(Baonghean) - Xác định đào tạo nghề cho nông dân là nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, huyện Quỳ Hợp đã chú trọng dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho nông dân, đạt được hiệu quả thiết thực. 

“Trái ngọt” từ thực tiễn 

Đến thăm mô hình chăn nuôi vịt đẻ của anh Phạm Trọng Thế (xóm Quang Thịnh, xã Châu Quang), chúng tôi ấn tượng với quy mô trên diện tích 0,2ha, gia trại được anh bố trí khá khoa học. Ngoài nơi để vịt nghỉ ngơi, anh còn bố trí sân chơi và mảnh ao để 500 con vịt đẻ tắm táp thoáng mát, sạch sẽ và đẹp mắt.

Chia sẻ về quá trình xây dựng, anh Thế cho hay, trước đây, gia đình anh đã có nhiều năm buôn trứng vịt. Nhận thấy, nhu cầu thị trường tiêu thụ rất mạnh sản phẩm này, hiệu quả kinh tế mang lại cao, nên để giảm chi phí, gia đình anh quyết định chuyển sang nuôi vịt đẻ. Từ đó, anh tham gia lớp học đào tạo nghề chăn nuôi thú y, chuyển đổi ruộng đất, cải tạo ao đầm, mua vịt giống về nuôi.

1514377547196.jpgĐàn vịt 500 con của anh Phạm Trọng Thế phát triển khỏe mạnh, đẻ trứng nhiều. Ảnh: Mỹ Nga

Từ kiến thức thu nhận được tại lớp đào tạo, cộng thêm kinh nghiệm thực tiễn và mày mò tìm hiểu qua báo đài, mạng internet về kỹ thuật chăn nuôi vịt đẻ, đàn vịt của anh Thế có sức đề kháng tốt, ít xảy ra dịch bệnh, đặc biệt vịt đẻ nhiều, đẻ đều và cho năng suất cao. Hiện nay, bình quân mỗi ngày đàn vịt nhà anh sản xuất hơn 400 quả trứng, với giá bán dao động từ 2.200 đến 2.500 đồng/quả, trừ hết chi phí anh thu về gần 400 nghìn đồng tiền lãi.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Thế cho biết, nuôi vịt đẻ trứng không khó nhưng đòi hỏi người chăn nuôi phải nắm vững kỹ thuật từ khâu chọn giống đến khâu chăm sóc, phòng dịch bệnh. Anh chia sẻ: “Điều được nhất khi tham gia những lớp đào tạo này là anh thấy tự tin, mạnh dạn hơn khi đầu tư vào sản xuất”. Nhận thấy bước đầu thành công, sắp tới, anh tiếp tục đầu tư 1.000 con vịt nhân đàn.

Gần một năm nay, việc xác định dịch bệnh thông thường để điều trị cho gà là công việc thường xuyên đối với chị Lê Thị Mỹ Diệu (xóm bản Bọ, xã Yên Hợp). Nhờ chủ động chăm sóc đàn gà mà gia đình chị đã mạnh dạn mở rộng chuồng trại, tăng số lượng để phát triển chăn nuôi. Nếu như trước đây, gia đình chị chỉ nuôi 100 con thì đến nay, đàn gà của gia đình chị lúc nào cũng có trên 500 con, phát triển theo hướng chăn nuôi gà sạch. Nhờ đó, thu nhập của gia đình cũng tăng lên. Đó là kết quả sau 3 tháng chị theo học nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm do trung tâm giáo dục hướng nghiệp (GDHN) của huyện tổ chức tại địa phương. 

Chị Diệu chia sẻ: “Hồi chưa đi học lớp thú y, lúc gà bị bệnh thì phải kêu bác sĩ thú y. Qua lớp học, mình biết được kỹ thuật tiêm, đoán bệnh thì mình đã tự chủ động trong mọi việc. Trước nuôi 30-50 con gà rất khó khăn, nhưng giờ đàn gà hàng trăm con cũng không mấy vất vả”.

Cũng giống như chị Diệu, nhiều học viên là nông dân của xã Yên Hợp đều nhận thấy tác dụng thiết thực mà lớp học mang lại. Chính vì thế, người dân tích cực đi học, không bỏ lỡ buổi học nào. Vừa được học lý thuyết vừa được thực hành nên tất cả các học viên đều nắm vững được kiến thức và có thể tự phát hiện và phòng trị một số dịch bệnh như tụ huyết trùng, tả tụ dấu, cúm, niucatxon… bảo vệ cho gia súc, gia cầm.

Chị Trần Thị Lương - giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Quỳ Hợp cho biết: “Bà con tới lớp đầy đủ, chuyên cần và ham mê học hỏi lắm. Học được điều gì ở lớp là mọi người mang về nhà thực hành ngay rồi báo cáo kết quả, trao đổi lại với chúng tôi. Một số người còn cho biết, có kiến thức về chăn nuôi thú y, gia đình mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi theo gia trại, trang trại”.

