(Baonghean) – Yên Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An) là xã nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát với hơn 70% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày trước, đời sống của người dân nơi đây còn hết sức khó khăn, gian khổ. Nhưng khoảng 5 năm lại đây, Yên Khê như thay da đổi thịt, người dân nơi đây không chỉ biết phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mà còn biết trồng và bảo vệ rừng.

Vươn lên thoát nghèo

Tháng 6, chúng tôi trở lại Yên Khê (Con Cuông, Nghệ An). Dọc 2 bên đường là một màu xanh tươi non của những nương chè đang độ ra lộc. Những ngôi nhà ngói đua nhau mọc lên san sát, thỉnh thoảng xuất hiện những ngôi nhà 2, 3 tầng khang trang. Mới có mấy năm mà Yên Khê thay đổi nhiều quá.
 
Ông Vi Văn Đậu, Chủ tịch UBND xã Yên Khê kể: Toàn xã Yên Khê có hơn 1.200 hộ dân thì trong đó có hơn 90% sống phụ thuộc vào nông nghiệp. Ngày trước, toàn bộ diện tích đất sản xuất chỉ trồng lúa, trồng màu, dân may lắm chỉ đủ ăn. Nhưng kể từ ngày chuyển đổi sang trồng chè, trồng cam, người dân nơi đây mới biết thế nào là no ấm. Yên Khê là xã có diện tích đất nông nghiệp trồng chè lớn nhất huyện Con Cuông, với trên 340 ha, trong đó, thôn Trung Yên chiếm đến 80 ha. Nhận thấy được giá trị kinh tế của cây chè, mỗi năm diện tích đất sản xuất được chuyển đổi từ trồng lúa, màu sang trồng chè cứ tăng lên.

766833_small_64354.jpg
 Ông Nguyễn Trọng Nam, phó chủ tịch UBND xã Yên Khê (Con Cuông) bên vườn chè cho thu nhập 70 triệu/ha/năm.

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Đình Hà (Thôn Trung Yên, xã Yên Khê), khi gia đình ông mới ăn cơm trưa xong. Nhìn quang cảnh ngôi nhà, chúng tôi hết sức bất ngờ vì trong nhà hầu như không thiếu một vật dụng nào. Từ ti vi màn hình phẳng, đầu đĩa, xe máy rồi đến cả chiếc tủ lạnh nơi góc bếp được lát bằng gạch hoa sáng bóng. Ông Hà kể: “Nhà trồng gần 5ha chè, mỗi năm thu nhập cũng được khoảng hơn 300 triệu đồng. Đối với người nông dân thì đó là một số tiền rất lớn. Ngày trước nhà tôi là hộ nghèo gần nhất thôn, nhưng vợ chồng bàn nhau nhận thêm đất, trồng chè, được hỗ trợ về giống, phân bón, được tập huấn về kỹ thuật trồng chè nên hôm nay nhà cũng của để dành, có điều kiện cho con cái ăn học, xây nhà cửa”.
 
Đến thăm nhà anh Lê Văn Giáp, một thanh niên vượt khó làm giàu của xã. Nhà anh Giáp, (theo như anh nói) thì ngày xưa “nghèo rớt mồng tơi, một năm thì tới 10 tháng thiếu ăn”. Nhưng giờ đây, thu nhập từ cây chè đã cho anh nhà cửa, bể nước, xe máy... Anh giáp cho biết: Trước đây, diện tích đất canh tác ít ỏi, người dân chủ yếu sống bám rừng với đủ nghề như bẫy thú, săn bắn, lấy mật o­ng… làm quần quật quanh năm mà cũng không đủ ăn. Rồi rừng cũng được quy hoạch thành Vườn quốc gia, không thể khai thác được nữa, thế là người dân “bơ vơ”. Cũng may lúc đó, các cấp chính quyền quan tâm kịp thời, giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất du canh bằng việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi từ cây lúa sang cây chè, huyện còn hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật cho người dân nên đời sống người dân đã được cải thiện, ấm no.
 
Không chỉ vươn lên làm giàu bằng cây chè, người dân trong xã đang tích cực trồng cam. Toàn xã có đến hơn 30 ha diện tích đất trồng cam, trong đó 10 ha đã đến kỳ thu hoạch, mỗi ha thu về hơn 80 triệu đồng/năm/ha. Trong đó, nổi lên là 2 hộ dân có diện tích cam lớn nhất xã là hộ anh Lương Văn Cấp và hộ anh Lô Văn Cư (trú bản Tân Hương).
 
