bna___mai_hoa6161808_4102018.jpgĐồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thực hiện các kiến nghị sau giám sát về công tác đào tạo nghề của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh thời điểm tháng 5/2015 và kết luận chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 4 (năm 2017), HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 về công tác đào tạo nghề; với chức năng tham mưu, quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Sở đã tham mưu cho tỉnh và phối hợp với các sở, ngành triển khai nhiều nội dung kiến nghị.

Theo đó công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, XKLĐ được tăng cường, tạo bước chuyển biến về nhận thức trong các cấp, các ngành và người lao động trong lĩnh vực này. Sở cũng đã phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên; giảm từ 33 trung tâm xuống còn 20 trung tâm.

Sở cũng đã phối hợp với một số sở, ngành để thực hiện nhiều kiến nghị, kết luận liên quan đến việc điểu chỉnh định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên sự nghiệp dạy nghề từ 5,7 triệu lên 8 triệu đồng/năm /người học đối với hệ cao đẳng, từ 5 lên 7 triệu đồng đối hệ trung cấp.

Công tác phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh sau THCS, THPT được quan tâm. Năm qua, có 42% học sinh tốt nghiệp THPT không đăng ký vào thi vào đại học.

Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan nêu nhiều vấn đề cần quan tâm đề nghị Sở LĐ, TB&XH làm rõ. Ảnh: Minh Chi

Trên cơ sở giám sát thực tiễn tại một số địa phương và cơ sở đào tạo nghề, tại cuộc làm việc, một số thành viên đoàn giám sát đã đặt ra nhiều vấn đề. Phó trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan đề nghị Sở LĐ, TB&XH phân tích, làm rõ cơ sở để xác định tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh đạt bình quân 53,1%, trong khi đó qua giám sát tại một số địa phương được đánh giá làm tốt công tác này như Yên Thành chỉ đạt 48%, hay như Nam Đàn là 45% và xuống ở cơ sở thì thấp hơn nữa, như xã Đô Thành (Yên Thành) chỉ có 32% và Nam Thành (Nam Đàn) là 35%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp nghề chính quy còn đạt thấp, chỉ có 15% trong tổng số lao động học nghề; chất lượng đào tạo tại các trường nghề và hiệu quả sau đào tạo; việc liên kết đào tạo nghề tại một số cơ sở đào tạo nghề chưa đúng ngành nghề được phê duyệt; kinh phí đào tạo nghề đang được phân bổ nhiều đầu mối quản lý, manh mún…

Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH giải trình các vấn đề đoàn giám sát quan tâm. Ảnh: Minh Chi

Giải trình nhiều vấn đề đoàn giám sát quan tâm, trong đó liên quan đến hiệu quả sau đào tạo nghề, ông Đặng Cao Thắng – Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH khẳng định, lao động sau đào tạo đều có cơ hội tìm việc làm; tuy nhiên có một số lao động không muốn làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mà tự giải quyết việc làm.

Kết luận tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh ghi nhận những cố gắng của Sở LĐ,TB&XH trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm, XKLĐ.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội Nguyễn Thị Thu Hường cũng nêu ra hàng loạt vấn đề băn khoăn liên quan đến việc Sở LĐ, TB&XH cho rằng, người lao động không thiếu việc làm và có nhiều đơn hàng không tuyển dụng đủ lao động, nhưng trong thực tế thì vẫn đang còn nhiều lao động thiếu việc làm; công tác tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp được đẩy mạnh, tuy nhiên nhiều trường nghề hiện nay tuyển dụng vẫn còn khó khăn; mặt khác, mặc dù đã có nhiều giải pháp chống trốn sau khi hết hạn hợp đồng lao động ở nước ngoài, nhưng tình trạng trốn lại vẫn tăng.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kết luận tại cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi

Từ thực tiễn đó, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội Nguyễn Thị Thu Hường yêu cầu Sở phân tích làm rõ nguyên nhân, từ đó tìm giải pháp khắc phục, đảm bảo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, XKLĐ thực sự hiệu quả bằng việc người lao động có việc làm, có thu nhập, và tạo môi trường để thúc đẩy phát triển chung.

Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh cũng đề nghị Sở LĐ, TB&XH cần rà soát lại các chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương trong lĩnh vực này để tham mưu điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế để thúc đẩy công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, XKLĐ thời gian tới hiệu quả hơn, đồng thời giải quyết được các hạn chế, bất cập phát sinh.