(Baonghean) - Từ bao giờ, những vườn mận, đào nơi đây đã nở hoa đón xuân. Những vườn hoa như điểm tô cho tiết xuân thêm tươi thắm và Mường Lống trở thành một mường hoa…

“Lên đi, hoa mận nở rồi!”, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống (Kỳ Sơn) Và Nỏ Vừ nói rành rọt. Qua điện thoại, giọng ông cán bộ người Mông nghe phấn chấn lạ thường. Những ngày đầu năm chúng tôi “cưỡi ngựa sắt” đánh đường lên xã Mường Lống (Kỳ Sơn). Từ nhà tôi lên xã vùng cao được ví von như Đà Lạt của miền Tây đất Nghệ này, phải đi chặng đường hơn trăm rưỡi cây số. 
 
 
images1133633_tr__em_mu_ng_l_ng_d_n_l_p_du_i_r_ng_hoa_tr_ng____nh_h__phuong.jpgTrẻ em Mường Lống đến lớp dưới rừng hoa trắng. Ảnh: Hồ Phương
 
Cách đây hơn nửa năm, tôi đi lạc vào vườn mận trĩu trịt trái chín căng mọng ở bản Mường Lống 1, chợt hình dung đến tiết Xuân, mận sẽ bung nở trắng xóa như những chiếc chăn hoa ai phơi khắp bản. Tôi liền nhắn với anh bí thư đảng ủy hoa mận nở hãy gọi điện, tôi lên. Chẳng ngờ, lời nhắn tưởng chừng như vu vơ thế thôi mà anh cán bộ xã vẫn nhớ. “Cây mận nào cũng màu trắng cả rồi!”, cách diễn đạt của cán bộ Và Nỏ Vừ có phần vụng về thế mà gợi lên trong tôi một bức tranh thi vị. Tôi giục anh bạn phóng viên vặn tay ga vượt dốc. Thú thực, tôi có phần sốt ruột muốn ngắm hoa mận trắng.
 
Cao nguyên Huồi Tụ mịt mờ trong sương. Trên lối vào trung tâm xã Mường Lống sương dày đặc. Thung lũng ngàn cây ẩn hiện trong màn sương mờ ảo. Ấy thế mà vừa vượt qua cổng trời chúng tôi như chui ra khỏi màn sương. Trời đất sáng tươi. Bản Trung Tâm hiện lên dưới cái nắng nhạt tiết lập Xuân. “Hoa mận kìa!”, anh bạn tôi chỉ tay xuống thung lũng, rồi rời khỏi chiếc xe máy. Một lúc sau dáng người cao lêu nghêu của anh đã lẩn khuất trong rừng mận. Một màu hoa trắng xóa ngập tràn khắp các nẻo đường trong bản. Những tán mận sà xuống trên các nẻo đường bê tông nhỏ hẹp. Từ xa những tán cây chi chít hoa trắng.
 
Tôi vào vườn mận, theo con đường bê tông dẫn vào bản Mường Lống 1. Với tay vịn một cành hoa xuống, tôi nhận ra chồi cây nhỏ đang len lên từ dưới cánh hoa. Có chỗ chồi mầm đã phô màu xanh non xen lẫn những cánh hoa trắng muốt. Lứa hoa đầu tiên nở vội đã bắt đầu rụng xuống, màu trắng lấm tấm vương trên mặt đất. Em Y Mị cho biết: “Hoa mận đã nở được gần nửa tháng nay rồi chú à! Chỉ độ một tuần nữa là nó tàn thôi”. Nói rồi, cô bé bẽn lẽn chạy đi cho kịp lũ bạn.
 
Vậy là may cho tôi rồi. Chỉ chậm ít ngày nữa thôi, tôi sẽ lỡ mất một mùa hoa. Lúc này, bóng dáng cô bé Y Mị cũng mất hút trong rừng mận, chỉ còn lại tràng cười của đám học trò. Tôi chợt nghĩ mùa hoa này sẽ hứa hẹn một mùa quả ngọt. Chỉ độ 5 tháng nữa thôi, một mùa quả chín sẽ lại bắt đầu trên mảnh đất tươi đẹp này. Hoa mận trắng đã thay thế cho loài hoa anh túc từng ngự trị nơi đây.
 
Đang tha thẩn giữa rừng mận, con đường nhỏ dẫn tôi đến một bãi nhỏ. Thì ra là một vườn đào của dân bản. Chợt nhớ đến lời người bạn làm giáo viên lâu năm ở vùng cao: “Miền núi ta đẹp nhất vẫn là đào Mường Lống!”.  Té ra tôi đã lạc từ rừng mận vào vườn đào. “Đào xứ này búp tròn căng đầy sức sống như người con gái tuổi xuân thì!”. Tha thẩn giữa vườn hoa, tôi chợt nhớ đến lời anh bạn dạy Văn. Có lẽ người và hoa đất này đã thêm gia vị cho cuộc sống lãng mạn của anh nên mới có câu nói kiểu cách nhà thơ như vậy. 
 
Người Nghệ rất chuộng đào của người Mông ở Mường Lống, Huồi Tụ. Tại trung tâm xã Huồi Tụ, giá mỗi cây đào vào loại đẹp đã lên đến vài triệu đồng. Nghe đâu, khi về đến Thành phố Vinh, giá tăng lên gấp dăm bảy lần. Đi giữa vườn hoa mới hiểu được vì sao đào xứ này lại được ưa chuộng đến thế. Con người và khí trời miền đất đã tạo ra một giống đào cành lá thẳng như tính cách bộc trực của người dân nơi đây. Đào Mường Lống khác biệt với giống đào cảnh miền xuôi được bàn tay con người tạo tác thành nhiều dáng thế. Còn những cành hoa đào nơi này chỉ biết hướng lên bầu trời mà nở hoa. Dưới khí trời vùng cao đầy khắc nghiệt, những búp hoa, cánh hoa cũng mang một vẻ đẹp khỏe khoắn. Dễ hiểu thôi, chính thiên nhiên đã khiến mọi tạo vật nơi đây khi sinh ra đã phải rắn rỏi để sinh tồn.
 
Phía cuối vườn hoa, một người phụ nữ luống tuổi cõng chiếc gùi nhỏ trên lưng. Tôi nhận ra chiếc “lù cở” mà người Mông vẫn đeo trên lưng khi đi nương, đi rẫy. Bên trong có vài bó cải ngồng. Người phụ nữ Mông nói bằng tiếng Kinh giọng lơ lớ: “Hoa cải, hái đằng kia!”. Nhìn theo tay người phụ nữ Mông, tôi nhận ra những đám hoa cải vàng rực, trải dài từ bãi rộng đến chân núi. Nương cải tựa hồ chiếc thảm vàng thiên tạo thả xuống trần gian. Thấp thoáng đâu đó, những bóng người lên nương hái ngồng cải. Người ta tranh thủ thu hái đem ra cái chợ nhỏ ở bản Trung Tâm, có người ra mãi tận ngã ba Mường Lống trên con đường đi xã Mỹ Lý, Mai Sơn (Tương Dương) để bán chuyến cuối năm.
 
 Có cuộc gọi đến từ Chủ tịch UBND xã Xồng Và Súa và tôi trở lại trụ sở UBND xã. Trong buổi làm việc đầu năm, ông Và Súa cho biết, hầu khắp 13 bản trên toàn xã đều có trồng mận, đào. Đào và mận là giống cây được Nhà nước đem từ miền Bắc về cho bà con trồng cách đây đã hơn 20 năm. Vậy là cũng đã có đến gần hai chục mùa mận, đào trên đất này. Cuối năm người dưới xuôi mạn Tương Dương, Con Cuông, có cả người Vinh, người Hà Nội đánh ô tô về chở hoa đào. Người trồng đào vì thế cũng có thêm tiền tiêu Tết. Thế nhưng cây đào chặt đi rồi thì vài năm sau mới lại có hoa. Nói là mừng cho người dân nhưng cũng lo vì sợ ít năm nữa là hết mất đào Mường Lống. 
 
Cây mận cũng đến đây cùng dịp với cây đào. Đầu năm hoa mận nở, đến tháng 5, tháng 6 âm lịch là mùa hái quả. Có nhà cũng thu được vài chục triệu đồng nhờ bán mận. Còn cây cải thì đã ăn đời ở kiếp với con người nơi đây từ ngày về lập bản, lập mường. Cây cải cũng như lúa nương, không thể thiếu đối với người bản. Cuối năm, tháng, 9, tháng 10, người ta phát nương gần nhà để gieo cải. Đến cận Tết, cải ngồng đã nở vàng khắp triền dốc như điểm tô thêm sắc màu cho những ngày xuân.
 
Cuối chiều, màu hoa mận trắng càng trở nên nổi bật trên nền xanh cây cối dưới thung lũng bản Trung Tâm, bản Mường Lống 1. Tôi tản bộ dưới tán hoa tìm đến nhà già bản Vừ Lìa Trỉa. Bên bếp lửa hồng, già bản kể tôi nghe biết bao nhiêu chuyện ngày xưa gian khó của người Mường Lống. Thời xưa cái nghèo, thổ phỉ và cây thuốc phiện đã làm hại biết bao người. Rồi chuyện già đi làm cách mạng… Biết bao chuyện vui buồn, nhưng lòng lúc nào cũng hướng về mơ ước thoát khỏi cái khổ, cái nghèo. 
 
Già Lìa Trỉa bảo: “Bây giờ thì bản mình đã có đường nhựa vào đến rồi. Hoa mận, hoa đào đã ở chỗ của hoa thuốc phiện ngày xưa. Vậy là về già mình cũng thấy niềm vui…”. Lời già Lìa Trỉa trầm đục như điệu đàn môi ngày Tết, còn ánh mắt già thì lấp lánh niềm vui…
 
Hữu Vi