(Baonghean.vn) - Đây là một trong những tồn tại được Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội thừa nhận tại phiên chất vấn về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Chiều 12/7, phiên chất vấn Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực sự “nóng” khi đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Trong đó, vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều nhất là công tác xuất khẩu lao động, có hay không tình trạng “cò mồi” và trách nhiệm của Sở LĐ-TB và Xã hội khi công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm chưa đạt như kỳ vọng.

Chưa yên tâm vì chi phí xuất khẩu lao động còn nhiều chênh lệch

Đây là ý kiến được đại biểu Hoàng Nghĩa Hùng - huyện Nam Đàn chia sẻ ngay khi mở đầu phiên chất vấn. Theo ông Hùng, thời gian qua công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Trên thực tế, công tác này còn nhiều vấn đề chưa chặt chẽ, dẫn đến hiện tượng chi phí đi xuất khẩu lao động khác nhau giữa cùng một ngành nghề, một nước, là rất lớn. Điều này “làm ảnh hưởng đến tâm lý người lao động”.

Đồng chí Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: Đức Anh

Bên cạnh đó, còn xuất hiện tình trạng doanh nghiệp “bỏ mặc” người lao động. Cụ thể, khi tư vấn, giới thiệu lao động, các đơn vị cung ứng, xuất khẩu lao động rất chú trọng. Nhưng, nhiều trường hợp lao động đi xong lại bị doanh nghiệp “bỏ mặc”.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện có khoảng 50 đơn vị tư vấn xuất khẩu lao động trên địa bàn và mỗi năm đưa được khoảng 12.000 lao động Nghệ An đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Thời gian qua, Sở làm khá tốt công tác quản lý. Tuy vậy, vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp làm sai, gây mất niềm tin của nhân dân. Gần đây nhất là vụ việc người lao động bị lừa ở huyện Thanh Chương và Quế Phong. Hiện, ngành lao động đã trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp và đề nghị hoàn trả lại tiền cho người dân. Nếu trong thời gian ngắn nhất không trả được tiền sẽ chuyển sang cơ quan pháp luật xử lý.

Ông Nguyễn Bằng Toàn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: Đức Anh

Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội cũng lưu ý, hiện quá trình quản lý các đơn vị tư vấn tuyển dụng lao động đi xuất khẩu lao động khá chặt chẽ. Tuy nhiên vẫn có những đơn vị giả mạo, tuyển lao động khi chưa có sự cho phép của các cơ quan chức năng. Từ thực tế ở huyện Quế Phong, ông mong muốn các địa phương cần nâng cao cảnh giác, không nên tự ý cho phép về tuyển dụng tại địa phương để tránh tình trạng lừa đảo.

Riêng về việc có hay không tình trạng “cò mồi”, làm đẩy các chi phí trung gian trong quá trình làm thủ tục đi xuất khẩu lao động, ông Toàn nói rằng “mới được nghe” và cho kiểm tra, xem xét.

Làm theo phong trào nên hậu quả hạn chế

Tại phiên chất vấn, nhiều ý kiến cũng đã đề cập đến kết quả của công tác đào tạo và giải quyết việc làm. Trong đó, phần nhiều các ý kiến tập trung đến các nội dung: vì sao việc đào tạo nghề cho lao động kỹ thuật cao đạt thấp, kết quả đào tạo nghề cho lao động bị thu hồi đất, đào tạo nghề cho đối tượng hộ nghèo và dân tộc thiểu số.

Đến từ huyện Quỳ Châu, đại biểu Lục Thị Liên đặt câu hỏi: Trong hai năm qua, công tác đào tạo nghề của Nghệ An luôn vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, trong số này, số lao động người nghèo và người dân tộc thiểu số là bao nhiêu và hiệu quả của chất lượng đào tạo nghề.

Đại biểu Lục Thị Liên đặt câu hỏi về công tác đào tạo nghề cho đối tượng người nghèo, dân tộc thiểu số. Ảnh: Đức Anh

Giám đốc Sở LĐ-TB và XH trả lời đại biểu Lục Thị Liên

Đại biểu Đinh Thị An Phong (huyện Nghi Lộc) cũng bày tỏ sự băn khoăn khi cho biết: Mặc dù số lượng lao động được đào tạo trên địa bàn tỉnh Nghệ An khá cao nhưng phần lớn lại là đào tạo ngắn hạn do vậy có tình trạng học sinh học xong chưa lành nghề, đào tạo không gắn với giải quyết việc làm nên dẫn đến lãng phí. Về phía Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn nhận vấn đề này như thế nào, giải pháp và thời gian sắp tới.

