Kỷ niệm “tình cờ được gặp Bác”

Vào đoàn chuyên nghiệp từ ngày mới 17 tuổi, hành trang mang theo của cô gái quê lúa Yên Thành chỉ là một giọng hát cao vút, một cảm xúc tràn đầy, và trái tim yêu nghệ thuật, yêu khúc dân ca quê hương xứ Nghệ. Đến bây giờ khi hồi tưởng lại chặng đường ban đầu ấy, bà vẫn bồi hồi khôn nguôi khi nhắc về những kỷ niệm làm nghề những ngày đầu non trẻ, về những dấu mốc không thể nào nguôi quên.

Nghệ sỹ Ưu tú Song Thao chia sẻ về khoảnh khắc xúc động trong lần đầu tiên được gặp Bác, năm 1961. Ảnh: Đức Anh

Năm 1961, khi mới vào đoàn mới được 2 năm, bà và anh chị em diễn viên Đoàn Văn công Nghệ An được thông báo sẽ có một buổi biểu diễn đặc biệt, phục vụ vị khách đặc biệt, đó là Bác Hồ kính yêu trong lần Người về thăm quê lần thứ hai.

“Không thể nói hết sự hồi hộp, mong ngóng. Chúng tôi, những anh chị em được lên sân khấu hát cho Bác nghe lần ấy ai ai cũng lóng ngóng đi ra đi vào, chốc chốc lại len lén nhìn xuống sân khấu nơi Bác sẽ đến” - NSƯT Song Thao kể lại. 

Hình ảnh Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai. Ảnh tư liệu
Rồi cũng đến giây phút mong chờ nhất, Đoàn Văn công Nghệ An được ra sân khấu để hát cho Bác nghe. NSƯT Song Thao được phân công hát bài dân ca lời cổ, khúc dân ca mà Bác luôn muốn nghe trong những ngày xa quê hương. Lần gặp đó tuy ngắn ngủi, bà chỉ kịp lưu lại hình ảnh Bác chăm chú nghe khúc hát dân ca ngọt ngào nhưng chưa được nghe tiếng Bác, lại gần Bác như mong ước của bà và anh chị em trong đoàn. Thế nhưng, cũng từ cuộc gặp đó, NSƯT Song Thao lại càng có thêm động lực, tình yêu và sự quên mình để tận hiến cho con đường nghệ thuật trải dài của bà sau này.

Những dòng hồi tưởng về 3 lần gặp Bác Hồ kính yêu luôn khiến bà có thêm động lực trong cuộc sống. Ảnh: Đức Anh

Hồi tưởng về những chặng đường gian khó của hoạt động nghệ thuật khi đất nước còn chiến tranh, NSƯT Song Thao nói rằng, bà và anh chị em đồng nghiệp hồi đó chỉ biết hát, tập vở, phục vụ cho quần chúng nhân dân và đúng là tận hiến cho nghệ thuật, luôn đau đáu làm thế nào để diễn cho hay mà không tơ hào đến bất cứ điều gì. Đến nỗi, lúc bà có thai lần thứ hai đã được 8 tháng vì không có diễn viên thay thế nên bà đã phải dùng khăn dài nịt cho bụng nhỏ để đóng vai một cô gái tiễn người yêu lên đường. “Diễn xong thì vã mồ hôi, vẫn biết như vậy là ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng thời chúng tôi khi nhân dân cần, Đoàn cần là cứ diễn, dù cho đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì” - NSƯT Song Thao chia sẻ.

NSƯT Song Thao chia sẻ về câu chuyện nghề. Ảnh: Đức Anh

Có lẽ vì sự tận hiến đó mà bà được ông trời đền đáp. Đến năm 1965, khi đi dự liên hoan ca múa nhạc toàn miền Bắc, đang ở trong chương trình hội diễn, Bộ Văn hóa thông tin cử một số anh chị em là diễn viên Đoàn Ca múa tỉnh Nghệ An đến xem triển lãm ở Tràng Tiền.

“Ban đầu cũng chỉ cảm thấy vui mừng, vinh dự vì được chọn là những gương mặt ưu tú đi xem triển lãm. Thế mà ngờ đâu đang đứng trong khán phòng triển lãm hôm đó, bỗng Bác Hồ xuất hiện, Người đi lối cửa sau, chúng tôi vỡ òa trong tiếng reo hò, Bác Hồ, ôi Bác Hồ...”.

Thế là tất cả diễn viên có mặt hôm đó chạy lại ôm chầm lấy Bác, người vuốt râu, người khoác chặt tay Bác, sợ vuột mất Người. Trong phút giây bất ngờ đó Bác ân cần hỏi tên từng người, rồi hỏi quê quán ở đâu.

“Khi Bác hỏi đến tôi, tôi nói to, dạ cháu quê Nghệ An, những tưởng Bác sẽ “ưu ái” hơn, nhưng ngờ đâu Bác trả lời: À các cháu đều là con cháu Bác cả nhỉ. Thế mới thấy sự vĩ đại mà dung dị của con người Hồ Chí Minh, Bác không muốn những người có mặt hôm đó chạnh lòng khi Bác có ý ưu ái hơn đối với bất cứ ai”.

