(Baonghean) - Cùng với sự hỗ trợ kinh phí của Chính phủ và lồng ghép các nguồn kinh phí, dự án của tỉnh Nghệ An, đến nay, các khu vực định cư cho người dân vạn chài ven sông Lam ở các huyện cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, để tiếp tục giúp đỡ người dân các làng chài ổn định, phát triển, đòi hỏi phải nâng cao vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở.
 
images952271_4a.jpgMột góc làng chài Hưng Long.
 
Nằm sát bờ sông Lam, xóm 16 thuộc xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên là nơi quần cư của 67 hộ dân làng chài. Đứng trên bờ đê tả ngạn, nhìn những ngôi nhà nằm giữa bãi ngô, lạc xanh tươi, chúng ta có thể hình dung về một làng thuần nông. Thế nhưng, thực tế, đất bãi này không phải “tư liệu” sản xuất của người dân xóm 16 mà họ chủ yếu lao động bằng nghề sông nước trên dòng Lam. Dẫn chúng tôi thăm xóm làng, đồng chí Nguyễn Đình Trọng - Bí thư chi bộ xóm, hướng thẳng ra bờ sông, nơi có bến cát Hưng Long đang hoạt động.
 
Hôm nay, trời ráo nên thi thoảng có vài chiếc xe vận tải nhỏ ra bến chở cát. Cũng vì thế, một số hộ khai thác cát trên sông của Hợp tác xã vận tải mới có nguồn thu sau nhiều ngày mưa dầm dề. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiền đang cập bến với thuyền cát đầy ắp, ước chừng trên 40 khối. Mỗi khối cát hút từ dưới sông lên được nhập với giá từ 13.000 đồng đến 15.000 đồng/khối (vùng này chỉ có cát đen phục vụ gia trát). Tổng trị giá của thuyền cát khoảng 500.000 đồng, trừ chi phí xăng dầu, hai vợ chồng chị Hiền thu về được khoảng 250.000 đồng cho gần một ngày lao động. “Hai ngày nay mới hút được một chuyến đó chú ạ. Bởi mấy ngày trước mưa, bến cát không có xe đến mua thì hợp tác xã không yêu cầu khai thác. Những lúc như vậy, chúng tôi đánh bắt tôm cá.” - Chị Hiền chia sẻ.
 
Xóm 16 (Hưng Long) là nơi người dân vạn chài sớm ý thức dựng nhà trên bờ để yên tâm làm ăn dưới sông. Chính vì vậy hàng chục năm qua, có 2/3 gia đình của xóm đã dựng được nhà kiên cố để sinh sống. Nhưng ngành nghề vẫn duy trì đánh bắt, khai thác cát sỏi trên sông. Tại đây, chi bộ đảng cùng cán bộ xóm thường xuyên sâu sát với cuộc sống mưu sinh của người dân. Những năm qua, chi bộ cùng ban cán sự xóm đã đề xuất cấp trên tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi để đóng tàu khai thác cát, sỏi. Đến nay, tất cả các hộ dân của xóm tham gia Hợp tác xã vận tải đường sông và khai thác cát, sỏi. Hiện tại, chi ủy và ban cán sự xóm cùng ban quản lý Hợp tác xã đang hoàn thiện các thủ tục xin cấp phép mỏ cho các hộ dân yên tâm khai thác. Chi bộ đảng có 4 đồng chí, luôn gương mẫu trong sản xuất, tham gia xây dựng xóm làng. Hiện tại, có 1 quần chúng ưu tú được chi bộ xét và trình Đảng ủy xã xem xét ra quyết định kết nạp. Điều này thể hiện niềm tin của quần chúng làng chài vào tổ chức đảng cơ sở.
 
Cũng như xóm 16, chi bộ đảng ở các xóm vạn chài khác của huyện Hưng Nguyên, gồm: xóm Hồng Lam, xã Hưng Lợi và xóm 28, xã Hưng Lam luôn phát huy vai trò trong việc vận động người dân lên bờ, đa dạng các ngành nghề sản xuất, chăn nuôi, khai thác nguyên vật liệu xây dựng, từng bước thoát nghèo bền vững. Hiện có nhiều gia đình vươn lên khá, giàu. Để duy trì được vai trò của tổ chức đảng ở các vùng làng chài, Huyện ủy Hưng Nguyên triển khai nhiều giải pháp, tăng cường sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể. Quá trình đó, các chi ủy, các đoàn thể kiên trì thuyết phục vận động người dân làng chài định cư theo chủ trương của tỉnh, Chính phủ. Đồng thời đề xuất những chính sách hỗ trợ, khuyến khích kịp thời để người dân ổn định cuộc sống, phát triển ngành nghề bền vững. Tuy nhiên, khó khăn chung của các chi bộ là nguồn phát triển đảng viên ít do thanh niên đi làm thuê khắp nơi và nhiều chủ trương đề ra chưa phát huy hiệu quả thực tế. Điều này xuất phát từ công tác định cư làng chài hiện nay có những hạn chế nhất định. Đó là thiếu quỹ đất sản xuất, trong lúc đó việc đánh bắt tôm, cá trên sông ngày càng kém về sản lượng. Hầu hết người dân chuyển đổi sang nghề vận tải đường sông và khai thác cát, sỏi trên sông.
 
