuyển từ 65 - 70% diện tích ruộng 1 vụ sang sản xuất 2 vụ. Số diện tích không đảm bảo về nước tưới sẽ chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi gia súc. Những nơi có diện tích tập trung từ 5 ha trở lên thì huyện sẽ lồng ghép các chương trình, dự án xây dựng các công trình thủy lợi tưới tập trung. Nơi có diện tích nhỏ lẻ sẽ được cung cấp đường ống theo hộ để tưới.
 
Đối với các hộ có ruộng nước nếu bỏ hoang, không có lý do chính đáng thì chính quyền thu hồi vốn đầu tư, mất mùa không được cứu tế, cứu đói, không được hỗ trợ đầu tư từ các chương trình khác, đồng thời bị thu hồi đất chuyển cho hộ khác nếu 2 vụ bỏ hoang liên tiếp. Nếu các xã có diện tích bỏ hoang thì Bí thư, Chủ tịch UBND xã sẽ phải chịu trách nhiệm trước Huyện ủy, UBND huyện và sẽ xem xét xếp loại tập thể, cá nhân hàng năm…
   
Xeo Văn Nam (Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Sơn)