Cùng nhau bảo vệ rừng  

Gần 10 năm về trước, người dân Yên Khê chỉ biết sống bám vào rừng, chặt phá, săn bắn, bẫy thú về bán lấy tiền mua cân gạo, cân muối nên đời sống luôn bấp bênh. Nhưng từ ngày các hộ dân chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, rồi nhận đất rừng, được giao khoán rừng để bảo vệ, chăm sóc, nhận thức về rừng của người dân đã thay đổi hẳn.
 
Anh Vi Văn Toàn (thôn Trung Chính, xã Yên Khê) trước đây là một trong những người làm nghề bẫy thú rừng. Cả xã không có ai bẫy được nhiều thú như anh. Nhưng từ  ngày có lệnh cấm bẫy thú rừng, gia đình anh không biết làm nghề gì nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, bây giờ đây, gia đình anh là một trong những gia đình khá giả trong xã. Hiện tại, anh đã nhận hơn 10 ha rừng để trồng keo, mát, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình còn trồng thêm gần 1 ha chè, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng/ ha. Đó là những sự đổi thay rõ rệt của đời sống người dân nơi đây.


 Nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng bằng nguồn thu từ cây chè.

Toàn xã có 500 hộ dân nhận hơn 3.000 ha đất rừng để chăm sóc, bảo vệ. Nhiều diện tích đất sản xuất được người dân đưa vào trồng keo, mát, cây thuốc. Anh Nguyễn Trọng Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khê cho biết: Gần 10 năm nay, diện tích rừng mà người dân nhận giao khoán chưa để xảy ra tình trạng cháy rừng. Người dân đã hầu như bỏ được thói quen vào rừng đi săn, bắt thú. Không còn tình trạng chặt phá rừng bừa bãi, người dân nơi đây còn kết hợp với lực lượng kiểm lâm, cán bộ VQG Pù Mát xây dựng nhiều chương trình phòng chống cháy rừng, tổ chức ký cam kết không chặt phá rừng, bảo vệ rừng. Nói xong ông chỉ tay về những vệt xanh ngắt, bát ngát nơi xa xăm. Quả thật, rừng nơi đây không chỉ rất “giàu”, mà còn rất đẹp.
 
Theo ông Vi Văn Đậu thì ngày xưa, bản Trung Chính và Trung Hương là 2 bản có người dân thường xuyên đi vào rừng để săn bắt thú. Nhà nào cũng có người đi rừng, có nhà có tới 2 - 3 người đi. Họ đi cả tháng, rồi đem theo cơm, nước mắm... ở luôn trong đó cả tháng trời. Nhưng rồi, nhờ những chính sách, chương trình khoa học hiệu quả của Chính quyền cùng phối hợp với Hạt kiểm lâm, VQG Pù Mát mang lại mà người dân nơi đây đã có thể sống không lệ thuộc vào rừng.
 
Anh Trần Xuân Cường, Phó giám đốc VQG Pù Mát tâm sự: “Muốn bà con cùng chung sức bảo vệ rừng thì trước hết phải giúp đời sống người dân được no ấm”. Vì thế, từ những năm 2008, VQG Pù Mát đã có nhiều chương trình hỗ trợ người dân vùng đệm trong việc xây dựng mô hình trồng cây công nghiệp ngắn ngày xen với các loại thuốc, các loại lâm sản ngoài gỗ để tăng thêm thu nhập trên chính diện tích đất rừng được giao. Ngoài ra, VQG Pù Mát còn thực hiện mô hình thuần dưỡng một số loài có khả năng dễ thích ứng với điều kiện môi trường bán hoang dã để chăn nuôi như nhím, gà, lợn rừng để tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế cho người dân.
 
Rời Yên Khê, chúng tôi không khỏi vui mừng trước những đổi thay rõ nét về cuộc sống của người dân nơi đây. Và còn vui mừng hơn khi họ đã biết yêu rừng, biết qúy rừng và ra sức bảo vệ rừng trước những sức tàn phá của con người đối với thiên nhiên. 


Phạm Bằng