Cũng ở xã Yên Hợp, chị Nguyễn Thị Bé đã nâng hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi kể từ khi được cán bộ hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật. Chị Bé bộc bạch: “Với bà con nông dân như chúng tôi, được học những lớp như thế này thật bổ ích. Giờ chúng tôi biết chăm sóc và phòng bệnh cho đàn gà, đàn lợn nhà mình. Và khi chúng mắc bệnh, tôi có thể phát hiện và mua thuốc điều trị cho chúng khỏi bệnh”.

Không chỉ có anh Thế, chị Diệu, chị Bé, mà ở huyện Quỳ Hợp nhiều nông dân phát huy được nghề đã học, từ đó đem lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quỳ Hợp Vi Văn Dương cho hay: Đi vào hoạt động từ tháng 4/2017 đến nay, với phương châm: “Nông dân cần gì học đó và đào tạo ngay tại cơ sở”, trung tâm đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân các địa phương, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch tuyển sinh. Theo đó, trung tâm đã mở được 5 lớp đào tạo nghề. Hơn 245 học viên nông dân được đào tạo trình độ tương đương bậc sơ cấp nghề về chăn nuôi thú y, dệt thổ cẩm. Phần lớn, các học viên sau khi hoàn thành khoá học, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng trọt, chăn nuôi, đạt hiệu quả cao.

Tháo “nút thắt” trong đào tạo nghề 

Thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trong thời gian qua, tại huyện Quỳ Hợp, một trong những kết quả nổi bật nhất khi người nông dân tham gia đào tạo nghề là nhận thức đã có chuyển biến tích cực. Từ việc tham gia học một cách thụ động, thì nay đã chuyển sang chủ động học để tiếp cận các kiến thức tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm áp dụng trong thực tiễn sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập.

Việc mở các lớp đào tạo nghề cho LĐNT gắn với nhu cầu thực tiễn ở huyện Quỳ Hợp đã và đang phát huy hiệu quả, từ chủ trương đúng đắn của Nhà nước, trao “chìa khoá” để người dân tự tin phát triển kinh tế gia đình, nâng cao sản xuất, cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề vẫn còn là một “bài toán khó”. Theo Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Vi Văn Dương, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn phân bổ chậm và ít, trong khi ở một số địa phương do địa bàn miền núi phân tán, việc mở lớp dạy nghề tập trung ở xã, huyện rất khó khăn, vì thế trung tâm dạy nghề phải xuống tận thôn để mở lớp.

Nhờ những kiến thức thu nhận được từ lớp đào tạo chăn nuôi, chị Diệu tự tin hơn trong chăn nuôi gà. Ảnh: Mỹ Nga

Một vướng mắc nữa là, nghề nông nghiệp rất thiết thực nhưng đào tạo xong, người dân chưa phát huy hết tiềm năng do thiếu vốn, không có điều kiện tổ chức sản xuất; và quan trọng nhất là, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, trong khi người dân học nghề nông nghiệp lại không có kỹ năng kinh doanh, nên chưa biết đưa sản phẩm của mình ra thị trường để tiêu thụ.

Trên thực tế còn cho thấy, tình trạng thiếu giáo viên dạy nghề cũng là một vấn đề “nhức nhối”. Trong đó, có những nghề có giáo viên thì người dân không có nhu cầu học, còn những nghề có nhu cầu thì lại thiếu giáo viên. Kế hoạch trong năm 2017 của Trung tâm GDNN-GDTX huyện là mở 7 lớp dạy nghề lao động nông thôn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trung tâm chỉ mới mở được 5 lớp. Và 4/5 lớp này đều là dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, không có nghề gò hàn, cơ khí hay may công nghiệp.

Tránh tình trạng đào tạo theo hình thức, lý thuyết “đắp chiếu”, để người dân sau khi học nghề trở thành lực lượng lao động có tay nghề, chất lượng, đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả, cần sự tiếp sức dài hơi. Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quỳ Hợp Vi Văn Dương cho biết: “Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về vai trò của đào tạo nghề, làm tốt công tác phân luồng sau trung học cơ sở, gắn dạy nghề với các chương trình hỗ trợ khác như vay vốn phát triển sản xuất sau khi có chứng chỉ học nghề. Không chỉ vậy, đào tạo phải gắn với doanh nghiệp để giải quyết việc làm và tiêu thụ sản phẩm sau đào tạo. Chỉ đào tạo nghề chưa đủ, mà phải có doanh nghiệp làm “đầu kéo” để giúp nông dân cung ứng đầu vào, đầu ra cho sản phẩm, tạo quy trình sản xuất bền vững, phát huy được ngành nghề đào tạo”.

Mỹ Nga

TIN LIÊN QUAN