(Baonghean) - Sau gần 4 năm thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững cho các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, 3 huyện rẻo cao Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, hàng ngàn người dân đã được cải thiện cuộc sống…
Chị Xồng Y Mò ở bản Huồi Giảng I, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn), tâm sự: Người Mông ta lâu nay chỉ biết “chọc lỗ, tra hạt” quanh năm đói cơm lạt muối, nay nhờ từ Chương trình 30a mà cuộc sống bà con đã được đổi thay. Riêng gia đình tôi trong năm 2010 được Chương trình 30a cùng lồng ghép với các dự án khác hỗ trợ 2 con bò và 5 triệu đồng tiền lợn giống. Đến nay, 2 con bò đã sắp đẻ và 2 lợn nái đã cho thu hoạch, bán được 4 lứa lợn con. Có tiền, vợ chồng tu sửa được căn nhà và kế hoạch là sẽ vay mượn thêm để phát triển đàn bò, đàn dê.
Ngoài gia đình chị Xồng Y Mò, ở xã Tây Sơn còn có hàng trăm gia đình khác nhờ từ Chương trình 30a đã vươn lên thoát nghèo. Như gia đình anh Vừ Bá Rê hiện đã có 3 con bò và 6 con lợn, hộ ông Vừ Xé Xử ở bản Huồi Giảng III có 5 con bò và trên 100 con gà đen… Ông Vừ Chồng Gì-Chủ tịch UBND xã Tây Sơn, phấn khởi: Từ Chương trình 30a đã hỗ trợ cho bà con gần 70 con bò cái cùng với giống cây trồng, vật nuôi. Hiện Tây Sơn đã phát triển khá mạnh phong trào chăn nuôi bò, gà đen, dê. Nhiều gia đình người Mông ở Tây Sơn nhờ Chương trình 30a không chỉ vươn lên thoát nghèo mà đã biết phát triển cây trồng, vật nuôi thành hàng hoá. Như xã trồng tập trung được trên 100 ha khoai sọ, trồng dưới tán rừng trên 150 ha cây bo bo, cây thông đỏ; có trên 20 gia đình chăn nuôi quy mô từ 15 - 20 con bò …
Một trong những mô hình nuôi gà từ vốn vay Chương trình 30a ở Kỳ Sơn
Chúng tôi về xã Hữu Lập, đang mùa thu hoạch ngô, bản làng nơi đây đổi thay đến ngỡ ngàng, những mái lá tranh tre xiêu vẹo trước đây được thay bằng những ngôi nhà sàn lợp ngói. Triền đồi bát ngát màu xanh no ấm của ngô, keo lai, măng điền trúc. Ông Lương Văn Phòng ở bản Xốp Thạng kể: Trước đây, người dân Hữu Lập chủ yếu sống nhờ vào nương rẫy, trong năm 2010, Chương trình 30a đã hỗ trợ 5 triệu đồng khai hoang 5 sào ruộng nước, được cán bộ tập huấn kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc lúa nước. Nhờ vậy mà năng suất lúa khá cao, đạt từ 200-250 kg/sào. Ổn định lương thực, chúng tôi tập trung phát triển chăn nuôi lợn và trồng rừng. Chưa kể là Chương trình 30a còn hỗ trợ cá giống, Hữu Lập đã khai thác được tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản. Riêng bản Xốp Thạng có gần 15 ha ruộng nước, trong đó khai hoang mới được 5 ha, cả bản có trên 40 hộ có ao cá. Từ nuôi cá, nhiều gia đình còn mạnh dạn chuyển sang nuôi ếch và ba ba cho thu nhập cao. Hầu hết các hộ nghèo ở Hữu Lập đều được hỗ trợ bò và phát huy hiệu quả tốt. Theo ông Vi Thái Dương - Chủ tịch UBND xã Hữu Lập: Nhờ từ Chương trình 30a mà bà con Hữu Lập đã thoát nghèo, chương trình này đã hỗ trợ cho các bản Xốp Nhị, Xốp Thặp, Chà Lăn... khai hoang ruộng nước trên 20 ha, nâng tổng diện tích cả xã có trên 60 ha ruộng nước. Từ năm 2010 xã được hỗ trợ gần 50 con bò và khoảng 700 kg cá giống.
