Trước hết phải công khai thú thật rằng, người viết bài này là kẻ ngoại đạo về hội họa, cho dù từ nhỏ tôi đã chết mê chết mệt với những bức như “Mùa Thu vàng” (Levitan), Em Thúy (Trần Văn Cẩn), hay “Thiếu nữ bên hoa huệ” (Tô Ngọc Vân). Yêu tranh bằng sự cảm nhận bẩm sinh, nơi những thông điệp thiện lành toát lên từ tác phẩm. Tôi không có kiến thức chuyên môn về hội họa, nhưng tôi cũng tự tin phán đoán phần không nhỏ quần chúng cũng như vậy. Chuyên môn hội họa là thứ năng lực đặc biệt quý hiếm mà tạo hóa chỉ “chia” cho một lượng người ít ỏi chứ không phổ cập toàn dân.
Tuy nhiên, cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác cho dù là một người ngoại đạo thì tất cả chúng ta vẫn hoàn toàn có quyền yêu ghét và lại càng có quyền bày tỏ cảm xúc của mình. Xin nhấn mạnh rằng: bày tỏ suy nghĩ là một trong những quyền “không ai có thể chối cãi được”. Cá nhân người viết bài này phản bác quan điểm “Không có chuyên môn thì không được bàn”. Dạ thưa, nói vậy thì khác gì lấy tay bịt miệng thiên hạ.
Như đã đặt vấn đề ở phần trên, họa sĩ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong cộng đồng. Họ thực sự là những tài năng được chiết xuất từ cuộc sống, họ cần được chúng ta trân trọng, bảo vệ và ủng hộ. Không phải cứ biết cầm cây cọ thì có thể trở thành họa sĩ. Ai đó từng phát biểu đại ý: vẽ rất dễ với người không biết vẽ, còn vẽ lại rất khó với những người biết vẽ. Họa sĩ thiên tài Vincent Van Gogh từng nói: “Những bức tranh cũng có linh hồn, và linh hồn chúng được lấy từ linh hồn của người họa sĩ”. Thật vậy, cho dù bạn có một trí tuệ siêu phàm đến mấy thì bạn cũng không thể tự tạo nên một tác phẩm hội họa bằng đôi tay vụng về. Ngược lại kể cả bạn có một đôi tay khéo léo đến mấy thì cũng không bao giờ có một tác phẩm giá trị nếu nó được điều khiển một trái tim phi lương thiện. Nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng là sự hội tụ cân đối giữa trí tuệ, tài năng và nhân cách. Bất kỳ một sự khuyết thiếu nào đều có thể dẫn đến sự méo mó.
Trở lại với câu chuyện đang “nóng ran” mấy ngày qua. Như chúng ta đã biết, ngày 7/5, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng triển lãm "Điện Biên Phủ" của họa sĩ Mai Duy Minh với lý do "có thông tin cho rằng một số bức tranh có thể gây hiểu nhầm". Đặc biệt, bức tranh "bộ đội cầm cờ rách" gây tranh cãi. Đơn vị này cũng đưa ra thông báo về việc sẽ thành lập hội đồng thẩm định lại và đưa ra kết luận trong thời gian ngắn nhất có thể. Cũng phải nói thêm rằng, trước đó Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã cấp Giấy phép số 133/GP-SVHTT cho triển lãm này. Theo kế hoạch, họa sĩ Mai Duy Minh được trưng bày 88 tác phẩm tại Nhà Bảo tàng, Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 7/5 đến ngày 20/5. Tuy nhiên, sau khi nhận được văn bản của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã quyết định yêu cầu ban tổ chức dừng khai mạc. Sau vụ việc ồn ào này, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã làm việc với tác giả, cơ quan quản lý địa điểm tổ chức và các bên có liên quan thống nhất tạm dừng tổ chức triển lãm chủ đề "Điện Biên Phủ".
