(Baonghean) - Xây dựng một xã hội học tập và học tập trọn đời là hai nội dung gắn kết có tính chiến lược quan trọng bậc nhất của của hoạt động khuyến học. Không tạo nên xã hội học tập thì không thể có chuyện học tập suốt đời và ngược lại. Mục tiêu và tham vọng xây dựng một xã hội học tập suốt đời kịp đánh thức sự quan tâm tưởng chừng như đã hoang hóa của những người biết lo lắng về một tương lai kém thịnh vượng.
 
Xin thưa với bạn đọc, nói đến sự học tức là chúng ta đang chạm đến những điều thiêng liêng nhất, quan trọng nhất của mọi cộng đồng cũng như của mọi thời đại. Lịch sử từng ghi nhận một cách liền mạch và đầy trân trọng bao bậc hiền tài âm thầm đặt nền cho những tư tưởng khuyến học để đến tận hôm nay nó còn nguyên vẹn với sức sống không chỉ mãnh liệt mà trường tồn.
 
Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2001) đã khẳng định: Phải tạo điều kiện cho mọi người dân đều được học theo hệ thống chính quy hoặc không chính quy, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập. Tinh thần ấy lại càng được thể hiện rõ hơn, đầy đủ và mạnh mẽ hơn trong đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X: “Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập”. Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã tiếp tục chỉ rõ: “Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”. Tuy nhiên, trong hành trình đưa chủ trương nghị quyết vào cuộc sống với không ít mở mang và tìm tòi ấy, ngoài những thành tựu đã được ghi nhận thì vẫn còn có việc nhẽ ra chúng ta đã có thể làm tốt hơn, mà xây dựng các Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã là một ví dụ. 
 
Theo UNESCO, trung tâm học tập cộng đồng là cơ sở giáo dục không chính quy của xã, phường, thị trấn, do cộng đồng thành lập và quản lý nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển cộng đồng thông qua việc tạo cơ hội cũng như khuyến khích tinh thần và khả năng học tập suốt đời của người dân. 
 
Sau một thời gian khá dài áp dụng các mô hình có tính chất thí điểm, năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 112/2005/QĐ-TTg với mục tiêu đến năm 2010, 80% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, thậm chí sau đó còn đẩy mục tiêu này về đích trước thời hạn những hai năm với cả chục ngàn trung tâm học tập cộng đồng được “đóng biển”! Không thể bỏ qua những nỗ lực của Chính phủ trong việc “nuôi” những trung tâm này... “khôn lớn”. Theo thông tư 96/2008/BTC ngày 27/10/2008 của Bộ Tài chính, mỗi trung tâm thành lập được hỗ trợ từ 20 đến 30 triệu đồng tùy khu vực. Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ban hành theo Quyết định 09/2008/QĐ/BGDĐT cũng đã làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, tài chính, quản lý... của trung tâm học tập cộng đồng. Trong văn bản còn nêu rõ: “Cán bộ trung tâm học tập cộng đồng được bố trí kiêm nhiệm” và đặc biệt là: “Được hưởng phụ cấp từ kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.”. Chưa dừng lại ở đó, nhằm tăng cường trách nhiệm, mà nói theo cách mượn ngôn ngữ dân dã là “tăng uy” cho trung tâm, nên về nhân sự, các quy định sau đó còn “cài” cả vị phó chủ tịch UBND xã vào chức vụ giám đốc! Không ít mô hình đã khẳng định được tính ưu việt. Nhiều trung tâm xây dựng được chương trình cụ thể phù hợp và mang lại hiệu quả thiết thực như tập huấn kỹ thuật sản xuất, xóa mù chữ và phổ cập tiểu học, tổ chức nói chuyện thời sự, tư vấn xuất khẩu lao động, phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, dạy tin học, ngoại ngữ cho cộng đồng... 
 
Điều đáng tiếc nhất vẫn là sự đuối sức của không ít trung tâm. Thực trạng cấp ủy chính quyền xã “quên” trung tâm học tập cộng đồng không còn “xưa nay hiếm” nữa. Nói như vị phó giám đốc trung tâm nọ, là “hơi bị nhiều”! Cán bộ trung tâm thì mười phần mười kiêm nhiệm, tính chuyên nghiệp cũng như khả năng am hiểu vấn đề bị hạn chế, thành thử họ cũng chỉ có thể dành thời gian và tâm sức cho trung tâm khi... cao hứng hoặc lúc có đoàn kiểm tra cũng là đã may lắm. Về cơ sở vật chất, cũng mang danh là trung tâm, cũng có cả một ban giám đốc như ai, nhưng “trụ sở” thì lại tròn một tiếng là “mượn hội trường”. Cái khó ló cái khôn, ấy thế mới có xã sáng tạo nên tấm biển in hai mặt, khi “bên lở” dùng vào việc hội nghị thì lật về phía “phòng họp số 1” còn khi “bên bồi” có “trên về” thì trở lại “Trung tâm học tập cộng đồng”? Đến nay, thực trạng dễ nhìn nhưng khó nói của các Trung tâm học tập cộng đồng này như thế nào, còn bao nhiêu phần trăm khỏe mạnh, bao nhiêu phần trăm “diễn cho vui”, và bao nhiêu phần trăm “cái biển cũng không còn” chắc nhiều người biết. Các xã lại càng rõ hơn ai hết. 
 
Một thời, chúng ta có “tiếng kẻng khuyến học” rất hay, rất hiệu quả, lại không liên quan gì đến tiền... mà hồi ấy thì hình như chưa có các trung tâm! Xây dựng một xã hội học tập suốt đời là mục tiêu cao cả và nhân văn. Nhưng tại thời điểm này, có lẽ phải rất cố gắng chúng ta mới có thể hình dung về một xã hội mà ở đó ai cũng đi học cho đến suốt đời. Có xây dựng được không nhỉ? Tất nhiên là được, nếu chúng ta hội tụ đủ phương pháp và trách nhiệm.
 
Nhìn lại lâu nay, một số Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả đều gắn liền với đội ngũ cán bộ giàu tâm huyết. Chỉ có điều, sự tâm huyết hình như không phải là một thứ gì đó không giới hạn. Thành lập được trung tâm rồi, xin các xã đừng để cho trung tâm rơi vào tình trạng “đóng cửa”!
 
Nguyễn Khắc An