(Baonghean) - Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Tương Dương đã đạt được những kết quả khả quan, diện mạo ở các xã rẻo cao này đã có nhiều đổi thay, tuy nhiên tiến trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn lắm gian nan.

Chúng tôi về bản Nhẫn, xã Thạch Giám-Tương Dương trong chiều đông lạnh buốt, chứng kiến bà con dân bản đang hối hả đổ bê tông trên những tuyến đường liên thôn, liên xóm. Bà Vi Thị Hợi 68 tuổi ở bản Nhẫn đang trộn hồ, để làm đường phấn khởi nói: “Từ khi có chủ trương làm đường bê tông để thay thế những con đường đất lầy lội, dù tuổi cao sức yếu tôi vẫn sẵn sàng đóng góp “sức người sức của”, vì làm đường là phục vụ cho chính mình chứ cho ai đâu…”.

Bản Nhẫn có gần 40 hộ dân, bà con đều tự nguyện đóng góp mỗi nhân khẩu từ 200.000-300.000 đồng để làm đường bê tông, đến thời điểm này bản đã bê tông hóa được 500m đường. Ông Vi Xuân Quyết-Chủ tịch UBND xã Thạch Giám cho biết: Điều đáng quý là cùng với việc đóng góp tiền, công sức lao động, bà con sẵn sàng hiến đất, dỡ bỏ các công trình hàng rào, cây cối để làm đường không cần bồi thường. Như ông Xá Hồng Chương ở bản Lau đã phá gần 40 m2 cây mây trong vườn để hiến đất làm đường. Tính đến thời điểm này, các đường trục thôn xóm đã bê tông hóa được 6.393 m, đường ngõ xóm 5.300m . 

images902948_nong_thon_moi_3.jpgLàm đường nông thôn mới ở bản Nhẫn - Thạch Giám - Tương Dương.
Là xã điểm xây dựng nông thôn mới, Thạch Giám đã lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư để từng bước đạt các tiêu chí nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển theo hướng hàng hóa. Tháng 7/2013 xã đã xây dựng mô hình trồng rau an toàn 0,7 ha ở bản Nhẫn với 24 hộ dân tham gia; lồng ghép từ Chương trình 30a để đầu tư 250 triệu đồng, xây dựng hệ thống bể nước, điện, giàn bơm nước tự động… Thực hiện mô hình này, UBND huyện đã trích ngân sách để hỗ trợ 100% tiền giống rau.
 
Chị Lương Thị Hợi ở bản Nhẫn đang tưới cho vườn rau cải, xu hào tâm sự: “Lâu nay gia đình chỉ quen làm rẫy, nay được hướng dẫn trồng 1,5 sào rau tập trung gia đình tôi đã thu hoạch được 2 vụ rau cải, lãi 1,2 triệu đồng”. Theo như chị Hợi thì năm sau trồng có kinh nghiệm sẽ tăng thêm thu nhập, mỗi sào rau sẽ cho thu nhập đạt từ 500.000 -700.000 đồng/tháng. Vì đầu ra cho rau rất dễ tiêu thụ, chủ yếu là các tư thương lên mua để đem bán cho vùng thủy điện Khe Bố và Bản Vẽ, chưa kể lượng tiêu thụ ở Thị trấn Hòa Bình khá lớn. Bên cạnh đó là mô hình trồng chuối tiêu hồng ở bản Chắn – bằng nguồn vốn nông thôn mới 170 triệu đồng, với quy mô 3 ha, có 26 hộ tham gia. Mô hình được xây dựng từ năm 2012 đến nay đã phát huy hiệu quả, thu hoạch đạt 120 triệu đồng/ha/năm. Thời điểm này Thạch Giám đã đạt 7/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới như chợ nông thôn, bưu điện, y tế…Trong năm 2014 Thạch Giám tiếp tục phấn đấu đạt tiêu chí đường giao thông nông thôn và giảm tỷ lệ nghèo.
 
 Xã Tam Thái mặc dù rất khó khăn nhưng cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Bằng nguồn hỗ trợ của Nhà nước và huy động từ sức dân, Tam Thái đã xây dựng được chợ trị giá trên 3 tỷ đồng, bê tông hóa được gần 9 km đường/11 km, chiều rộng đạt 3,5m. Đối với hình thức tổ chức sản xuất, trong năm 2013 Tam Thái đã thành lập được HTX dịch vụ nông nghiệp (vốn NTM hỗ trợ 20 triệu đồng), vốn điều lệ của các thành viên đóng góp 320 triệu đồng. HTX đã đầu tư được 3 ha rau an toàn ở bản NaTổng với hệ thống bờ rào thép gai, điện, nước tưới thuận lợi, đã thu hoạch được 3 lứa rau đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, HTX này còn có nhiệm vụ dịch vụ cung ứng giống cho nông nghiệp, dịch vụ thủy lợi… Tam Thái đang tập trung khai thác tiềm năng trồng rừng, ruộng nước và chăn nuôi để từng bước vươn lên thoát nghèo phấn đấu năm 2015 đạt thêm 2 tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo và tăng thu nhập. 
 
