Bà Nguyễn Thị Lân kể lại câu chuyện gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch năm 1969. Clip: Đình Tuyên - Công Kiên

Dũng cảm nơi “tọa độ lửa”

Trong ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Lân (SN 1944) ở khối 13, phường Bến Thủy (TP. Vinh – Nghệ An), bức ảnh Bác Hồ với chụp lưu niệm với Đoàn đại biểu Quân khu 4 được đặt ở vị trí trang trọng. Có khách đến thăm, bà thường “khoe” mình là người đứng hàng đầu, vị trí ngoài cùng bên trái.

Cựu TXNP Nguyễn Thị Lân kể lại kỷ niệm hai lần gặp Bác Hồ. Ảnh: Công Kiên

“Năm 1969, tôi vinh dự là 1 trong 23 đại biểu của Quân khu 4 ra thủ đô gặp Bác Hồ, được Bác tiếp đón và trò chuyện thân mật. Kỷ niệm này suốt đời tôi không thể nào quên…” – bà Lân tâm sự.

Năm 1965, Nguyễn Thị Lân – cô gái quê Đức Thọ (Hà Tĩnh) gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ, vào miền Tây Quảng Trị gùi lương, tải đạn, san lấp hố bom phục vụ chiến trường. Dưới mưa bom bão đạn vẫn luôn kiên cường bám trụ, cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhờ vậy, người con gái trẻ trung, gan dạ ấy đã được kết nạp Đảng giữa chiến trường, trở thành tấm gương cho đồng đội.

Cựu TXNP Nguyễn Thị Lân giành nơi trang trọng trong ngôi nhà của mình để đặt bức ảnh Đoàn đại biểu đồng hương Quân khu 4 với Bác Hồ. Ảnh: Đình Tuyên

Sau hai năm ở Trường Sơn, bà Lân được điều ra làm nhiệm vụ tại ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc – Hà Tĩnh) – một trong những trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ ở miền Bắc với vai trò Đại đội phó, rồi Đại đội trưởng Đại đội 557. Cuối năm 1967, do có thành tích xuất sắc, nữ TNXP Nguyễn Thị Lân được ra Hà Nội gặp Bác Hồ.

"Lần ấy, đoàn có gần 200 người là đoàn viên ưu tú, cán bộ xuất sắc nên Bác không thể gặp từng người, chỉ đứng vẫy tay, nở nụ cười ấm áp và thân ái thay cho lời chào. Lúc ra về, ai nấy đều nuối tiếc, chưa thỏa mãn vì chưa được được gần gũi với Người".

Cựu TNXP Nguyễn Thị Lân

 
Lực lượng dân công hỏa tuyến lấp hố bom của địch, mở đường mới cho xe ra chiến trường tại khu vực ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh: Văn Sắc/TTXVN

Thực hiện nhiệm vụ tại ngã ba Đồng Lộc, Đại đội trưởng Nguyễn Thị Lân tiếp tục không quản ngại gian khổ, hy sinh và lập được nhiều chiến công. Thân hình nhỏ nhắn nhưng vô cùng gan góc, nữ Đại đội trưởng ấy luôn sẵn sàng xông ra mặt đường để những chuyến xe đi qua được an toàn. Nhờ đó, Đại đội 557 được phong tặng Huân chương Độc lập.

"Người thì nhỏ mà chí thì lớn!".

Đầu năm 1969, Quân khu 4 tổ chức Đại hội Quyết thắng tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An), Nguyễn Thị Lân đại diện cho lực lượng TNXP tham dự. Ban tổ chức gửi lời mời Bác Hồ nhưng do công việc bận rộn nên Người không thể về dự, dù Bác rất nhớ quê hương. Người đã gửi thư chúc mừng và không quên dặn cử Đoàn đại biểu đồng hương Quân khu 4 ra thủ đô tham quan và gặp gỡ.

Cựu TXNP Nguyễn Thị Lân xem lại những bài báo viết về chiến công ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh: Đình Tuyên

Một lần nữa, nữ TNXP Nguyễn Thị Lân lại vinh dự có mặt trong đoàn đại biểu 23 người ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc gặp diễn ra vào tháng 6/1969 ở Phủ Chủ tịch, có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thư ký Vũ Kỳ.