Bác Hồ với Đoàn Văn công Nghệ An năm 1962. Ảnh tư liệu


NSƯT Song Thao hát lại bài hát "Trông cây lại nhớ đến Người " vẫn vẹn nguyên cảm xúc như lần đầu tiên bà hát bài hát này. Ảnh tư liệu

“Trông cây lại nhớ đến Người” và lần cuối cùng được gặp Bác

Nhắc đến lần được gặp Người cuối cùng trong cuộc đời, NSƯT Song Thao vẫn thổn thức khôn nguôi. Đó là lần được gặp Bác mà bà nhận được nhiều lời chỉ dạy của Người, nhận được những bài học quý giá theo suốt bà trong chặng đường nghệ thuật.

“Cũng vào năm 1965, sau khi dự liên hoan ca múa nhạc toàn miền Bắc, tôi và hai ca sỹ nữa được cử ở lại để hát cho Bác nghe. Ba chị em chúng tôi không ai bảo ai chỉ nhìn nhau mỉm cười lòng rộn rã niềm tự hào, niềm hạnh phúc”, NSƯT Song Thao kể.

Bác Hồ luôn trong tim mỗi người con đất Việt. Ảnh: tư liệu

Rồi bà như đoán được rằng, Bác xa quê sẽ vô cùng nhớ điệu ví quê nhà, thế là bà ôn lại câu ví đò đưa sao cho thật nhuyễn, thật tình cảm: “Ơ...ơ chơ ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/ Biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh/ Thuyền em lên thác xuống ghềnh/ Nước non là nghĩa là tình ai ơi...”.

“Khi phần biểu diễn của tôi kết thúc, Bác gật gù và nói:  Địa phương ta nói từ “nước" thành từ “nác” cháu ạ. Chao ôi, tôi thật không ngờ Bác bận trăm công nghìn việc, Người xa quê đã lâu mà vẫn nhớ những chi tiết nhỏ như vậy”. Một chi tiết nhỏ được Bác chỉ dạy khiến bà mãi mãi khắc ghi. Đối với bà đó là động lực, là trọng trách của người nghệ sỹ. “Nghệ sỹ phải luôn chỉn chu, luôn trau dồi, không ngừng phấn đấu để xứng đáng là nghệ sỹ trong lòng nhân dân” - bà nói.

NSƯT Song Thao  trình bày lại bài hát "Trông cây lại nhớ đến Người" mà bà thu âm năm 1969 chỉ sau ngày Bác mất, được phát trong những ngày nhân dân và khách quốc tế vào lăng viếng Bác. 

Khi nhắc về dấu mốc năm 1969, bà kể: “Năm ấy, Bộ Văn hóa thành lập đoàn không chuyên QK IV gồm những anh chị em “giỏi tay cày, hay tay súng” ra Hà Nội dự một lễ tuyên dương, chúng tôi được cử hát phục vụ cho các chiến sỹ. Mọi người lại hy vọng khấp khởi sẽ được gặp Bác.

“Vì lúc đó chúng tôi lại được lệnh sẽ phải tập luyện thật nghiêm túc để biểu diễn cho một sự kiện nào đó quan trọng lắm. Vừa tập vừa khấp khởi vì nghĩ sẽ được gặp Bác Hồ lần nữa. Thế nhưng, trong một buổi tập, chúng tôi nghe trên loa phát thanh tin Bác đã mất. Mọi người bàng hoàng đến câm lặng, không ai nói với ai câu nào, nước mắt lã chã rơi,... cảm giác như đất dưới chân đang sụp xuống”.

“Cũng thời điểm đó, nhận được tin văn công Nghệ An đang ở Hà Nội anh Đỗ Nhuận ghé qua chỗ Đoàn và đưa cho tôi bản nhạc anh vừa mới viết: “Trông cây lại nhớ đến Người”, bài hát được phát triển theo làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh. “Mới vỡ bài 15 phút mà tôi đã hát được ngay, hai anh em vừa tập vừa hát trong nước mắt. Ngay sau đó tức tốc lên Đài Tiếng nói Việt Nam để thu âm. Bài hát được phát sóng sau ngày Bác mất, khi các đoàn khách quốc tế và nhân dân vào viếng Người”.

Mỗi lần đến sinh nhật Bác, NSƯT Song Thao lại thấy hình ảnh Bác như đâu đây, kỷ niệm của những lần gặp Bác lại ùa về, lòng bà lại nhớ Bác khôn nguôi!

* NSƯT Song Thao  sinh năm 1942, quê Yên Thành vào Đoàn Văn công Nghệ An năm 1959.  Khi ở đoàn, bà vừa hát ca khúc, vừa hát chèo, vừa diễn kịch.

* Bà từng vào vai cô Nghệ trong vở kịch hát lừng danh "Cô gái Sông Lam" của đạo diễn Nguyễn Trung Phong.

* Ngoài ca kịch, bà còn là ca sỹ biểu diễn thành công các ca khúc Xa khơi, (Nguyễn Tài Tuệ), Buông áo em ra, (Hoàng Thành). Đặc biệt là người đầu tiên hát ca khúc "Trông cây lại nhớ đến Người" của Đỗ Nhuận.
* Bà từng đoạt 2 HCV, 1 HCB tại các cuộc thi Tiếng hát hay toàn quốc, được thưởng Huy hiệu Bác Hồ.
* Bà được phong Nghệ sỹ ưu tú năm 1984.