Đại biểu Trần Thị Thanh Thủy (Thành phố Vinh) lại quan tâm đến vấn đề dự báo thị trường sử dụng lao động và mong muốn Sở cần có những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng dự báo thị trường. Riêng đại biểu Nguyễn Thị Lan (huyện Đô Lương) lại cho rằng, một trong những hạn chế của công tác đào tạo nghề là do “việc giao chỉ tiêu và thực hiện chỉ tiêu chưa đảm bảo theo kế hoạch”. Trên cơ sở phân tích các số liệu bà Lan yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và xã hội cần cho biết “cơ sở nào để sở tham mưu chỉ tiêu cũng như việc chỉ đạo thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu giao”.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng yêu cầu tư lệnh ngành trả lời câu hỏi vì sau đã 3 năm (từ sau Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa 16) mà 6/9 tồn tại vẫn chưa được giải quyết, đơn cử như việc giải quyết việc làm cho các đối tượng đặc thù, lao động bị thu hồi đất...

Ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Lan nhận được sự quan tâm của hội đồng. Ảnh: Đức Anh

Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội đã đưa ra nhiều số liệu. Cụ thể, trong hai năm 2015 - 2016, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 155.196/155.000 người, vượt chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao. Bên cạnh đó, đã giải quyết việc làm cho 75.360 lao động. Tuy vậy, công tác đào tạo nghề cũng còn nhiều hạn chế khi số lao động được đào tạo trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề còn thấp so với tổng số lao động được đào tạo nghề hằng năm. Chất lượng đào tạo và cơ cấu một số ngành nghề của một số cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được so với yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao của doanh nghiệp, thị trường sử dụng lao động..

Giám đốc Sở LĐ-TB và XH trả lời đại biểu Nguyễn Thị Lan

Ông Toàn cũng cho biết, hàng năm  tỉnh đều có dự báo thị trường lao động bởi “nếu không làm thì không dự báo được thị trường, không giao chỉ tiêu được”. Tuy nhiên, độ chính xác chưa “sát” và xuất phát từ cơ sở: “ Số liệu phải điều tra từ xã, huyện rồi mới lên tỉnh và trở thành kế hoạch chung của cả tỉnh”. Về vấn đề này, ông Toàn cũng nói rằng, dù khách quan nhưng Sở nghiêm khắc nhận khuyết điểm “Trách nhiệm không đổ lỗi nhưng ngành lao động phải chịu”.

Đại biểu Trần Thị Thanh Thủy yêu cầu nâng cao trách nhiệm trong việc gắn đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Ảnh: Đức Anh

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng giải trình nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề vì sao công tác đào tạo nghề lao động nông thôn đạt kết quả thấp. Theo ông Toàn, với đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước đây có 6 cơ quan cùng phụ trách. Những năm gần đây kinh phí cho lao động nông thôn đã chuyển sang cho Sở Nông nghiệp và PTNT theo chương trình Nông thôn mới. Riêng trong năm 2016, do chi phí chưa đảm bảo nên kết quả chưa đạt như kỳ vọng.

Ông Toàn thừa nhận trong giai đoạn 2011 - 2015, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nhiều bất cập: Thời điểm đó khi triển khai đề án 1956 mục tiêu đặt ra rất lớn và với tư duy chủ quan nên tất cả các huyện đều mở trung tâm dạy nghề. Hậu quả là hiện nay nhiều trung tâm không phát huy hiệu quả, gây lãnh phí. “Lúc ấy, chúng ta không xác định được đào tạo nghề phải là đào tạo gắn với nơi sản xuất, xây dựng đào tạo không sát với thực tế, khập khiễng, không đánh giá được tính chất của đào tạo nghề, làm theo phong trào nên còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất đầu tư lớn nhưng không phù hợp là lãng phí tất yếu”.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Quỳ Châu. Ảnh: tư liệu

Tại phiên chất vấn, ông Toàn cũng cho biết, thời gian qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chưa bóc tách các đối tượng lao động được qua đào tạo nên chưa có số lượng cụ thể với các lao động đặc thù, lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo và “hứa” sẽ trả lời bằng văn bản sau khi có tổng hợp đầy đủ.

Kết luận buổi chất vấn, ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao giải trình của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng thời, đề nghị ngành tiếp tục nghiên cứu những kiến nghị chính đáng của cử tri và đại biểu để tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục phất triển hệ thống thông tin việc làm, kết nối tốt hơn giữa đào tạo nghề - việc làm; sắp xếp lại cơ sở giáo dục công lập theo tinh thần hiện đại hóa; sớm hoàn thành sáp nhập Trung tâm dạy nghề với Trung tâm giáo dục thường xuyên,...

Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh xã hội hóa về đào tạo nghề và giải quyết việc làm như tạo điều kiện cơ sở dạy nghề, thúc đẩy liên hệ dạy nghề với các doanh nghiệp tham gia đào tạo đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, đào tạo ngoại ngữ để lao động hội nhập; rà soát lại chất lượng giáo viên, danh mục nghề, bổ sung tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị đào tạo.

HĐND tỉnh cũng đề xuất: tăng cường đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề hướng đến lao động chất lượng cao; quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo sơ cấp để nâng cao năng suất, tăng thu nhập; thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định, kịp thời xử lý những sai sót, phát hiện xử lý nghiêm những hành vi lừa đảo.


Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN