(Baonghean) Cây bo bo thuộc họ cây thảo quả. Đây là cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Loại cây thân cỏ mềm, trông giống như cây giong riềng và thường được trồng bằng những nhánh tẽ ra từ gốc cây chủ có tuổi 5-6 năm trở lên. Sau 3 năm bo bo đã cho quả sai. Loại cây này mọc hoang và có số lượng lớn ở Kỳ Sơn. Lâu nay, người dân địa phương vẫn đi thu nhặt quả bo bo tự nhiên về đem bán với giá từ 28-30 nghìn đồng/1 kg quả khô.
Mô hình trồng cây bo bo dưới tán rừng đã được Phòng Nông nghiệp & PTNT Kỳ Sơn tiến hành thí điểm ở hai xã Bảo Nam và Tây Sơn. Đây là hai xã có diện tích và sản lượng cây bo bo tự nhiên lớn nhất huyện. Riêng Bảo Nam, năm 2011, thu hoạch được 30 tấn bo bo đem bán ở thị trường. Người dân được hỗ trợ về giống và hướng dẫn cách trồng, bảo vệ cây. Huyện chỉ đạo các xã chia diện tích rừng tự nhiên cho các hộ để họ khoanh nuôi bảo vệ. Đến nay, diện tích cây bo bo được trồng mới ở hai xã xấp xỉ 30 ha. Bằng cách làm này, người dân sẽ tích cực hơn trong việc bảo vệ và chăm sóc diện tích bo bo của mình, từ đó việc bảo vệ rừng cũng được chú trọng. Là người trực tiếp tham gia mô hình, anh Ven Phò Hinh, ở bản Thào Đi - xã Bảo Nam, cho biết “Rừng bo bo trước kia người ta thu hoạch lộn xộn nên lãng phí, nay có phòng Nông nghiệp chia đất cho từng hộ quản lý lại hỗ trợ giống để trồng, hôm sau có thu hoạch cho từng gia đình trong bản, ai cũng vui”.
Mô hình bước đầu đi vào triển khai đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Cây bo bo là cây bản địa nên dễ trồng, dễ phát triển. Trong nhiều năm qua, cây bo bo tự nhiên đã là nguồn thu nhập không nhỏ của nhiều gia đình, lợi ích của nó ai cũng đã nhìn thấy được. Vì thế, không khó để vận động người dân tham gia. Loại cây này thích hợp sống ở nơi có độ ẩm cao và phát triển tốt hơn ở dưới các tán rừng. Muốn cây cho năng suất cao, bắt buộc người dân phải bảo vệ những cây cao ở tầng trên. Từ đó việc bảo vệ rừng sẽ được gắn liền với việc tăng diện tích và năng suất của cây.
Thực hiện được mô hình này không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà cái lợi lớn hơn là có tác dụng bảo vệ rừng, gắn việc bảo vệ rừng với lợi ích trực tiếp của người dân. Trực tiếp chỉ đạo mô hình, ông Lê Công Tâm -Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết thêm: “Từ Chương trình 30a, phòng Nông nghiệp đã hỗ trợ 80.000 cây giống cho hai xã Bảo Nam và Tây Sơn. Trên cơ sở giao giống trồng dưới tán rừng và chia đất cho từng hộ vừa bảo vệ rừng vừa phát triển kinh tế, sau khi trồng 3 năm, bo bo sẽ cho thu hoạch. Nếu đạt năng suất như hiện tại thì 1 ha có khả năng đạt 2-3 tấn”.
Kỳ Sơn triển khai mô hình trồng bo bo
Phan Tâm (Đài Kỳ Sơn)