Người đặt viên gạch đầu tiên tái thiết thành phố Vinh
Ngày 5/8/1964, liên tiếp nhận những thất bại nặng nề tại chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ sau khi dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc bộ” đã leo thang ném bom, tàn phá miền Bắc Việt Nam. Nghệ An và thành phố Vinh là trọng điểm bắn phá của không quân đế quốc. Trong vòng 8 năm, từ năm 1964-1972 hàng triệu tấn bom đạn đã đổ xuống miền Bắc. Ở thành phố Vinh không còn một ngôi nhà nguyên vẹn, toàn bộ bệnh viện, trường học, công trình kiến trúc bị hủy hoại hoàn toàn, nền kinh tế bị bom tàn phá đến kiệt quệ.
Sau khi hiệp định được ký kết, cuối năm 1973, những chuyên gia về kiến trúc, xây dựng đầu tiên của Đông Đức đã đến thành phố Vinh tiến hành khảo sát xây dựng, khôi phục thành phố sau chiến tranh. Trong số những người Đức đầu tiên đặt chân đến Vinh ngày ấy, có Giáo sư Gerhard Kosen – Thứ trưởng Bộ xây dựng, Quốc vụ khanh. Điều này cho thấy chính phủ CHDC Đức đã dành cho Việt Nam, tỉnh Nghệ An và TP.Vinh sự quan tâm, giúp đỡ đặc biệt.
Trở lại không khí của Ngày Quốc tế Lao động cách đây hơn 44 năm, trong một bài viết mang tên: “Ký ức ngày đầu xây dựng lại thành phố Vinh” của ông Ngô Văn Yêm - nguyên Trưởng Phòng Quản lý đô thị Vinh có viết: “Ngày 01/5/1974, tại thành phố Vinh, vùng đất bị hủy diệt trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã bừng lên ngay hội lớn. Dòng người từ các ngả của thành phố đổ về khu Quang Trung. Tại rạp chiếu bóng 12/9. Ủy ban hành chính Nghệ An đã long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng lại thành phố”.
“Hôm đó có hàng ngàn người đổ về công trường xây dựng để chứng kiến lễ khởi công. Trọng đại lắm, tự hào lắm. Tỉnh tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động ngay trong Rạp 12/9, cả hội trường chiếu bóng chỉ khoảng vài trăm chỗ ngồi nhưng đã chặt như nêm. Lễ mít tinh trở nên đặc biệt bởi có sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Mười và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHDC Đức tại Việt Nam, ông Dieter Doring. Ngoài ra còn có Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Sỹ Quế cùng lãnh đạo tỉnh và đoàn chuyên gia Đức” – ông Ngô Văn Yêm kể lại.
Cũng theo ông Yêm, ngay sau lễ mít tinh, các đại biểu đã đến công trường, tại khu nhà A1 – chung cư Quang Trung tiến hành làm lễ động thổ xây dựng. Và với việc đặt viên gạch đầu tiên để tiến hành tái thiết thành phố Vinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Đỗ Mười dường như đã thể hiện khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An về sự vươn lên sau những tháng năm gian khó.
Tình cảm thiết thân đặc biệt với xứ Nghệ
Có thể nói sự quan tâm, tình cảm của nguyên TBT Đỗ Mười dành cho Nghệ An là tấm chân tình thiết thân, hiếm có. Ông Nguyễn Bá – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, khi còn đang đương chức hay khi đã nghỉ ngơi, TBT Đỗ Mười chưa bao giờ ngừng trăn trở về mảnh đất quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đặc biệt quan tâm đến miền Tây Nghệ An. Lần nào về thăm Nghệ An hay có cán bộ tỉnh ra Hà Nội, TBT đều hỏi về miền Tây Nghệ An. Điều mà TBT Đỗ Mười đặt ra bao giờ cũng là: Đồng bào miền Tây có đói khổ không, làm ăn như thế nào, kinh tế có phát triển không?.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Bá cũng nói rằng, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Đỗ Mười, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã bằng nhiều chủ trương, chính sách tập trung đầu tư, xây dựng và có nhiều giải pháp để phát triển khu vực miền Tây Nghệ An. Nhiều chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội, hạ tầng giao thông đã được ưu tiên cho đồng bào miền núi. Chính nhờ vậy, diện mạo, đời sống xã hội khu vực này đã được cải thiện nâng cao đáng kể. Và qua đó cũng cho thấy tầm nhìn của vị nguyên thủ quốc gia đối với địa phương có đường biên giới dài nhất giáp ranh với nước CHDCND Lào.
Người con rể của vùng quê biển
Người vợ đầu của nguyên TBT Đỗ Mười là bà Tạ Thị Thanh, quê xã Diễn Kim, Diễn Châu. Cũng theo lời kể của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Bá, mỗi lần về thăm và làm việc tại Nghệ An, TBT Đỗ Mười đều thăm hỏi, quan tâm đến “đằng ngoại”. Có lần đồng chí Đỗ Mười có nguyện vọng và đề nghị tỉnh sắp xếp về thăm xã Diễn Kim, quê vợ. Về đây đồng chí thăm viếng nhà thờ, thắp hương tổ tiên và gặp gỡ, hỏi han từng người.
Nguyên Tổng Bí thư cũng nói với bà con rằng, vì công việc bộn bề không có nhiều thời gian đề về thăm xã Diễn Kim nhưng trong sâu thẳm ông luôn trăn trở cho mảnh đất ven biển này. “Lúc bấy giờ xã Diễn Kim còn rất nghèo, nhận thấy người dân địa bàn còn thiếu một cây cầu để thuận tiện cho việc lưu thông đi lại, đồng chí Đỗ Mười đã chỉ đạo các ban, ngành Trung ương cấp kinh phí để xây dựng một cây cầu. Cây cầu có tên Diễn Kim nhưng nhiều người dân địa phương vẫn gọi là cầu ông Mười” - ông Nguyễn Bá hồi tưởng.