(Baonghean.vn) - Sau 2 năm trở lại xã Bảo Nam (Kỳ Sơn), cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là vùng đất này gần như không có gì đổi thay, vẫn còn đó những khó khăn, bộn bề của cuộc sống. Nói cách khác, cái đói, cái nghèo vẫn còn bám riết đời sống của đồng bào dân tộc Khơ mú ở Bảo Nam. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, có cả nguyên nhân khách quan lẫn nguyên nhân chủ quan cần sớm được khắc phục để đưa Bảo Nam sớm thoát khỏi tình trang đói nghèo.
Chưa có nguồn điện lưới, người dân nơi đây vẫn phải giã gạo bằng tay
Xã Bảo Nam hiện có 10 bản, gần 600 hộ với gần 4.000 nhân khẩu. Trong những năm qua, nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng một số công trình phúc lợi phục vụ đời sống kinh tế- xã hội ở Bảo Nam như rải nhựa tuyến đường từ xã Hữu Kiệm đến trung tâm xã Bảo Nam (gần 20 km); trường học, trạm y tế được xây dựng kiên cố, khang trang; công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt được lắp đặt và xây dựng khắp các bản làng. Nhưng trên thực tế, so với các xã trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, Bảo Nam là một trong những xã khó khăn nhất, dù nằm cách trung tâm huyện trên dưới 20 km. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện vẫn nằm ở mức xấp xỷ 80%. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa được hoàn thiện nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội.
Hiện tại, Bảo Nam vẫn chưa có điện lưới, bà con nơi đây đang phải thắp sáng bằng nguồn điện lấy từ thủy điện mi ni hoặc đèn dầu hỏa. Không có điện lưới, các phương tiện nghe nhìn không có điều kiện phát triển nên hạn chế nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cũng như nhu cầu nâng cao trình độ dân trí, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, mới 2/10 bản của Bảo Nam được đầu tư xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng, 8 bản còn lại đang ở trong tình trạng “trắng” nhà văn hóa. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề tổ chức sinh hoạt cộng đồng, nhu cầu giao lưu văn hóa- văn nghệ cũng như hạn chế vấn đề thực hiện chủ trương đưa thông tin về cơ sở, một mục tiêu lớn của ngành Văn hóa.
Giao thông nội vùng cũng là một vấn đề cấp thiết được đặt ra ở Bảo Nam trong thời điểm hiện nay. Tuyến đường từ trung tâm xã về các bản vẫn còn gập ghềnh, trắc trở, hầu hết phải đi bộ. Vào mùa mưa lũ, các tuyến đường này gần như đều bị sạt lở, chia cắt. Đặc biệt, từ trung tâm xã muốn đến một số một số bản ở xa, người dân phải “mượn” đường của các xã khác. Chẳng hạn, để đến các bản Khe Nạp, Huồi Lầu, Pha Lâng phải vượt chặng đường khoảng 80 km, qua địa bàn các xã Hữu Lập, Hữu Kiệm, Thị trấn Mường Xén, Tà Cạ, Phà Đánh và Huồi Tụ. Đó là chưa kể hầu hết các công trình nước sạch ở Bảo Nam hiện đang trong tình trạng “đắp chiếu” do bị hư hỏng, ảnh hưởng đến nhu cầu sinh hoạt của bà con nhân dân.
Nguồn thu nhập chính của người dân Bảo Nam là nương rẫy. Nhưng do độ dốc lớn, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, lại hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên năng suất các loại cây trồng ở đây luôn ở mức thấp, thậm chí rất thấp. Đó chính là nguyên nhân của tình trạng thiếu đói thường xuyên của không ít hộ gia đình ở Bảo Nam. Bên cạnh đó, tuy có lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc nhưng hiện tại việc chăn nuôi vẫn còn manh mún, chủ yếu là thả rông, bà con thiếu vốn để mở rộng quy mô và phát triển đàn gia súc. Người dân Bảo Nam vẫn còn hạn chế trong ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, tình trạng nuôi nhốt gia súc dưới sàn nhà và thả rông khắp bản vẫn còn khá phổ biến.
Trao đổi về hướng thoát nghèo của Bảo Nam, ông Ven Phò Xúc- Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: “Nhà nước cần giúp địa phương giải quyết những “cái khó” về kết cấu hạ tầng để đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội. Đó là sớm hoàn thành hệ thống đường dây truyền tải điện về xã, nâng cấp tuyến đường về các bản, đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng và sửa chữa hệ thống nước sinh hoạt”. Ông Ven Phò Xúc còn trao đổi thêm về vấn đề tìm các loại giống cây- con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đi đôi với việc tập huấn khoa học kỹ thuật và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Người dân Bảo Nam mong muốn được tạo điều kiện để phát triển đàn gia súc để phát huy lợi thế, từng bước xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, nghiên cứu, hỗ trợ phát triển cây mây và nghề đan lát- ưu thế của đồng bào Khơ mú để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân...