(Baonghean) - Trong nếp nhà xưa, bà Nguyễn Thị Nhâm (SN 1942) kể lại những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi, đặc biệt là kỷ niệm hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ.
Hiện tại, bà Nguyễn Thị Nhâm đã về nghỉ hưu tại xóm 11, xã Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu), sau mấy chục năm tham gia công tác xã hội, từ cán bộ Đoàn, cán bộ Tuyên giáo đến Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện. Bà có chiếc hộp gỗ cất giữ kỷ vật, trong đó bức ảnh được chụp chung với Bác Hồ bà luôn nâng niu, trân trọng, xem là một “báu vật”.
Bà tâm sự: “Cuộc đời có bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn nhưng giây phút được gặp Bác Hồ chắc hẳn tôi sẽ không thể nào quên. Đã gần 50 năm trôi qua nhưng giây phút ấy dường như còn ngưng đọng; lời nói ấm áp, ánh mắt yêu thương, cử chỉ thân mật của Người ngỡ như mới hôm qua...”.
Bà Nhâm lớn lên trong những năm tháng đất nước gồng mình đánh đuổi giặc ngoại xâm. Với vai trò cán bộ Đoàn, bà đã kêu gọi, tập hợp đoàn viên, thanh niên tập trung tăng gia sản xuất, tình nguyện tham gia xây dựng các công trình trên quê hương. Nhờ đó, năm 1965, được tham dự Đại hội TNXP tình nguyện miền Bắc do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tại thủ đô Hà Nội.
Một niềm vui bất ngờ khi toàn thể đại hội hay tin Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ tới tham dự. Rồi Người bước vào hội trường trong tiếng hò reo, với một phong thái giản dị và rất mực gần gũi, trải ánh nhìn với tất cả niềm yêu thương. Người phát biểu, căn dặn mọi người về cơ sở tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và xây dựng, chiến trường miền Nam đang và sẽ cần thêm nhiều sức người, sức của.
Lời nói của Bác đã truyền cảm hứng cho toàn thể đoàn viên, thanh niên tham dự đại hội, trở thành lời thúc dục và hiệu triệu của non sông, ai cũng muốn được cống hiến nhiều thêm nữa. Ba năm sau (tức năm 1968), với cương vị Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳnh Lưu, bà Nguyễn Thị Nhâm được Tỉnh ủy cử tham gia đoàn công tác của tỉnh ra Thái Bình học kỹ thuật trồng lúa Xuân năng suất cao.
Thời điểm ấy, Thái Bình là địa phương dẫn đầu toàn miền Bắc về năng suất lúa Xuân với câu hát nổi tiếng: “Chị Hai 5 Tấn quê ở Thái Bình”. Tại đây, đoàn Nghệ An được chia đất, cấp giống, phân đạm và nghe phổ biến kỹ thuật để triển khai việc gieo cấy. Kết thúc đợt tập huấn, đoàn được ra tham quan thủ đô Hà Nội, được ghé thăm Phủ Chủ tịch và vui nhất là được gặp Bác Hồ. “Đang ngồi trong phòng họp thì bất ngờ Bác vào từ cửa sau, vẫn với phong thái giản dị và chan chứa niềm yêu thương. Có điều, tôi nhận thấy sức khỏe của Bác đã yếu đi rất nhiều...” - bà Nhâm kể lại.
Lúc mới bước vào, Bác nhìn mọi người một cách âu yếm, rồi chỉ tay đếm. Xong, Bác nói: “Đoàn ta chỉ có 4 cháu nữ, lần sau các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhớ cho các cháu nữ đi nhiều hơn nhé!”. Rồi Bác chuyển sang đề tài kỹ thuật trồng lúa, Bác căn dặn rất nhiều, đại ý rằng ra học Thái Bình nhưng cần nhớ rằng đất Thái Bình khác đất Nghệ An, người Thái Bình cũng có những điểm khác so với người Nghệ An.
Vì thế, chúng ta không thể đặt đất Thái Bình lên đất Nghệ An, mà phải cần cù, sáng tạo để sớm đưa Nghệ An có nhiều đơn vị đạt 5 tấn/ha như ở Thái Bình. Sau này đất nước thống nhất, bà con miền Nam sẽ ra Nghệ An học, không phải ra Thái Bình để đỡ đi một quãng đường. Lời Bác dạy giản dị, dễ hiểu nhưng vô cùng thiết thực và sâu xa, toát lên một vốn sống uyên bác, một tầm nhìn xa, trông rộng.
Trở về quê, 4 huyện được cử người ra học tập kinh nghiệm tại Thái Bình (gồm: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương) lập tức phổ biến kỹ thuật để bà con nông dân áp dụng vào sản xuất lúa. Vụ đầu tiên, huyện Quỳnh Lưu tổ chức thí điểm tại 3 xã: Quỳnh Hậu, Quỳnh Bá và Quỳnh Hồng. Bà Nguyễn Thị Nhâm lúc ấy là Ủy viên BTV Huyện ủy và được giao phụ trách điểm Quỳnh Hồng.
Trên cơ sở những kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được ở Thái Bình, cùng với thực hiện lời dạy của Bác là phải năng động, sáng tạo để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, bà Nhâm tích cực hướng dẫn bà con nông dân triển khai. Những khi rảnh rỗi, bà tập hợp bà con, kể lại câu chuyện gặp Bác Hồ và những lời dặn dò của Người khiến ai cũng vui mừng, phấn khởi, có thêm động lực trong lao động, sản xuất.
Kết quả thí điểm vụ lúa Xuân thật bất ngờ, vụ đầu tiên Quỳnh Hậu đạt 6,2 tấn/ha; Quỳnh Bá đạt 6 tấn/ha và Quỳnh Hồng lên tới 6,6 tấn/ha. Từ cán bộ đến bà con nông dân ai cũng vui mừng, phấn khởi và không dấu được niềm tự hào. Hội nghị đầu bờ được triển khai tại Quỳnh Hồng, bà Nguyễn Thị Nhâm đã trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm cho cán bộ, nông dân các xã trong toàn huyện.
Bà không quên kể lại kỷ niệm được gặp Bác Hồ và được Bác dặn dò, dạy bảo về tinh thần sáng tạo, năng động và phát huy đức tính cần cù, chịu khó. Nhờ đó, vụ lúa Xuân năm ấy, huyện Quỳnh Lưu đã tăng được 60% diện tích, và vụ tiếp theo tăng lên 80%, trở thành một trong những “điểm sáng” của hậu phương miền Bắc.
“Về sau, qua nhiều cương vị công tác khác nhau, mỗi khi đưa ra quyết định quan trọng, tôi lại nhớ tới lời dặn dò của Bác năm xưa để xem xét và cân nhắc, luôn nghĩ cách để có được kết quả tốt nhất. Với tôi, lời Bác dặn còn vang đâu đây...” - bà Nhâm chia sẻ.
Công Kiên