Sáng 24/3 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016) - Nhóm Văn hóa - Xã hội do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về giải quyết các vấn đề xã hội trong tình hình mới.
 
images949921_dcs.jpgQuang cảnh buổi làm việc.
 
Báo cáo dự thảo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tổng kết 30 năm đổi mới lĩnh vực lao động, người có công và xã hội tập trung vào 5 vấn đề lớn: Quá trình phát triển nhận thức của Đảng về giải quyết các vấn đề xã hội trong 30 năm đổi mới; đánh giá việc thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực xã hội; đánh giá tình hình thực hiện chính sách xã hội; nhận diện các vấn đề bức xúc đặt ra trong lĩnh vực xã hội; bối cảnh, phương hướng và giải pháp phát triển chính sách xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
 
Báo cáo đã khẳng định, quá trình phát triển nhận thức của Đảng về giải quyết các vấn đề xã hội trong 30 năm đổi mới chính là quá trình phát triển nhận thức ngày càng sâu sắc và rõ nét hơn về giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển xã hội mà trực tiếp là tiến bộ, công bằng xã hội. Cụ thể, nhận thức về phát triển xã hội tương xứng với tăng trưởng kinh tế, làm nền tảng cho việc thực hiện tốt các mục tiêu xã hội, chuyển thành tựu kinh tế đến cải thiện đời sống của đại đa số người dân. Sự gắn kết tư duy kinh tế với tư duy phát triển xã hội góp phần đổi mới vai trò của nhà nước trong quản lý xã hội.
 
Chính sách xã hội ngày càng gắn với đảm bảo các quyền cơ bản của người dân (việc làm, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm an sinh xã hội…). Quyết tâm đổi mới đã tạo điều kiện cho các chính sách xã hội phát triển trên cả 3 nội dung cơ bản: Nâng cao năng lực vốn con người (thông qua tăng cường phúc lợi toàn dân), cải thiện môi trường hoạt động của con người (thông qua phát triển các chính sách lao động, việc làm, y tế, giáo dục, hạ tầng cơ sở…) và bảo đảm an sinh xã hội (thông qua các chính sách hỗ trợ người yếu thế tham gia thị trường lao động, tăng cường bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội và giảm nghèo).
 
Đồng thời tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc trong từng thời kỳ phát triển, thực hiện công bằng xã hội. Hệ thống chính sách trong các lĩnh vực đã ban hành khá đầy đủ và kịp thời, thể chế hóa được đa số các nhận thức mới, tư tưởng mới. Đã tạo nền tảng cho việc giải quyết các vấn đề xã hội trên cơ sở đề cao nhân tố con người. Bảo đảm phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa với việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Tạo tiền đề để người dân tham gia quản lý xã hội. Tập trung vào nhóm người có công và hỗ trợ người nghèo, phụ nữ, trẻ em và các nhóm đối tượng yếu thế khác trong xã hội. Hệ thống pháp luật liên tục phát triển đã tạo cơ sở vững chắc để Việt Nam chuyển dần sang kinh tế thị trường, bảo vệ tốt người lao động trong bối cảnh nền kinh tế nhiều thành phần, đa dạng hóa hình thức sở hữu...
 
Mặc dù đã có bước phát triển trong nhận thức về mối quan hệ giữa tăng trường kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, tuy nhiên vẫn còn những cách hiểu khá "duy lý trí" về vai trò của thị trường, của các quy luật thị trường và tác động đền giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là của các ngành, các cấp. Rất nhiều các hệ lụy xã hội của các chính sách kinh tế chưa được tính đến hoặc giải quyết một cách ổn thỏa trong quá trình thiết kế, thực hiện và đánh giá. Thị trường lao động là nơi phản ánh các biến động của các chính sách kinh tế (đầu tư, tiêu dùng, xuất nhập khẩu…). Tuy nhiên các chính sách phát triển kinh tế và các lợi ích kinh tế vẫn thường được ưu tiên, các chính sách xã hội chỉ nhằm giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh.
 
Cùng với đó là việc chưa nhận thức rõ vai trò Nhà nước và của các đối tác xã hội trong quá trình phát triển trong bối cảnh kinh tế thị trường. Nhận thức về vai trò của người dân trong chính sách chủ yếu là "thụ hưởng chính sách". Thiết kế chính sách chưa dựa vào nhu cầu của người dân do "nguồn lực hạn chế". Các chính sách nhiều nhưng tản mạn, chồng chéo, không kết nối với nhau do được thực hiện bởi nhiều bộ, nhiều cơ quan, nhiều nguồn lực. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách còn yếu, người dân chưa tiếp cận được các thông tin về chính sách nên ý thức tham gia chưa cao. Thiếu các cơ chế để người dân tham gia khi xây dựng, triển khai và kiểm soát các nguồn lực thực hiện chính sách. Sự tham gia của các đối tác xã hội trong giám sát, thực hiện chính sách còn nhiều bất cập...
 
Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao quá trình chuẩn bị báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Báo cáo đã thể hiện là bức tranh toàn cảnh tổng kết quá trình 30 năm đổi mới với lượng thông tin phong phú. Các đại biểu đề nghị, Bộ cần tập trung đi sâu trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, chú ý hơn nữa đến chủ thể con người, vấn đề phân hóa xã hội, việc làm, nông thôn chuyển dịch dần sang đô thị, tình trạng nghèo hóa đô thị…
 
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc tổng kết của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về 30 năm đổi mới liên quan đến giải quyết các vấn đề xã hội trong tình hình mới giúp cho Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận thực tiễn qua 30 năm đổi mới có nhiều thông tin để bổ sung những cơ chế trong thực tiễn.
 
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần đánh giá kỹ hơn nữa những thành tựu cũng như những hạn chế trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Trong đó, chú trọng việc phân tích rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân của những hạn chế, đề xuất những giải pháp thích hợp, để từ đó xây dựng báo cáo chất lượng phục vụ cho công tác tổng kết những vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.
 
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần tiếp tục thu thập các số liệu minh chứng. Đồng thời cố gắng đi sâu phân tích thêm trên 3 lĩnh vực gắn chặt đời sống người dân là việc làm, dạy nghề và hỗ trợ người nghèo.
 
Theo dangcongsan.vn