Nếu như ở Hưng Nguyên đang duy trì được tổ chức chi bộ đảng và ban cán sự thôn xóm ở các làng chài thì ở những địa bàn như Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, các nhân tố đảng viên thuộc người làng chài lại thiếu vắng. Ở xã Nam Lộc, mặc dù các dự án định cư cho làng chài được triển khai, có 53/63 hộ vạn chài đã lên bờ định cư, nhưng do nhiều nguyên nhân nên vùng định cư mới chưa có quyết định thành lập thôn, xóm, vì thế, các nhân tố cho việc hình thành chi bộ đảng cũng chưa được  bồi dưỡng. Vậy nên ở đây “trắng” cả chi bộ và tổ chức thôn xóm - “đơn vị” sát dân nhất trong quản lý hành chính Nhà nước.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Lành - Bí thư Đảng ủy xã Nam Lộc thừa nhận: “Chính vì vậy, trong quá trình quản lý hành chính đối với các hộ dân làng chài đang có những khó khăn nhất định. Do chưa đủ hộ dân để lập làng nên thiếu tổ chức xóm, làng, nên việc triển khai các chủ trương, chính sách cũng như tiến hành công tác vận động quần chúng chưa đồng bộ; Trong khi đó, các hộ dân vạn chài lại thường xuyên hoạt động trên sông nước, việc tổ chức họp dân chưa có người “cầm sào”, hô hào cho… Mặc dù xã cũng phân công cán bộ theo dõi, quản lý nhưng đặc thù như vậy dẫn đến chưa đạt yêu cầu nhiệm vụ. Vấn đề này cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn của cấp trên để xã triển khai nhiệm vụ chính trị ở cơ sở…”.
 
Cùng hoàn cảnh đó, ở xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, các hộ dân định cư làng chài sau khi lên bờ chưa thành lập được xóm. Hiện gần 80 hộ thuộc diện này đang sinh hoạt tạm thời ở xóm 5 và 6. Nhưng do đặc thù lao động sông nước nên việc gắn kết giữa các hộ vạn chài với các hộ sản xuất trên bờ lỏng lẻo, chính vì thế, hàng trăm người dân của các hộ vạn chài chưa có bất kỳ ai được bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng. Nói về vấn đề này, đồng chí Lê Minh Giang - Phó Bí thư Huyện ủy Đô Lương cho rằng: “Từ lâu nay, người dân vạn chài như tách khỏi cộng đồng vì đặc thù lao động và sinh sống trên sông nước. Sự cố kết cộng đồng chỉ ở nhóm một vài hộ, chưa mang tính làng xóm. Khi triển khai chương trình định cư trên bờ, họ đã làm nhà nhưng cuộc sống mưu sinh của người dân bài toán về bố trí đất đai sản xuất gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cuộc sống của họ vẫn đang theo lối cũ. Trong lúc đó, việc thành lập thôn, xóm theo đặc thù của người dân vạn chài gặp những vướng mắc về quy định hành chính. Cho nên việc quản lý nhà nước cũng như phát hiện, bồi dưỡng những hạt nhân cho Đảng trong đồng bào vạn chài chưa được triển khai bài bản…”. 
 
Các chương trình, dự án định cư cho các làng chài trên sông Lam chính thức tiến hành từ năm 2007, khi Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 284/TTg-NN (ngày 28/2/2007), đồng ý cho UBND tỉnh Nghệ An xây dựng các khu định cư làng chài trên sông Lam, mục đích giúp dân chài sớm ổn định đời sống. Thế nhưng do thiếu các giải pháp đồng bộ nên một số khu định cư xây dựng chậm, cùng đó, nhiều hộ vạn chài còn “chần chừ” lên bờ càng làm cho tiến độ thực hiện thêm trễ. Kéo theo đó, việc thành lập thôn, xóm chưa được thực hiện (do thủ tục hành chính về số hộ chưa đạt quy định…) nên việc phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố tích cực cho phong trào quần chúng cũng như cho tổ chức đảng ở vùng “đặc thù” này thiếu vắng.
 
Cũng chính vì thế, sức lan tỏa của tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể đến với những làng chài ven sông vẫn còn lắm “lênh đênh”. Lời giải cho bài toán này, thực chất đã được các huyện tính toán như: Bố trí lại quỹ đất giữa các vùng một cách hợp lý cho các hộ dân vạn chài lên bờ sản xuất, kèm theo đó là hỗ trợ phương pháp, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; Chính quyền địa phương xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho dân vạn chài theo hướng phát triển thêm nghề phụ, thủ công mỹ nghệ, mây tre đan xuất khẩu, dịch vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm; Phối hợp đào tạo, tìm kiếm việc làm…Vấn đề còn lại là cần tập trung giải quyết để người dân vạn chài sau khi lên bờ định cư, yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng cuộc sống mới, tiến bộ hơn. Xuyên suốt quá trình đó, vấn đề cấp thiết là xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở để tập hợp sự chung sức của người dân vạn chài trong việc ổn định, phát triển kinh tế - xã hội cho chính bản thân họ và cộng đồng làng xã.
 
 
Nguyên Nguyên