Ông Nguyễn Vương Luyện - Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Tương Dương tâm sự: “Xây dựng nông thôn mới ở huyện rẻo cao phải đối mặt với nhiều thách thức, huyện phân công cán bộ trực tiếp phụ trách xã, cụm xã nắm tình hình, chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Phân loại từng nhóm xã, bản, từng tiêu chí, hướng dẫn các địa phương căn cứ vào nội lực, điều kiện thực tiễn của mình đưa ra lộ trình, giải pháp thực hiện cho phù hợp theo hướng: dễ - ít tiền làm trước, khó - cần nhiều tiền làm sau. Cái hay ở Tương Dương là nhiều việc chính quyền địa phương cấp xã tin tưởng giao cho người dân tự bàn, tự quyết, chỉ khó khăn chính quyền mới tháo gỡ. Vì thế Chương trình Xây dựng nông thôn mới tạo được sự đồng thuận chung sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
 
 Riêng trong năm 2013, để xây dựng NTM, toàn huyện đã huy động được 20.797 ngày công lao động, vận động nhân dân hiến gần 4.567 m2, lượng cát sỏi nhân dân đóng góp là 2.531 m3, toàn huyện làm được hơn 7 km đường giao thông nông thôn. Trong đợt ra quân làm đường GTNT vừa qua, huyện đã huy động sức dân làm mới được 12,5 km đường đất để vào các bản vùng sâu vùng xa của 3 xã dọc sông là bản Na Hang, Phà Kháo, Piêng Cọc (xã Mai Sơn), bản Pia Òi, Piêng Luống xã Nhôn Mai, bản Pủng (xã Hữu Khuông). Công tác thủy lợi cũng được đảm bảo cho việc tưới tiêu, các xã đã tu sửa và khơi thông hàng trăm ki lô mét kênh mương nội đồng, sửa chữa 2 công trình thủy lợi là đập Nậm Khủn (xã Tam Quang) và thủy lợi Khe Chon ở (xã Nga My).
 
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố quan trọng trong chương trình xây dựng NTM. Trong những năm qua, Tương Dương đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới và phát triển các hình thức sản xuất, cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến thời điểm này, Tương Dương có 78 mô hình sản xuất được đầu tư xây dựng, trong đó có 7 xã được đầu tư xây dựng mô hình từ nguồn vốn trực tiếp thuộc chương trình NTM, bước đầu đem lại hiệu quả. Như các mô hình chăn nuôi ở Tam Hợp, mô hình trồng rau ở các xã Thạch Giám, Tam Thái…
 
Đặc biệt, trong năm 2013 đã thành lập được 3 HTX kinh doanh sản xuất nông nghiệp, dịch vụ,  hoạt động khá hiệu quả. Như HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đồng Tiến – bản Tam Bông xã Tam Quang có 7 thành viên tham gia, vốn chương trình NTM hỗ trợ 20 triệu đồng, vốn điều lệ do các thành viên đóng góp là 150 triệu đồng, đã xây dựng được hệ thống chuồng trại nuôi 45 con dê, 10 con bò và 160 con lợn. HTX này còn cung ứng các dịch vụ khác như mua bán các loại giống cây trồng vật nuôi, thức ăn gia súc gia cầm, ương giống nuôi trồng thủy sản …Đến thời điểm này đã có 1 xã đạt 9 tiêu chí và 3 xã đạt 7 tiêu chí, 5 xã đạt 6 tiêu chí, 4 xã đạt 5 tiêu chí, 1 xã đạt 4 tiêu chí, 3 xã đạt 3 tiêu chí. 
 
Tuy vậy xây dựng nông thôn mới ở Tương Dương vẫn còn gặp khó khăn, nhất là tiêu chí giao thông, bởi Tương Dương có địa bàn phức tạp, phần lớn là đồi núi có độ dốc lớn, khe suối xẻ dọc cắt ngang, dân cư không tập trung. Toàn huyện Tương Dương 17 xã chưa có xã nào hoàn thành được tiêu chí này. Tiêu chí về thủy lợi cũng rất khó khăn, địa bàn chủ yếu là ruộng bậc thang, quy mô diện tích lúa ít, vì vậy nhiều xã chưa thể kiên cố hóa được kênh mương nội đồng. Một số xã chủ yếu đầu tư thủy lợi bằng các đường ống dẫn nước từ khe suối về ruộng.
 
Bên cạnh đó, cơ cấu lao động, thu nhập và hộ nghèo cũng được đánh giá là “cửa ải” khó vượt qua vì xuất phát điểm thấp, đất sản xuất ít, cả huyện Tương Dương chỉ có trên 600 ha đất sản xuất lúa, trong đó 60% diện tích là gieo cấy nhờ trời vì chưa có hệ thống thủy lợi, trình độ dân trí còn hạn chế, trình độ canh tác còn lạc hậu, tỷ lệ nghèo ở Tương Dương vẫn còn chiếm trên 50%, nhiều xã tỷ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm trên 80%) như xã Mai Sơn, Hữu Khuông, Nhôn Mai…
 
Chặng đường xây dựng nông thôn mới còn lâu dài và khó khăn. Từ hiệu quả của các mô hình thực tiễn, thời gian tới huyện Tương Dương tiếp tục huy động tổ chức lồng ghép các nguồn vốn để tập trung phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập cho người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Phấn đấu năm 2015 đạt chuẩn hoàn thành chương trình nông thôn mới các xã Thạch Giám, Tam Thái, Tam Quang và theo đúng lộ trình đề ra đối với các xã khó khăn khác. 
 
Văn Trường