Ông Bùi Trầm - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, tâm sự: Nghị quyết 30a của Chính phủ là một chủ trương hợp với lòng dân, là một “luồng gió mới” làm đổi thay diện mạo của huyện biên giới rẻo cao. Từ năm 2009 đến nay, Chương trình đã đầu tư xây dựng được tuyến đường Tà Cạ - Hữu Kiệm trị giá 37 tỷ đồng, cầu qua sông Nậm Mộ 13 tỷ đồng, Trung tâm Y tế Nậm Càn, Phá Đánh, xây dựng các nhà nội trú Trường THPT xã Nậm Cắn, Bắc Lý, Bảo Thắng… trị giá 8,5 tỷ đồng. Hỗ trợ khai hoang ruộng nước 62 ha, chăm sóc bảo vệ rừng 4.387 ha, làm gần 100 chuồng trại, cấp 400 con bò. Nhờ vậy mà nhiều bà con vùng sâu, vùng xa đã có điều kiện để vươn lên thoát nghèo.
Chúng tôi lại tiếp tục hành trình về với xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Chị Hà Thị Tuyên ở bản Đô (xã Châu Kim) khoe: “Nhờ Chương trình 30a mà gia đình tôi đã thoát nghèo. Tháng 6/2011, Chương trình hỗ trợ 1 con lợn nái sinh sản, đến nay lợn đã đẻ được 2 lứa, lứa đầu được 10 con, lứa 2 được 12 con. Qua 3 tháng chăm sóc bình quân mỗi con đạt 4 - 4,5 kg bán với giá 100.000 đồng/kg lợn giống”. Có tiền từ chăn nuôi lợn sinh sản, chị Tuyến sửa sang nhà cửa và trong năm nay sẽ nuôi thêm 1 con lợn nữa để tăng thêm thu nhập. Được biết, Chương trình 30a cấp cho Châu Kim trên 200 con lợn sinh sản đều phát huy hiệu quả tốt. Chưa kể là chương trình này còn hỗ trợ bà con phát triển các mô hình nông nghiệp như khai hoang ruộng nước, nuôi cá, trồng bí, trồng mía...
Kè mương lấy nước ở Châu Kim - Quế Phong bằng nguồn vốn
lồng ghép 30a
Chương trình 30a cũng rất thiết thực với đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay đã xoá nhà dột nát cho trên 2.600 hộ dân, tập trung xây dựng hàng chục công trình trọng điểm như Trung tâm Dạy nghề 5,9 tỷ đồng, công trình thủy lợi Minh Châu 11 tỷ đồng, nước sinh hoạt bản Méo, xã Nậm Giải. Xây dựng đập thủy lợi Phai Luận, cầu treo Long Quang, xã Tiền Phong… Chương trình 30a còn giúp người dân tiếp cận với các tiến bộ KHKT, hỗ trợ phát triển kinh tế nông-lâm kết hợp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai để phát triển kinh tế có hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh biên giới.
Về Tương Dương, trên khắp các bản làng đã thấy màu xanh của no ấm, một phần là nhờ vào Chương trình 30a. Tương Dương có 18 xã, thị trấn thì 17 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 53,5% (năm 2009). Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 30a, cuộc sống của người dân rẻo cao Tương Dương từng ngày đổi thay. Huyện đã xây dựng được các công trình trọng điểm như hệ thống cấp điện bản Tùng Hương xã Tam Quang, xã Tam Hợp. Xây dựng đường giao thông vào bản Na Bè và Hợp Thành xã Xá Lượng, hệ thống cấp nước sinh hoạt bản Khổi. Bên cạnh đó, huyện còn được 2 doanh nghiệp là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Ngân hàng Vietcombank tài trợ 43 tỷ đồng để thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ. Xây dựng 10 công trình. Đến nay, Tương Dương đã xây dựng được trên 20 công trình lớn nhỏ, làm mới hơn 2.000 ngôi nhà cho hộ nghèo, cấp gần 5.000 kg cá giống, hỗ trợ gần 400 con trâu bò cho các hộ nghèo.
Được biết, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình 30a trên địa bàn 3 huyện là 1.229,46 tỷ đồng, tập trung xây dựng trên 65 công trình thiết yếu về cơ sở hạ tầng, đến nay đã đưa vào sử dụng 55 công trình. Bố trí trên 70 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, nghiệp, cấp gạo cho bà con... Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã đáp ứng đầy đủ về nguồn vốn vay và doanh số cho vay trên 650 tỷ đồng, cho trên 65.000 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần phát triển kinh tế hộ, xoá đói giảm nghèo bền vững...
Chương trình 30a đang giúp người dân 3 huyện rẻo cao chuyển biến tích cực về mọi mặt, bà con ngày càng phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.