“Chúng tôi vào Phủ Chủ tịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mở cửa, Bác Hồ vội bước ra, tất cả cùng ùa vào ôm lấy Bác như con cháu đi xa lâu ngày trở về. Với Người cũng vậy, nắm lấy tay từng người và hỏi han như được đón các cháu thân thiết, ruột thịt sau bao năm xa cách. Giọng nói ôn tồn, cử chỉ thân mật của Bác khiến mọi người đều rưng rưng xúc động, nghẹn ngào…”.

Cựu TNXP Nguyễn Thị Lân

  

Trước khi vào gặp Bác, Trưởng đoàn cử 7 người trực tiếp báo cáo thành tích, trong đó có Nguyễn Thị Lân. Những người được báo cáo thành tích với Bác đều lo lắng, chuẩn bị sẵn văn bản để đọc khi được yêu cầu. Nhưng không ngờ, khi gặp Bác lại chủ động hỏi chuyện từng người, lời Bác ân cần, thân mật như người một nhà.

Theo thứ tự, bà Lân là người báo cáo thứ 3, Bác hỏi: “Ở đại đội cháu, các cháu nữ có nhiều không?”. Bà Lân đáp: “Thưa Bác! Đại đội cháu có tới 85% là nữ ạ!”. Bác nói tiếp, đại ý Bác từng đi qua ngã ba Đồng Lộc và biết địa hình ở đó rất hiểm trở, toàn núi rừng và khe suối. Địch sẽ còn tập trung đánh phá ác liệt để cắt đứt sự chi viện cho chiến trường miền Nam, quân và dân Đồng Lộc sẽ tiếp tục phải chịu gian khổ, hy sinh để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Nữ cựu TXNP Nguyễn Thị Lân (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) cùng Đoàn đại biểu đồng hương Quân khu 4 chụp ảnh lưu niệm với Bác Hồ. Ảnh: NVCC
Cựu TXNP Nguyễn Thị Lân là đảng viên, tấm gương sáng trong chiến đấu và cuộc sống đời thường. Ảnh: Công Kiên

Rồi Bác lại hỏi: “Đơn vị cháu chỉ huy hy sinh nhiều không?”. Đồng chí Vũ Kỳ và đồng chí Võ Nguyên Giáp liền lại lần bà Lân nhắc đừng kể nhiều về sự hy sinh, sợ làm Bác xúc động, ảnh hưởng đến sức khỏe. Lập tức Bác nói hai đồng chí trở lại chỗ ngồi của mình để nữ TNXP Nguyễn Thị Lân thoải mái trả lời câu hỏi.

Bác nói tiếp: “Đã chiến đấu thì khó tránh khỏi thương vong. Cháu cứ nói thật, hy sinh nhiều không?”. Bà Lân đáp: “Thưa Bác! Thương vong rất ít ạ!". Bác hỏi tiếp: "Ít là mấy người?" Bà Lân đáp lời: "Đơn vị cháu hy sinh 9 người rồi ạ!”. Lặng đi một phút, Bác khen Đại đội trưởng Nguyễn Thị Lân: "Chà! Người thì nhỏ mà chí thì lớn!".

Lần lượt hỏi chuyện hết 7 người, Bác bảo Đại tướng Võ Nguyên Giáp lấy Huy hiệu của Bác để trao cho các thành viên trong đoàn. Lúc này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo với Bác đã hết giờ tiếp khách, mời Bác về nghỉ để giữ sức khỏe.

Kỷ niệm gặp Bác Hồ là một động lực giúp cựu TNXP Nguyễn Thị Lân vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Ảnh: Công Kiên

Bác nói rằng, ngày mai Bác sẽ nhận khuyết điểm trước Bộ Chính trị, hôm nay cứ để Bác gặp Đoàn đại biểu đồng hương Quân khu 4 thêm một lúc. Tất cả đều xúc động, cùng lấy khăn lau những dòng nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt, rồi cùng chụp ảnh lưu niệm với Bác…

Sau Hiệp định Paris, bà Nguyễn Thị Lân xuất ngũ, chuyển ngành làm cán bộ Công ty Sông biển Nghệ Tĩnh, lập gia đình và sinh sống tại thành phố Vinh. Bà chia sẻ: “Cuộc sống còn khó khăn, bộn bề nhưng tôi luôn khắc sâu trong ký ức kỷ niệm về hai lần được gặp Bác Hồ. Điều ấy giúp tôi luôn nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống”.

Bà Nguyễn Thị Lân kể lại cuộc gặp của Bác Hồ với Đoàn đại biểu đồng hương Quân khu 4 tại Phủ Chủ tịch năm 1969. Clip: Đình Tuyên - Công Kiên