Thông báo mà Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nêu rõ: "Sau khi nhận được thông tin về triển lãm còn có ý kiến khác nhau về một số tác phẩm cần làm rõ hơn tránh hiểu nhầm, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội đã làm việc với tác giả, cơ quan quản lý địa điểm tổ chức yêu cầu tạm dừng và các bên có liên quan thống nhất tạm dừng tổ chức triển lãm. Sau khi có kết luận, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ có thông báo tới các đơn vị và cá nhân có liên quan".
Tất nhiên, với những vụ việc kiểu như thế này thì cộng đồng mạng không bao giờ “buông tha” cả. Việc tạm dừng triển lãm tranh "Điện Biên Phủ" đã tạo nên một cuộc tranh cãi sôi nổi thậm chí có lúc gay gắt trong dư luận. Phía tạm gọi “vị nghệ thuật” thì cho rằng, đây là hành vi khắt khe với sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, phần đông (sau khi xem bức tranh “cờ rách”) đều đồng thanh khẳng định việc đình chỉ của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là đúng đắn và cần thiết. Đại đa số cho rằng, bức tranh "bộ đội cầm cờ rách" không đại diện cho hình tượng chiến sĩ Điện Biên “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”. Tác giả đã cường điệu hình ảnh một cách thái quá, cảm giác ác ý khi khắc họa một người lính quá gầy gò, khắc khổ, trên tay anh là lá cờ rách rưới, thậm chí khuôn mặt có phần dữ dằn.
Trình bày quan điểm cá nhân, nhà báo Chiến Văn viết: "Bức tranh vẽ chiến sĩ Điện Biên trong thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc với điệu bộ, gương mặt méo mó, biến dạng, mắt như bị dị tật, tay cầm lá cờ rách nát, lấm lem mà một số người vẫn khen và bênh tác giả được thì thật khó hiểu. Họ cho rằng đó mới là nghệ thuật. Và nghệ thuật phải phản ánh hiện thực.
Tôi không am hiểu nhiều về hội họa nhưng khi nhìn bức tranh thấy có 3 điều: Một là tổng thể bức vẽ quá xấu. Hai là không phản ánh đúng hiện thực. Ba là cảm giác người vẽ bức tranh này không có cái nhìn tích cực. Người có tinh thần dân tộc khi hình dung về chiến sĩ Điện Biên là sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh hào hùng, oai phong, uy nghiêm, oanh liệt. Chiến thắng mang tầm vóc "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" chẳng lẽ lại bị tái hiện qua hình ảnh nhếch nhác, lấm lem, méo mó này sao? Đành rằng nghệ thuật là phải tôn trọng sự sáng tạo, không thể áp đặt, cứng nhắc. Nhưng sáng tạo thế nào thì cũng phải hướng tới cái đẹp, cái tích cực, nhất là khi muốn trưng bày ở nơi trang nghiêm, trong dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước". Tuy nhiên, ở chiều ngược lại thì cũng có những ý kiến lên tiếng bảo vệ tác giả và tác phẩm, kiểu như: “Không thể coi bức tranh này như một bức tranh được Chính phủ chỉ đạo vẽ mà bắt nó phải theo đúng một chiều tư tưởng chủ đạo của người "ra đề".
Vâng, có thể không ai trực tiếp “ra đề”, nhưng Điện Biên Phủ là cuộc chiến tranh nhân dân, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của cả dân tộc. Đã đụng đến Điện Biên Phủ thì mặc định là lịch sử đã “ra đề”, nhân dân đã “ra đề” rồi đấy ạ. Triển lãm tác phẩm về Điện Biên Phủ lại đúng dịp kỷ niệm “Mùng bảy tháng Năm” thì đương nhiên không phải là không gian giao lưu tác phẩm hữu hạn cho một nhóm người. Nó dường như chạm đến miền thiêng liêng sâu thẳm của triệu người con đất Việt. Rất trân trọng nghệ thuật, nhưng xin đừng ai sơ ý hay cố tình thả cho nghệ thuật sai đường lạc lối. Nghệ thuật không nên ly khai khỏi cuộc sống. Nghệ thuật luôn luôn cần sự hướng thiện